Đỏ sàn chứng khoán Trung Quốc tại khu trung tâm tài chính Hồng Kông, ngày 24/08/2015. |
Đăng ngày 24-08-2015
Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới hôm
nay 24/08/2015 tràn ngập sắc đỏ. Từ Á sang Âu, các cổ phiếu giao dịch bị
sụt giá ở mức chưa từng thấy. Vì sao tâm trạng hoảng loạn giờ đây quay
lại với thị trường ?
Theo các
nhà phân tích, trước hết là kinh tế Trung Quốc tiếp tục lao dốc cùng với
bóng ma giảm phát. Những chỉ số đáng thất vọng liên tục được đưa ra,
chứng tỏ nền kinh tế thứ nhì thế giới đang bị « cảm nặng », khiến kinh tế toàn cầu cũng trở nên u ám theo.
Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ
Cơn sốt « đỏ sàn »
bắt đầu với sự suy sụp của thị trường chứng khoán Thượng Hải : hôm nay
trượt dài đến 8,5%. Đây là sự xuống dốc nặng nề nhất kể từ 8 năm qua,
xóa đi tất cả những lợi tức đạt được từ đầu năm đến nay. Thị trường
chứng khoán Thâm Quyến, đứng hàng thứ hai tại Trung Quốc, mất 7,61% kéo
theo Hồng Kông sụt 4,64%.
Đài Loan tức khắc bị « lây nhiễm »
: sụt giảm ở mức chưa từng thấy là 7,5%, và sau đó đóng cửa ở mức
-4,84%. Sydney sụt mất 4,09%, thấp nhất kể từ hai năm qua, và Seoul giảm
2,47%. Chỉ số Nikkei ở Tokyo mất 3,21%, mạnh nhất từ sáu tháng qua. Tại
Việt Nam, hàng trăm mã chứng khoán « giảm sàn », nhiều cổ
phiếu không có người mua ; chỉ số VN-Index mất gần 30 điểm, tương đương
5,28%. Theo báo chí trong nước, kể từ sự kiện Trung Quốc đem giàn khoan
đến Biển Đông tới nay, thị trường mới chứng kiến tình trạng hoảng loạn
như vậy.
Ở châu Âu, thị trường chứng khoán Frankfurt sáng nay giảm
mạnh do ảnh hưởng chứng khoán châu Á và tình trạng kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số Dax lần đầu tiên xuống dưới mức 10.000 điểm, sụt 2,8%, còn chỉ số
Mdax mất 3,27%. Thị trường Frankfurt đặc biệt nhạy cảm trước tình trạng
tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.
Thị
trường chứng khoán Paris hôm nay cũng sụt đến 2,9%, chỉ số CAC 40 bị
giảm bốn phiên liên tiếp, ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Luân Đôn,
Madrid, Milano đều sụt giảm tương tự. Chỉ số Euro Stoxx 50 tập hợp các
công ty lớn trong khu vực đồng euro, sụt giảm 2,54%. Trước đó tại Wall
Street, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 3,12%, tệ hại nhất từ
bốn năm qua.
Vì đâu nên nỗi ?
Evan Lucas, công ty chứng khoán IG Markets bình luận: « Hiện nay chúng ta có tất cả các yếu tố để chứng kiến một ngày tệ hại nhất của thị trường thế giới từ năm năm qua ».
Công ty môi giới chứng khoán Aurel BGC nhận định : «
Sự hoảng loạn trên thị trường châu Á là do nguy cơ ngày càng tăng của
‘hard landing’, tức sự hạ cánh thô bạo của kinh tế Trung Quốc. Các biện
pháp hỗ trợ đã được Bắc Kinh loan báo vào cuối tuần, nhưng các nhà đầu
tư cho rằng vẫn chưa đủ so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Họ hy vọng
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp ồ ạt, trong khi Bắc Kinh
lại có thể buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ ».
Chỉ số về
sản xuất công nghiệp được công bố vào thứ Sáu tuần rồi, thấp nhất từ sáu
tháng qua, cho thấy sản xuất Trung Quốc bị co rút lại dữ dội. Việc bất
ngờ phá giá đồng nhân dân tệ hôm 11/08 - được cho là nỗ lực tuyệt vọng
của chính quyền Trung Quốc, phải sử dụng đến vũ khí cuối cùng để thúc
đẩy xuất khẩu và các hoạt động kinh tế - làm dấy lên nỗi lo sợ, gây sốc
cho thị trường.
Hôm qua, Chủ nhật 23/08, Bắc Kinh cho biết quỹ
lương hưu nhà nước với số vốn khổng lồ sẽ được phép đầu tư vào thị
trường chứng khoán trong nước. Nhưng loan báo này rõ ràng không trấn an
được các nhà đầu tư Trung Quốc hầu hết là nhỏ lẻ. Một nhà phân tích của
công ty môi giới Thân Vạn Hoành Nguyên (Shenwan Hongyuan) nhấn mạnh : « Việc can thiệp của quỹ lương hưu còn lâu mới diễn ra, và giá cổ phiếu còn quá cao, nên quỹ chưa thể mua được gì ».
Nỗi lo « bong bóng chứng khoán »
vẫn tiếp tục : Trước khi sụp đổ vào giữa tháng Sáu, thị trường Thượng
Hải chỉ trong vòng một năm đã tăng đến 150% do chính phủ khuyến khích
vay nợ để mua cổ phiếu, hoàn toàn tách rời khỏi nền kinh tế thực.
Người phụ trách quỹ JK Life Insurance tóm tắt : «
Nền kinh tế Trung Quốc đang diễn biến rất tệ hại. Một số lãnh vực bị
đánh giá cao hơn giá trị thực, và áp lực bán ra trên tất cả các thị
trường thế giới đã góp thêm vào tâm lý bất ổn ở thị trường trong nước ».
Những yếu tố tác động khác và hậu quả
Bên
cạnh đó người ta còn sợ rằng Quỹ Dự trữ Liên bang tăng lãi suất khiến
vốn đầu tư đổ về Mỹ. Chỉ trong vòng một tuần lễ, chỉ số lo ngại
Volatility Index đã tăng đến 45%, tương đương với thời điểm chưa đạt
được thỏa thuận về Hy Lạp. Các nhà đầu tư đổ xô bán tống bán tháo cổ
phiếu, mua vào trái phiếu các nước có nền kinh tế ổn định nhất, và vàng
đang sụt giá thê thảm bỗng tăng trở lại.
Một once vàng hồi cuối
tháng Bảy rơi xuống dưới mức 1.100 đô la, nay tăng lên 1.170 đô la, khác
hẳn với dự báo sẽ giảm còn 800 đô la. Lãi suất trái phiếu của Đức kỳ
hạn 10 năm nay còn 0,584% so với đầu tháng là 0,754%, trái phiếu Pháp
dao động ở mức 1%.
Giá các loại nguyên vật liệu hôm nay xuống đến
mức thấp nhất từ 16 năm qua. Riêng giá dầu thô loại nhẹ sau khi xuống
dưới ngưỡng tâm lý là 40 đô la, có nhích lên đôi chút. Chỉ số Bloomberg
bao gồm 22 loại nguyên vật liệu hôm nay mất 1,7% giá trị, thấp nhất kể
từ tháng 8/1999.
Bắc Kinh đã từng tung ra rất nhiều tiền để cứu
vãn thị trường chứng khoán, gần đây nhất là hôm 19/08 đã bơm 100 tỉ đô
la cho các ngân hàng và 17 tỉ đô la cho 14 định chế tài chính. Nhưng các
nhà đầu tư vẫn lo ngại là việc hỗ trợ không thể kéo dài. Nhà phân tích
Ken Chen của KGI Securities cảnh báo : « Trong mọi trường hợp, những
can thiệp của chính quyền Trung Quốc không thể tác động được phản ứng
của thị trường về lâu về dài ».
Còn nếu Trung Quốc thất bại trong việc « hạ cánh nhẹ nhàng »
? Sự quan ngại không phải là không có cơ sở : chứng khoán sụp đổ hồi
tháng Bảy, trong lúc các động cơ (xuất khẩu, đầu tư, tiêu thụ) đều chậm
hẳn lại, cộng với đồng nhân dân tệ bị phá giá. Các quốc gia mới nổi lệ
thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Hàn
Quốc và cả Nhật Bản đều có thể bị tác động.
Trung Quốc đã « xuất khẩu »
tình trạng chựng lại của mình sang các nền kinh tế mới nổi, nay không
còn có thể đóng vai trò hỗ trợ cho kinh tế toàn cầu, như vào thời điểm
từ 2009 đến 2013. Tám năm sau khi khởi đầu cuộc khủng hoảng tín dụng địa
ốc xấu ở Mỹ, khả năng trở lại bình thường vẫn còn là một dấu hỏi. Tăng
trưởng nay đã trở thành một khái niệm hiếm hoi. Hiện tại, khu vực đồng
euro còn trụ được, nhưng cho đến bao giờ ? Chưa ai có thể trả lời được.
Trung QuốcChâu ÁKinh tếChứng khoánPhân tíchChâu ÂuChâu MỹKhủng hoảngTài chínhTăng trưởng
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150824-kinh-te-trung-quoc-lao-doc-chung-khoan-do-san-tu-a-sang-au-my
Bài viết liên quan:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.