samedi 10 octobre 2015

Nhật phê phán UNESCO đưa thảm sát Nam Kinh vào Hồ sơ ký ức thế giới


Nhật Bản hôm nay 10/10/2015 cho rằng việc đưa vào Hồ sơ lưu trữ ký ức thế giới của Unesco các tài liệu liên quan đến vụ thảm sát Nam Kinh là « vô cùng đáng tiếc », và kêu gọi cải cách toàn bộ hoạt động Hồ sơ lưu trữ, mà Tokyo tố cáo bị lợi dụng cho các mục đích chính trị.

Sau loan báo của Unesco hôm qua về việc đưa những tài liệu về các vụ quân phiệt Nhật sát hại thường dân tại Trung Quốc năm 1937 vào Hồ sơ ký ức thế giới, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ra thông cáo phản đối.


Thông cáo viết : « Điều vô cùng đáng tiếc là một tổ chức quốc tế lẽ ra phải trung lập và công bằng, lại đưa các tài liệu này vào Hồ sơ ký ức thế giới, bất chấp những lời kêu gọi liên tục của chính phủ Nhật. Với tư cách một thành viên có trách nhiệm của Unesco, chính quyền Nhật Bản sẽ đòi hỏi cải cách dự án quan trọng này để không bị lợi dụng vào các mục tiêu chính trị ».

Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định : « Yêu cầu lưu trữ chỉ dựa trên cơ sở các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc, và Nhật Bản coi các tài liệu này là chưa hoàn chỉnh, có những vấn đề về tính xác thực ».

Quyết định trên đây, sau quy trình kéo dài hai năm, đã được đưa ra trong cuộc họp của một ủy ban tham vấn quốc tế Unesco, họp tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ Chủ nhật đến thứ Ba 6/10, phụ trách xem xét các đề nghị từ 40 nước đưa các tài liệu mới vào hồ sơ di sản nhân loại. Tổng cộng 47 bộ tài liệu đã được chấp thuận.

Vụ thảm sát Nam Kinh, cũng như các hành động thô bạo khác của quân phiệt Nhật tại châu Á trước và sau Đệ nhị Thế chiến, là nguyên nhân gây căng thẳng thường xuyên giữa Bắc Kinh và Tokyo. Sau khi quân đội Thiên hoàng chiếm được Nam Kinh, lúc đó là thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc, vào tháng 12/1937, đã xảy ra một loạt các vụ giết người, hãm hiếp và cướp bóc.

Trung Quốc nêu ra con số 300.000 người chết vì tay quân Nhật trong vòng sáu tuần lễ sau khi chiếm được thành phố. Con số này được trưng ra khắp nơi trên các đài kỷ niệm vụ thảm sát, nơi trưng bày hài cốt của các nạn nhân. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu nước ngoài, số nạn nhân thực ra ít hơn nhiều.

Chính quyền Trung Quốc lên án Nhật Bản từ chối hoàn thành công việc ghi lại những kỷ niệm đau thương về các tội ác của quân đội Thiên hoàng. Vào mùa xuân năm nay, việc Tokyo duyệt cho in các sách giáo khoa mới tránh dùng từ « thảm sát » về vụ Nam Kinh, đã khiến Bắc Kinh giận dữ.

Hồ sơ ký ức thế giới của Unesco nay đã có tổng cộng 348 tài liệu lưu trữ của tất cả các châu lục, dưới nhiều dạng từ những viên đá cho đến giấy da thời xưa, hay âm thanh được ghi lại. Theo Tổng giám đốc Unesco Irina Bokova, « chương trình Ký ức thế giới nhằm lưu trữ các di sản, tài liệu hồi ức cho các thế hệ tương lai, trên tinh thần hợp tác quốc tế và thông cảm lẫn nhau ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151010-unesco-dua-tham-sat-nam-kinh-vao-ho-so-ky-uc-the-gioi-nhat-phe-phan
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.