jeudi 22 octobre 2015

Mỹ tăng cường quân đội tại Địa Trung Hải để tránh một vụ Benghazi mới

Tòa nhà được dùng làm lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi bốc cháy sau khi bị tấn công năm 2012.

Năm 2012, khi những người vũ trang đột ngột xuất hiện tại trụ sở cơ quan ngoại giao Mỹ ở Benghazi, Libya, Hoa Kỳ không huy động được lực lượng cơ động ứng phó kịp thời. Khi quân Mỹ chuẩn bị tiến hành tấn công thì đã quá muộn : đại sứ Chris Stevens và ba nhân viên sứ quán Mỹ đã bị thiệt mạng.
Ba năm sau đó, sự kiện bi thảm này vẫn luôn ám ảnh Washington, và Lầu Năm Góc đã có những biện pháp để bi kịch không tái diễn.


Trọng tâm đặt vào lực lượng đóng tại một căn cứ quân sự gần Moron thuộc vùng Frontera ở miền nam Tây Ban Nha, thông qua một hiệp định hợp tác quân sự thỏa thuận hồi tháng Sáu giữa Washington và Madrid, được Nghị viện Tây Ban Nha thông qua vào tháng Chín.

Hoa Kỳ có thể gởi đến 2.200 quân, chủ yếu là thủy quân lục chiến và các đơn vị Hải quân Mỹ. Hiện nay đang có khoảng 800 lính Mỹ đóng tại căn cứ Moron. Những chiếc Osprey MV-22B, vừa là máy bay vừa là trực thẳng vận chuyển quân đội cũng được đưa đến.

Dù trú đóng ở châu Âu, nhưng lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ tham mưu Hoa Kỳ tại châu Phi, tập trung vào bên kia bờ Địa Trung Hải.

Đại tá Calvert Worth, trả lời AFP khi đến thăm căn cứ cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, đã nhấn mạnh : « Hiện nay, chúng tôi chú trọng bảo vệ các đại sứ quán đặt tại các nước đang có nhiều nguy cơ lâm vào khủng hoảng. Chúng tôi có những lực lượng tại chỗ, tùy theo yêu cầu có thể từ Moron can thiệp vào Tây Phi, vịnh Ghinê và Bắc Phi ».

Ông Chris Stevens là vị đại sứ Mỹ đầu tiên bị sát hại lúc đang làm nhiệm vụ kể từ năm 1979 đến nay, khi khuôn viên cơ quan ngoại giao Mỹ ở Benghazi bị mấy chục kẻ vũ trang xâm nhập hôm 11/12/2012 và sau đó phóng hỏa. Ông Stevens và một nhân viên ngoại giao là Sean Smith bị chết vì ngạt khói.

Nhiều viên chức cho rằng trụ sở nói trên, vốn không phải lãnh sự quán, là một miếng mồi ngon do chỉ được bảo đảm an ninh ở mức thấp, và các yêu cầu tăng cường bị từ chối cho dù mối đe dọa Al Qaida ngày càng lớn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc ấy là Leon Panetta đã ra lệnh gởi một máy bay không người lái đến giám sát, nhưng chiếc máy bay này mất 90 phút mới đến được địa điểm. Ông Panetta cũng lệnh cho các đơn vị lực lượng đặc biệt tại châu Âu đến một căn cứ quân sự NATO ở Sigonella (Sicile, Ý) để có thể làm nhiệm vụ cứu ứng. Nhưng khi lực lượng này đến được hòn đảo miền nam nước Ý thì trụ sở ngoại giao Mỹ ở Benghazi đã bị phá nát và phóng hỏa.

Vụ tấn công Benghazi lần đó đã diễn ra quá nhanh chóng khiến người Mỹ trở tay không kịp. Những đội quân đóng tại Maron cũng sẽ không đủ thời giờ can thiệp vào Benghazi, nhưng nay mục tiêu là đặt quân Mỹ đóng gần những khu vực nhạy cảm để có thể phản ứng nhanh khi vừa thấy dấu hiệu căng thẳng.

Đóng quân tại các căn cứ như Moron hay Sigonella và tại châu Phi, đặc biệt là tại Sénégal, Ghana, Gabon, sẽ giúp người Mỹ đáp trả kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp.

David Bloxham, một hạ sĩ quan thủy quân lục chiến cho biết : « Ngay khi nhận được cuộc gọi, những chiếc Osprey của chúng tôi có thể cất cánh trong vòng 6 giờ sau. Chúng tôi có thể triển khai trong chu vi 1.600 kilomet ».

Lực lượng phản ứng nhanh (MAGTF) này đã can thiệp nhiều lần : ba lần trong năm 2013, hai lần năm 2014 và một lần trong năm nay. Chẳng hạn hồi tháng 7/2014, thủy quân lục chiến đã được không vận từ căn cứ Sigonella để hỗ trợ trên không khi sơ tán đại sứ quán Mỹ ở Tripoli. Đội quân này không đáp xuống mặt đất, nhưng luôn sẵn sàng khi cần.


http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151022-my-tang-cuong-quan-doi-tai-dia-trung-hai-de-tranh-mot-vu-benghazi-moi 

Mời đọc lại:

Libya: Đại sứ Mỹ chết sau vụ tấn công lãnh sự quán

 
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.