Sáng nay 05/10/2015 tại Hà Nội đã khai mạc Hội
nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong
đó sự kiện đáng chú ý là lần đầu tiên Bộ Chính trị đưa ra các tiêu chuẩn
cho bốn chức danh chủ chốt là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và
Chủ tịch Quốc hội.
Được
biết các nội dung được bàn bạc là tình hình kinh tế xã hội năm 2015, kế
hoạch phát triển 2016, chuẩn bị nhân sự cho Ban chấp hành Trung ương
khóa 12, bầu đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng Nhân dân các cấp cho
nhiệm kỳ 5 năm tới.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt
Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý cần đánh giá tác động của những
diễn biến bất thường trên thế giới hiện nay để đề ra các mục tiêu quan
trọng cho phát triển kinh tế xã hội những năm tiếp theo. Về nhân sự, tất
cả các tỉnh thành và các ban ngành trung ương đã hoàn thành việc giới
thiệu người vòng 2.
Tại hội nghị này, lần đầu tiên Bộ Chính trị
báo cáo về chuẩn bị nhân sự cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức
danh lãnh đạo chủ chốt cho khóa tới ; đưa ra các tiêu chuẩn về cơ cấu,
số lượng, độ tuổi…nhất là xem xét trường hợp « đặc biệt » đối với các ủy viên Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư tái cử.
Trả lời RFI Việt ngữ, nhà bình luận Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn phân tích:
Nhà báo Phạm Chí Dũng :
Hội nghị Trung ương 12 có thể gọi là một hội nghị quyết định về nhân
sự, và là nhân sự chủ chốt, chuẩn bị cho Đại hội 12 dự kiến sẽ diễn ra
vào đầu năm 2016. Có nhiều khả năng đây là Hội nghị Trung ương cuối cùng
của năm 2015, nếu có thể thống nhất được về vấn đề nhân sự cao cấp.
Theo
tôi, có lẽ vấn đề được coi là quan trọng nhất trong hội nghị này là lần
đầu tiên Bộ Chính trị đề xuất tiêu chí xem xét những trường hợp « đặc biệt » đối
với ủy viên Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa 11 tái
cử khóa 12. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có nội dung nào được thông
tin trên báo chí về các tiêu chí xem xét những trường hợp đặc biệt đó là
gì.
Nhưng mà tôi nhớ lại, tại Hội nghị Trung ương 11 vào giữa năm
2015, đã nêu ra một số tiêu chuẩn của ủy viên Ban chấp hành Trung ương
Đảng khóa 12, trong đó có những nội hàm đáng chú ý như thế này : bản
thân không tham nhũng ; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng
chức quyền để trục lợi. Không có tham vọng quyền lực, và không có biểu
hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản mà không giải trình rõ được
nguồn gốc ; bản thân vợ chồng, con cái có lối sống thiếu gương mẫu, lợi
dụng chức quyền để thu lợi bất chính, và có vấn đề về lịch sử, chính
trị « hiện nay ».
Trước giờ cũng có xét theo những tiêu chí lịch sử chính trị, nhưng bây giờ xét về lịch sử, chính trị « hiện nay ». Có thể hiểu « hiện nay » đó là gì ? Đây là một trong những vấn đề mà chúng ta phải đặc biệt chú ý.
Vấn
đề thứ hai mà tôi muốn nêu liên quan đến Hội nghị Trung ương 12 kỳ này :
trong vòng khoảng mười ngày trước khi diễn ra hội nghị, đã có một làn
sóng điều động nhân sự từ các địa phương về trung ương. Đa số là các bí
thư tỉnh, thành về làm phó ban của ban này, ban kia. Cho nên hiện nay
tình trạng của một số ban như Ban Kinh tế hay Nội chính Trung ương rất
đông phó ban – có thể lên tới hàng chục người. Cách làm như thế này
không thể bố trí công việc được cho các phó ban, và một số phó ban mới
sẽ phải ngồi chơi xơi nước.
Tình hình này giống như hồi đầu năm
2015, trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 11. Theo một thống
kê không chính thức ngoài lề, đã có một cuộc điều động liên tục diễn ra
trong khoảng hai tháng trời, với số người được điều động lên tới gần sáu
chục. Cũng từ cấp bí thư, chủ tịch tỉnh, thành được đưa ra ngoài trung
ương.
Vấn đề thứ ba tôi lưu ý, là bài viết của giáo sư Carl
Thayer, chuyên gia Học viện Quốc phòng Úc đã về hưu viết trên tờ The
Diplomat ngày 2/10. Trong bài viết này giáo sư Thayer có những thông tin
đặc biệt. Ông đã tiết lộ là Ủy ban Trung ương sẽ triệu tập lại vào
tháng Mười để giải quyết bế tắc về lãnh đạo, với một phiên họp kế tiếp
được lên kế hoạch vào tháng 11 - nếu không thể đạt được sự đồng thuận.
Nay
chúng ta thấy đã diễn ra Hội nghị Trung ương thứ 12, một hội nghị phải
nói về mặt thời điểm là bất ngờ, vì trước đây dự kiến vào tháng 11. Thậm
chí có thông tin cho rằng Hội nghị Trung ương 12 có thể diễn ra vào
tháng 12 tới chứ không phải ngay bây giờ. Như vậy thông tin của ông Carl
Thayer bước đầu là đúng.
Những thông tin khác của ông Thayer trên tờ The Diplomat lại đề cập rất sâu về phương án, kịch bản cho « Tứ trụ triều đình »,
đặc biệt là nhân sự cho chức Tổng bí thư. Trong đó có hai ứng cử viên
mà theo ông Carl Thayer là có tiềm năng nhất : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
và đối thủ lâu nay của ông - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Cả hai đều
là người miền Nam. Vị trí lãnh đạo đảng truyền thống do một người miền
Bắc đảm nhận.
Hai kịch bản mà ông Thayer đề cập là, nếu Ủy ban
Trung ương Đảng không thể đạt được sự đồng thuận, có hai khả năng có thể
xảy ra. Khả năng thứ nhất là cả hai ứng cử viên sẽ rút lui và rút ra
khỏi chính trường. Lãnh đạo đảng kế nhiệm sẽ được chọn từ một trong số
các thành viên của Bộ Chính trị hiện nay, có đủ điều kiện cho cuộc bầu
cử tại Đại hội.
Khả năng thứ hai có thể xảy ra là nhà lãnh đạo
đảng cầm quyền hiện tại Nguyễn Phú Trọng sẽ tái nhiệm và dọn đường cho
lãnh đạo khác, trước khi nhiệm kỳ năm năm của ông kết thúc. Giải pháp
này phản ánh các quyết định của Đại hội Đảng thứ 8 vào năm 1996 khi bổ
nhiệm lại ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư Đảng. Sau đó đến giữa nhiệm kỳ,
ông Đỗ Mười đã nhường ghế cho ông Lê Khả Phiêu.
Vấn đề cuối cùng
mà tôi muốn đề cập, là Hội nghị 12 diễn ra vào tháng Mười, trước chuyến
đi Việt Nam của chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến vào tháng
11. Trước đây đã có thông tin là Tập Cận Bình sau chuyến đi Mỹ sẽ đến
Việt Nam để « lên dây cót » hoặc « gia cố » cho một
lực lượng thân Trung được mạnh hơn, để tiến tới chiếm những chức vụ cao
nhất tại Đại hội Đảng 12. Và chuyến đi của Tập Cận Bình sẽ diễn ra trước
Hội nghị Trung ương 12.
Nhưng thực tế hiện nay Hội nghị Trung
ương 12 lại được tổ chức trước chuyến đi của Tập Cận Bình. Như vậy câu
hỏi đặt ra là, quan điểm của giới lãnh đạo Hà Nội hiện nay đang phụ
thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, hay đang xa rời Trung Quốc ? Đó là câu
hỏi then chốt.
Tôi chỉ muốn nhắc lại là, có hai chỉ dấu gần đây để
chúng ta có thể xét đoán. Thứ nhất, vào đầu tháng Mười lần đầu tiên đã
bất ngờ đưa một cựu nhà báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ra xử công khai
trong một vụ án làm gián điệp cho Trung Quốc. Có thể nói đây là một cú
đánh vỗ mặt trực tiếp vào Bắc Kinh và tình báo Trung Nam Hải.
Thứ
hai, đi dự lễ Quốc khánh của Trung Quốc ngày 29 tháng Chín vừa rồi – tổ
chức trước ngày 1 tháng Mười, phía Việt Nam chỉ cử một cấp tương đối
thấp là ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư tham dự. Ông
Bùi Quang Vinh chỉ là ủy viên Trung ương Đảng, chứ không phải ủy viên Bộ
Chính trị.
RFI : Xin rất cám ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
Một cựu sĩ quan quân đội bị bắt và truy tố theo điều 79
Cũng
liên quan đến Việt Nam, AFP hôm nay 05/10/2015 đưa tin ông Trần Anh
Kim, 66 tuổi, một cựu trung tá quân đội đấu tranh cho dân chủ đã bị bắt
và khởi tố vì « mưu toan lật đổ » theo điều 79 Luật hình sự. Đây là tội
danh có khung hình phạt nặng nhất là tử hình, và trước đây ông Kim đã
từng bị ngồi tù vì tội này.
Bị bắt từ ngày 21/9, điện thoại và máy
tính xách tay bị tịch thu, gia đình cho biết công an tỉnh Thái Bình đã
ra lệnh tạm giam bốn tháng, và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông
Trần Anh Kim.
Bài viết liên quan:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.