jeudi 20 juillet 2017

Hậu trường chính trị sôi động trước Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc


Ông Tôn Chính Tài, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh vừa thất sủng.

(AFP 20/07/2017) Một trong những lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc biến mất trên chính trường, liên tục có những quan chức bị tố cáo vướng vào một xì-căng-đan tài chính, và một chủ tịch đầy quyền năng tìm kiếm người kế vị…Những thủ đoạn hậu trường bắt đầu tại Bắc Kinh, vào lúc Đại hội Đảng sắp diễn ra.

Nhân dịp Đại hội Đảng lần thứ 19 dự kiến vào mùa thu này, Tập Cận Bình sẽ được giao lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đất nước đông dân nhất thế giới thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa.


Nếu chiếc ghế của ông Tập là chuyện không có gì để bàn cãi, thì thành phần bảy ủy viên thường trực quyền uy của Bộ Chính trị tương lai, đang là mục tiêu đấu đá trong hậu trường của nhiều phe phái khác nhau, nhằm lăng-xê ứng cử viên của mình.

Trong bối cảnh đó, việc bí thư thành ủy Trùng Khánh, đại đô thị lớn thứ tư Trung Quốc bất ngờ từ chức không một lời giải thích, rất được chú ý. Giáo sư Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) của trường đại học khoa học chính trị và luật của Thượng Hải nhận xét, ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), 53 tuổi, người trẻ nhất trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, được cho là một ứng viên quan trọng để trở thành ủy viên thường trực.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post vốn thạo tin, ông Tôn Chính Tài bị cơ quan kiểm tra nội bộ đảng thẩm vấn trong khuôn khổ một cuộc điều tra tham nhũng.

Các dấu hiệu cho thấy điều này : nhật báo Trùng Khánh khi loan báo việc ông Tôn Chính Tài từ chức đã nhấn mạnh, các cán bộ đảng phải « duy trì kỷ luật nghiêm khắc và phân biệt rõ cái tốt và cái xấu ». Còn Hoàn Cầu Thời Báo hôm thứ Ba 18/7 lớn tiếng « Những kẻ nào vi phạm nguyên tắc đảng là những kẻ phá hoại », tuy không cho biết thêm chi tiết.

Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền năm 2012 đã tung ra một chiến dịch chống tham nhũng đại quy mô, trừng phạt 1,2 triệu người trên toàn quốc – theo số liệu do ĐCSTQ đưa ra vào đầu năm nay. Nhưng nhiều người cho rằng ông Tập lợi dụng chiến dịch này để đánh vào các đối thủ.

Nếu việc ông Tôn Chính Tài bị điều tra được xác nhận, thì đây sẽ là một trong những xì-căng-đan tham nhũng lớn nhất liên quan đến một quan chức cao cấp Trung Quốc, từ sau vụ Bạc Hy Lai (Bo Xilai), ngôi sao đang lên của đảng và là địch thủ tiềm năng của Tập Cận Bình, đã bị mất chức và tù tội sau khi ông Tập lên ngôi.

Tôn Chính Tài đã được bổ nhiệm làm bí thư Thành ủy của chính thành phố Trùng Khánh để chỉnh đốn tình hình, sau nhiệm kỳ của ông Bạc Hy Lai. Nhưng hồi tháng Hai, các thanh tra của đảng đã công khai khiển trách ông Tôn đạt kết quả kém, đây là dấu hiệu đầu tiên cho sự thất sủng. Nhà chính trị học Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), Viện Công nghệ Bắc Kinh nói với AFP việc từ chức của Tôn Chính Tài « có thể liên quan đến việc ông gây trở ngại trực tiếp hoặc gián tiếp cho kế hoạch của Tập Cận Bình về Đại hội 19 của Đảng ».

Mục tiêu của ông Tập : hủy diệt những người kế tục do người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo dự kiến. Hai cựu lãnh đạo này vẫn còn ảnh hưởng lớn trong giới quan chức, theo phân tích của giáo sư Trần Đạo Ngân.

Đến lượt Tập Cận Bình tìm cách củng cố lớp kế tục của mình sau nhiệm kỳ thứ hai sẽ kết thúc vào năm 2022 – theo nhận xét của chuyên gia về chính trị Trung Quốc Ling Li của Viện Khoa học Xã hội Áo. Một nhân vật rất thân cận với Tập Cận Bình đã được bổ nhiệm đến Trùng Khánh thay thế cho Tôn Chính Tài, đó là một « người trẻ » 56 tuổi, Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er), nguyên bí thư thành ủy Quý Châu. Ông này có thể sẽ trở thành ủy viên thường trực Bộ Chính trị.

Giáo sư Trần Đạo Ngân cho rằng về lâu về dài, Trần Mẫn Nhĩ sẽ là người kế nhiệm của Tập Cận Bình. Cú đòn đánh vào ông Tôn Chính Tài là nhằm dằn mặt những người đối lập với Tập Cận Bình, trước hội nghị mùa hè truyền thống của giới lãnh đạo đảng tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà ở gần Bắc Kinh. Tại đây, vấn đề kế tục sẽ được tranh cãi trước khi Đại hội chính thức diễn ra, mà thời điểm vẫn chưa được xác định.

Cũng theo ông Trần Đạo Ngân, vụ ông Tôn Chính Tài mất chức cho thấy chủ tịch nước Tập Cận Bình « hiện là tiếng nói thống trị trong đảng và có thể tự mình áp đặt việc bổ nhiệm các chức danh ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.