Công an vũ trang trước một khu dân cư gần hiện trường vụ nổ ở Thiên Tân, 16/08/2015. |
Đăng ngày 18-08-2015
Libération hôm nay đề cập đến « Bóng mây nghi ngờ bao phủ Thiên Tân ».
Phóng viên của tờ báo tại Bắc Kinh cho biết, gần một tuần sau các vụ
nổ, người dân đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân và cung cách quản lý
thảm họa của chính quyền.
Tác
giả cho rằng ít nhất về mặt hình thức, sự kiện Thiên Tân đã đạt đến một
tầm cỡ mới với chuyến viếng thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường, bốn ngày
sau khi xảy ra thảm họa. Nhân vật số hai của chính quyền Trung Quốc đến
hiện trường trong chiếc áo sơ mi trắng và quần xanh đậm, không mang khẩu
trang. Trước đơn vị lính cứu hỏa, Lý Khắc Cường vinh danh « những người hùng, xứng đáng được toàn xã hội tôn trọng ».
Tuy
vậy, rất nhiều thông tin trên mạng cho rằng đội cứu hỏa đến nơi đầu
tiên đã làm trầm trọng thêm tình hình khi phun những chất có thể gây nổ
khi tiếp xúc với các hóa chất trữ tại kho. Theo con số chính thức, đã có
114 người chết và 57 người mất tích, 31 thi thể chưa được nhận diện,
700 người bị thương đang nằm viện. Thủ tướng Trung Quốc hứa hẹn « điều tra kỹ lưỡng », « tìm ra nguyên nhân tai nạn và tất cả những ai có hành vi sai luật sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc ».
Người dân Thiên Tân biểu tình ngày 16/08/2015. |
Nhưng
chuyến vi hành của ông Lý Khắc Cường chỉ là tượng trưng, không thể xoa
dịu sự phẫn nộ của dân chúng. Hai trăm người biểu tình hôm qua, và trước
đó cũng đã có một cuộc biểu tình khác. Tờ South China Morning Post
thuật lại, người dân hô to : « Chúng tôi muốn biết sự thật ! », « Đảng và Nhà nước hãy mua lại căn hộ của chúng tôi ».
Cũng
theo tờ báo Hồng Kông, chính quyền hứa hẹn sẽ trợ cấp 2.000 nhân dân tệ
(280 euro) mỗi tháng trong vòng ba tháng để khuyến khích chủ nhân các
căn hộ đã bị sụp đổ thành những mảnh vụn trở về nhà mình, tự xây dựng
lại. Một trong những người biểu tình nói : « Chính quyền bảo chúng
tôi hãy sửa nhà, nhưng làm cách nào ? Chúng tôi không thể sống ở đây
nữa. Chỉ có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, từ ô nhiễm không
khí tới an toàn. Và chẳng có ai còn muốn thuê nhà ở khu này ».
Về
phía các cư dân mạng, họ luôn sống theo nhịp độ các tin đồn đang tiếp
tục lan truyền, bất chấp kiểm duyệt đã được nâng lên một bậc trên Vi Bác
và WeChat, hai mạng xã hội lớn tại Trung Quốc. Ai là chủ nhân của
Ruihai International Logictics (Thụy Hải), công ty kho bãi chuyên trữ
hóa chất thành lập năm 2011, nơi xuất phát tai nạn ? Thụy Hải có liên
quan gì đến chính quyền Thiên Tân ? Ngay cả báo chí nhà nước cũng tố cáo
sự bất lực của chính quyền địa phương, không thể trả lời những câu hỏi
này.
Thủ tướng Lý Khắc Cường (thứ 2 từ trái sang) 4 ngày sau mới đến hiện trường. |
Tờ
Global Times của đảng Cộng sản Trung Quốc viết : « Trong hơn chục tiếng
đồng hồ sau vụ nổ, chính quyền Thiên Tân chỉ đưa ra rất ít thông tin.
Sắp tới, việc trả lời câu hỏi của các nhà báo phải trở thành phản xạ của
các địa phương đối mặt với các thảm họa tương tự. Vì phản ứng quá chậm
sẽ tạo đất sống cho những tin đồn điên rồ nhất, làm giảm đi sự tin tưởng
vào chính quyền ».
Tuy nhiên tờ Les Echos nhắc nhở, chính ông Lý
Khắc Cường cũng đã mất đến bốn ngày để vượt quãng đường chỉ có 140 km từ
trung tâm quyền lực Trung Quốc đến nơi xảy ra thảm họa.
Và trên
thực tế, ngay hôm sau vụ « big-bang », chính quyền đã ngăn cản báo chí
viết một cách độc lập. Một phóng viên CNN bị những người không rõ danh
tính ngăn trở không cho tường thuật trực tiếp, các phương tiện truyền
thông Trung Quốc cũng gặp khó khăn tương tự. Riêng đài truyền hình địa
phương Tianjin TV đã trở thành mục tiêu bị chê cười khi cho phát phim bộ
Hàn Quốc hầu hết chương trình hôm thứ Năm 13/8 thay vì thông tin về tai
nạn.
Sẽ
còn nhiều ngày nữa mới có được câu trả lời ban đầu. Ngoài 700 tấn
cyanure de sodium tại các kho của Thụy Hải, cao gấp 30 lần số lượng cho
phép, còn phải lưu ý đến quan hệ giữa công ty này và cơ quan kiểm tra.
Tại Trung Quốc, các tai nạn công nghiệp thường liên quan đến nạn tham
nhũng.
Hơn nữa, bảo trì trong công nghiệp là một nghề rất mới mẻ ở
Trung Quốc. Bruno Lhopiteau, người sáng lập Siveco Chine, một công ty
trong lãnh vực này giải thích : « Trên giấy tờ luôn cho biết tất cả
đều đã được kiểm tra, nhưng thực tế thì chẳng có gì. Người Trung Quốc
trong chiến lược rút ngắn thời gian, trước hết lo xây dựng, còn bảo trì
tính sau ».
Ngày nay, chi phí bảo trì tăng lên và những người
quản lý thường có xu hướng làm ngơ. Chỉ mới đây thôi, vào tháng 8/2014,
146 công nhân gia công cho hãng General Motors đã tử nạn tại Côn Sơn
(Giang Tô) : bụi nhôm từ việc đánh bóng chồng chất từ sàn lên đến trần
nhà đã phát nổ. Nhưng tai nạn Thiên Tân thì khác hẳn : thảm họa xảy ra
ngay sát Bắc Kinh, trong một thành phố hiện đại không ngừng xây dựng các
tòa nhà chọc trời cho giống với một « Manhattan mới ».
Cụ
thể hơn về mặt khoa học, trong bài « Cyanure d’hydrogène, mối đe dọa
chết người ở Thiên Tân », chuyên gia về hóa chất độc hại André Picot
giải thích cho báo La Croix vì sao tai nạn này trở thành thảm họa, và
tác động của chất cyanure lên cơ thể con người.
Ban đầu, rất có
thể là phản ứng giữa carbure de calcium và nước đã tạo ra acétylène,
loại khí rất dễ nổ, gây ra hai quả cầu lửa. Tiếp đến, vụ nổ đã tác động
đến lượng cyanure de sodium và potassium đang được trữ. Chất cyanure de
sodium khi tiếp xúc với một acide với sự hiện diện của nước, trở thành
vô cùng nguy hiểm, tạo thành cyanure de hydrogène cực độc, gây chết
người do nghẹt thở. Hóa chất này cũng là loại khí độc mà Đức quốc xã đã
cho sản xuất công nghiệp để sát hại người Do Thái trong các trại tập
trung thời Đệ nhị Thế chiến.
Cyanure de hydrogène khi hít, nuốt
vào hay tiếp xúc với da sẽ tấn công hệ thần kinh trung ương, có thể dẫn
đến co giật, hôn mê và tử vong. Còn nếu nhiễm độc nhẹ, người ta bị nhức
đầu, chóng mặt, tri thức lơ mơ, phỏng mắt và da.
Nhật báo Les Echos quan tâm đến « Cuộc chạy đua để chuyển chất cyanure de sodium ở Thiên Tân đi nơi khác », khi dự báo về những trận mưa sắp tới càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nhiễm độc.
Các
rào chắn bằng những bao cát và đất được dựng lên trên một khu vực rộng
100.000 mét vuông xung quanh hiện trường vụ nổ để tránh rò rỉ chất độc.
Nỗ lực của đội ngũ cứu hộ nay tập trung vào việc dùng xe tải chuyển đi
nơi khác các thùng cyanure de sodium tại chỗ. Một nhiệm vụ khó khăn vì
số lượng nhiều hơn mức cho phép ở Thụy Hải – mà theo báo chí Trung Quốc
thì một trong những cổ đông chính là con trai của cựu giám đốc công an
Thiên Tân.
Để trấn an, chính quyền Trung Quốc khẳng định hầu hết
các thùng hóa chất đều không suy suyển. Những thùng nào bị rò rỉ, bước
đầu đã được tưới peroxyde d’hydrogène để trung hòa, sau đó được chất vào
những cốp bê-tông không thấm nước được sản xuất đặc biệt cho vụ này.
Nhưng ngoài cyanure de sodium, còn có nhiều hóa chất độc hại khác trong
đó có những chất nhạy cảm với nước, cần phải chuyển đi hết để tránh các
phản ứng dây chuyền. Tất cả diễn ra trong một môi trường mà chính quân
đội cũng nhìn nhận là hết sức nguy hiểm.
Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro báo động « Điện thoại thông minh : Các nhãn hiệu Trung Quốc đổ bộ lên nước Pháp ».
Có thể kể : Oppo, OnePlus, Xiaomi, Huawei, Wiko…với các sản phẩm giá
rẻ, các công ty này đưa ra nhiều chiêu thức để cạnh tranh với Apple và
Samsung.
Danh sách các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc
sẵn sàng tràn ngập châu Âu mỗi ngày một nối dài. Và khoảng 15 nhãn hiệu
không giấu diếm ý định lao vào chinh phục thị trường. Tuy chỉ mới có vài
năm kinh nghiệm trong lãnh vực này, nhưng tất cả đều mang tham vọng cao
ngất. Tất cả đều nhắm đến vị trí thứ ba thế giới, sau Apple và Samsung,
mà điều kiện cần thiết là phải bán được trên 100 triệu chiếc điện thoại
mỗi năm. Một số như hãng Lenovo thậm chí còn muốn trở thành số một thế
giới, nhờ mua lại nhãn hiệu quen thuộc Motorola.
Mùa hè này
OnePlus thắng lớn nhờ tiếp thị một cách thông minh, thông qua các đường
dẫn trên các mạng xã hội. Xiaomi, nhãn hiệu điện thoại di động hàng đầu
Trung Quốc hiện chưa vào Tây Âu, nhưng có lẽ chỉ vài tháng tới là có
mặt. Xiaomi vừa loan báo hợp tác với Foxconn, và tập đoàn gia công của
Đài Loan có thể dành một số chuyền sản xuất trước đây do Nokia sử dụng.
Âm
thầm hơn trên thị trường Pháp, các tập đoàn Huawei (Hoa Vi) và ZTE đang
phục kích. Lợi thế của hai tập đoàn này là mối quan hệ với công ty điện
thoại Pháp, nhờ đó có thể hiện diện trong các cửa hàng liên quan. Một
số khác lấy tên « Tây » để dễ chinh phục khách hàng : TCL bán ra sản
phẩm ở châu Âu dưới cái tên AlcatelOneTouch, Wiko tự giới thiệu là một
công ty ở Marseille. C ác nhãn hiệu Trung Quốc nhắm vào phân khúc thị
trường điện thoại thông minh có giá dưới 200 euro.
Tại trụ sở Téléperformance ở Manila. |
Cũng về kinh tế, tại Philippines, các trung tâm điện thoại dịch vụ
khách hàng trở thành cột trụ cho tăng trưởng của nước này, đó là nhận
xét của thông tín viên La Croix tại Manila. Dịch vụ nhận trả lời điện
thoại cho khách hàng của nhiều công ty trên thế giới đã giúp tỉ lệ tăng
trưởng của Philippines trở nên thuộc loại nhanh nhất châu Á, tuy nhiên
hố sâu ngăn cách giàu nghèo vẫn còn đó.
Từ nhiều năm qua, Philippines đã trở thành thủ đô thế giới về trung
tâm điện thoại dịch vụ khách hàng. Tập đoàn hàng đầu trong lãnh vực này,
Téléperformance của Pháp là một trong những công ty đầu tiên mở văn
phòng tại Philippines, tuyển dụng đến 42.000 nhân viên tại chỗ. Lương
tháng trung bình là 31.000 peso (trên 600 euro), khá cao mà không phải
ra nước ngoài kiếm sống, như 10% lượng lao động của Philippines hiện
nay.
Ngày nay, các trung tâm điện thoại và nói rộng hơn là lãnh vực làm
dịch vụ cho các doanh nghiệp đang trở thành động lực chính của tăng
trưởng tại Philippines, với doanh thu cao hơn cả kiều hối.
Về tình hình giá dầu liên tục giảm sút, nhật báo kinh tế Les Echos cho đây là « một cú sốc dầu lửa khác », có thể gây ra các hậu quả bất ổn về mặt địa chính trị.
Từ
mùa hè năm ngoái đến nay, giá dầu đã giảm đến 61%, ngang với mức của
thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới vào đầu năm 2009, và không còn xa
so với mức sàn của năm 2004. Tình hình này làm ngân sách các nước xuất
khẩu dầu lửa lâm vào báo động đỏ, trừ Koweit và Qatar.
Các vương
quốc dầu lửa nhất là Ả Rập Xê Út, nước khởi đầu cuộc chiến giá dầu để
bảo vệ thị phần của mình, tuy vậy vẫn có trữ lượng tài chính đáng kể và
khả năng vay mượn khi cần, nên có thể thoải mái được vài năm. Nhưng nước
Nga đang trong tình trạng khó khăn, vì đã quen với những năm an nhàn,
và cần một mức giá dầu thô trên 100 đô la một thùng để đảm bảo chi tiêu
phúc lợi xã hội cũng như quân sự.
Tuy vậy nợ công của Nga rất ít,
còn Venezuela thì đang lao thẳng đến vực thẳm vỡ nợ. Iran cũng bị ảnh
hưởng, nhưng sẽ hưởng lợi khi cấm vận quốc tế được dỡ bỏ. Các nước
phương Tây được lợi nhờ giá dầu rẻ, nhưng chỉ có mức độ, khoảng 1 đến 2%
tổng sản phẩm nội địa.
Nhập cư vẫn là mối quan tâm hàng đầu của báo Pháp
Vấn đề người nhập cư lại trở nên nóng hổi trên các báo Pháp hôm nay. Le Figaro chạy tựa « Nhập cư : Châu Âu bối rối trước một cuộc khủng hoảng lịch sử ». Libération quan tâm đến « Calais, việc làm ăn của những cò dẫn mối vượt biên ». Phóng sự ở trang 2 của Le Monde mô tả « Tại Hy Lạp, đảo Kos bị quá tải di dân », còn La Croix báo động « Tình trạng khẩn cấp về nhân đạo ở Hy Lạp đối với người nhập cư ».
Trung QuốcTai nạnChâu ÁĐiểm báoXã hộiKiểm duyệtRủi rothảm họaThiên Tân
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.