mardi 27 octobre 2015

Biển Đông : Hoa Kỳ thử nghiệm quyết tâm của Bắc Kinh

Chiến hạm USS Lassen trong cuộc tập trận Foal Eagle 2015.
(Michel De Grandi,Les Echos 28/10/2015) Một chiến hạm Mỹ đã tiến gần một đảo nhỏ bị Bắc Kinh đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và Hoa Kỳ đối đầu với nhau. Cách đây một năm, khi Bắc Kinh vừa tuyên bố vùng nhận dạng phòng không, Mỹ đã điều ngay hai oanh tạc cơ B52 bay ngang.

Đúng vào lúc Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đang họp, Hoa Kỳ đã chọn lựa thời điểm này để tạo ra một sự cố ngoại giao khi gởi một tàu phóng ngư lôi trang bị hỏa tiễn, chiếc USS Lassen đến áp sát một đảo nhỏ bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Trường Sa trên Biển Đông.


Tất nhiên là Bắc Kinh lập tức phản đối, các chiến hạm Trung Quốc gởi đi những tín hiệu cảnh báo. Đồng thời đại sứ Mỹ được Bắc Kinh triệu mời. Lục Khảng (Lu Kang), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao tuyên bố chiến hạm này « đã đi vào vùng biển xung quanh các đảo nhỏ này một cách bất hợp pháp, không được phép của Trung Quốc ».

Trung Quốc coi khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo đá ngầm mà họ đang yêu sách là vùng lãnh hải. Cách diễn dịch Luật Biển như vậy đáng bị phản đối. Không một Nhà nước nào có thể tự cho mình cái quyền khẳng định lãnh hải từ một điểm trên hải phận quốc tế. Thế nhưng Trung Quốc mới đây loan báo sẽ không chấp nhận bất kỳ tàu bè nào đi ngang khu vực mà họ đã xây dựng nên bảy tiền đồn.

Quần đảo Trường Sa, nơi xảy ra sự cố, gồm có khoảng một trăm đảo nhỏ được Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines đòi hỏi chủ quyền. Từ nhiều tháng qua, Bắc Kinh ồ ạt tiến hành các hoạt động bồi đắp và xây dựng trên một số đảo đá ngầm các hải cảng, phi đạo và thậm chí hải đăng.

Tướng Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu của Iris giải thích : « Trung Quốc không phải là nước duy nhất làm như thế. Việt Nam cũng rất tích cực trong việc bồi đắp, Đài Loan cũng vậy. Nhưng hai nước này chỉ nới rộng các cơ sở đã có sẵn. Còn Trung Quốc thì lại lập ra những khu vực hoàn toàn nhân tạo ».

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và Hoa Kỳ đối đầu với nhau. Chuyên gia trên nói tiếp : « Những gì vừa xảy ra trên biển cũng đã từng diễn ra y như vậy ở trên không cách đây một năm ». Khi đó, Bắc Kinh vừa tuyên bố vùng nhận dạng phòng không – một không gian trải rộng từ Nhật Bản đến Hàn Quốc rồi Bắc Đài Loan. Hoa Kỳ đã nhanh chóng điều ngay hai oanh tạc cơ B52 bay ngang qua.

Sau khi phản đối như thường lệ, Trung Quốc chẳng những không nói gì nữa, mà ngày nay cái « khu vực dành riêng » ấy bị bỏ mặc không người thừa kế. Các phi cơ quân sự Mỹ vẫn thường xuyên bay ngang qua.

Bài viết liên quan:

Biển Đông : Chiến hạm Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý đảo nhân tạo Trung Quốc



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.