lundi 28 novembre 2016

Cuba và Castro, nỗi hy vọng và niềm cay đắng


Sinh viên trường đại học Havana tưởng niệm cố chủ tịch Fidel Castro, 28/11/2016.

Còn lại gì trong di sản của « Fidel »? Một cuộc cách mạng đã tàn bạo xơi thịt những đứa con của mình, nhưng không đưa được nhân dân ra khỏi lầm than? Hình ảnh một nhà độc tài nhẫn tâm sống trong xa hoa? Lịch sử sẽ lưu giữ lại tất cả, mà không rơi vào chiếc bẫy của thi vị hóa và huyễn hoặc.

(Xã luận của Le Monde 27/11/2016) Fidel Castro, qua đời tối 25/11/2016, trước hết đại diện cho hy vọng. Một niềm hy vọng mênh mông. Người ta không thể hiểu được tác động của cuộc cách mạng Castro tại hòn đảo nhỏ ở vịnh Caribê này nếu không đặt mình vào thời đại đó.

Trong năm 1959 ấy, khi các « barbudos » - du kích quân trong cuộc chiến do « Fidel » lãnh đạo chống lại chế độ độc tài của Fulgencio Batista nắm được quyền ở La Habana - chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô đã bị đóng khung trong một thể chế toàn trị quan liêu.

Đó là một cuộc cách mạng do các thanh niên lên vùng núi non cầm súng, lật đổ được một nhà độc tài tham nhũng. Batista đã giao đất nước cho mafia Bắc Mỹ, làm thành một loại casino cho các du khách tìm kiếm cái khác lạ. Tất cả đều có ở đây : sự lãng mạn, điệu nhạc rumba, những bộ treilli du kích. Huyền thoại là thế, và cũng là một phần sự thật. Bởi vì khởi đầu của cách mạng được đánh dấu bởi sự nhập nhằng.

Castro nói : « Cách mạng Cuba là một nền dân chủ nhân đạo ». Trong hai năm trời, Fidel tỏ ra ngần ngại, trước khi gieo mình vào vòng tay của Matxcơva. Các nhà sử học hãy còn tranh luận : có phải là do Washington quá hung hăng, hay « Fidel » đã có sẵn quyết định thành lập một chế độ cộng sản ở Cuba ?

Năm 1961, sự chọn lựa đã xong xuôi. Castro tuyên bố theo chủ nghĩa Mác Lênin, thiết lập một chế độ hết sức độc tài, cho bắn bỏ hay tống giam những người có chút gì chống đối. Các quyền tự do bị xóa bỏ, nền kinh tế bị quốc hữu hóa. Ông ta giam cầm cách mạng Cuba vào trại cải tạo xô-viết, một cách bắt buộc hay tự nguyện.

Nhưng đối với tất cả những ai thất vọng vì chủ nghĩa cộng sản, điều này không mấy quan trọng. Tại châu Phi, châu Á tức bên ngoài châu Mỹ la-tinh, mô hình chủ nghĩa Castro mê hoặc và vươn xa khỏi vịnh Caribê, tạo sức sống cho nhiều cuộc chiến du kích cách mạng. Huyền thoại « Fidel » là toàn cầu.

Tại chỗ, chiến tranh lạnh tiếp diễn. Washington muốn kết thúc trải nghiệm Castro. Cuộc khủng hoảng tên lửa – do Kremlin bố trí tại Cuba – cuối cùng là một thất bại cho Matxcơva, nhưng góp phần làm chế độ mà CIA cho rằng đã đến hồi kết, trở nên cứng rắn hơn.

Hoa Kỳ cấm vận kinh tế toàn diện, Liên Xô ủng hộ đảo quốc. Castro thành công trong việc nêu cao « tinh thần chống Mỹ » cường điệu trong toàn khu vực, gây nhiều khó khăn cho Hoa Kỳ tại châu Mỹ la-tinh. Cánh tả châu Âu bị huyền thoại Castro thu hút suốt một thời gian dài,và lại làm ngơ trước sự đàn áp thô bạo trong nước

Chiến tranh lạnh chấm dứt và Liên Xô bị tan rã năm 1991 : lại thêm một cú đòn giáng vào nền kinh tế Cuba. Cấm vận của Mỹ không làm chế độ hòa dịu đi, mà ngược lại. Trong khi lãnh tụ tối cao già nua, trở nên bí ẩn hơn bao giờ hết, rút lui nhường chỗ cho em trai là Raul từ năm  2006, tổng thống Mỹ Barack Obama mở cửa cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Tiến trình đang diễn ra, và Donald Trump có thể sẽ tiếp tục.

Còn lại gì trong di sản của « Fidel »? Một cuộc cách mạng đã tàn bạo xơi thịt những đứa con của mình, nhưng không đưa được nhân dân ra khỏi lầm than? Một nhân vật tiêu biểu cho sự chống đối đế quốc Mỹ tại châu lục? Hình ảnh một nhà độc tài nhẫn tâm sống trong xa hoa với tầng lớp thượng lưu, dưới sự bảo vệ của những mật vụ thô bạo? Một người đã từng là con cờ của Liên Xô, chủ yếu tại châu Phi, trong chiến tranh lạnh?

Lịch sử sẽ lưu giữ lại tất cả, mà không rơi vào chiếc bẫy của thi vị hóa và huyễn hoặc.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.