vendredi 7 août 2015

Pháp : « Cần bán hai chiến hạm Mistral, tình trạng tốt »

Đăng ngày 07-08-2015


Giải quyết vụ kiện tụng mua bán với Nga xong, nước Pháp sẽ lao vào tìm kiếm một hay nhiều khách hàng bỏ tiền ra mua hai chiến hạm Mistral, mà Hải quân Pháp không có phương tiện lẫn ý định giữ lấy. Các chuyên gia và viên chức đều khẳng định như trên.
Tổng thống Pháp François Hollande hôm qua khẳng định hai chiến hạm đa năng hiện đại này, được Pháp đóng theo đơn đặt hàng của Nga, « được nhiều nước chú ý và sẽ tìm được khách mua không khó khăn gì». Hai chiếc Mistral, bị ngưng không giao cho Nga do vai trò của nước này trong cuộc xung đột Ukraina, từ nay « hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của nước Pháp » - Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh.


Theo thỏa thuận hôm qua, Paris sẽ bồi hoàn cho Matxcơva số tiền đã ứng trước (dưới 1 tỉ euro, theo ông Le Drian), « và nay muốn bán càng nhanh càng tốt ».

Giải pháp đơn giản nhất là Hải quân Pháp vốn đã sở hữu ba chiếc Mistral, nhận thêm hai chiếc mới. Nhưng một sĩ quan chuyên về các chương trình vũ khí muốn giấu tên nói với AFP : « Với ngân sách hạn hẹp như hiện nay, quân đội Pháp hoàn toàn không có lợi. Giữ lại hai chiến hạm này, có nghĩa không chỉ trả tiền mua, mà còn phải đưa vào hoạt động, thành lập thủy thủ đoàn, hộ tống và duy tu. Chủ yếu là vấn đề tài chính thôi, cho nên dứt khoát phải bán đi ».

« Thật hết sức đáng tiếc » - Đô đốc Alain Coldefy, cựu Tổng thanh tra quân đội tiếc rẻ. « Bởi vì đây là các chiến hạm siêu hiện đại, nhưng thôi…Hải quân Pháp đã có ba chiếc, không thể mua thêm hai Mistral nữa ». 

Trước khi chủ sở hữu là tập đoàn đóng tàu DCNS có thể nghiêm chỉnh tìm kiếm khách hàng mới, cần phải bắt đầu với việc « phi xô-viết hóa » chiến hạm vốn được đóng theo yêu cầu cụ thể của Hải quân Nga. Có nghĩa là phải tháo gỡ các trang thiết bị, thay đổi hệ thống viễn thông, thay đổi giao diện hệ thống vi tính sử dụng chữ Nga, và tất cả tài liệu.

Hồi tháng Hai, Tổng giám đốc DCNS, ông Hervé Guillou nhận định chi phí để sửa chữa siêu chiến hạm này cho phù hợp với khách hàng mới, có thể tốn kém từ hàng chục đến hàng trăm ngàn euro tùy theo nhu cầu.
Đô đốc Alain Coldefy nói : « Việc tháo gỡ các trang bị kiểu Nga không là vấn đề lớn. Người Nga có lẽ đã kéo dài thời gian, cố gắng chiếm đoạt tất cả những gì có thể, học được tối đa công nghệ, như thường lệ. Họ nói rằng họ tự sản xuất được các chiến hạm loại này, nhưng thực tế họ tụt hậu rất xa ».

Giả thiết này, theo thông tín viên nhật báo Le Figaro ở Matxcơva, không phải là không có cơ sở. Giám đốc bộ phận hợp tác kỹ thuật quân sự hàng hải Nga, Alexei Diki cho biết, hợp đồng dự kiến chuyển giao ba công nghệ hiện đại của Pháp, trong đó có công nghiệp lắp ráp các bloc lớn, còn hai công nghệ khác ông này từ chối tiết lộ.

Le Figaro nói thêm, sở dĩ Pháp và Nga nhanh chóng thỏa thuận được một cách « hữu nghị » như vậy, là do giải quyết sớm thì đôi bên cùng có lợi. Kinh tế đang lao dốc nên ông Putin cần tiền, bên cạnh đó Hải quân Nga lâu nay cũng không muốn mua chiến hạm của Pháp. Và thỏa thuận này còn phải được đặt trong bối cảnh địa chính trị chung.

Một khi tháo gỡ trang bị trả cho phía Nga xong, cần phải tìm kiếm khách hàng mới. Nếu kỹ năng của Pháp trong lãnh vực này đã quá rõ, và nếu « khá nhiều nước đã tỏ ra thích thú trước Mistral » - như Bộ trưởng Le Drian khẳng định, thì thật ra người muốn mua nghiêm túc không nhiều.

Theo IHS Jane’s, nhu cầu thế giới đối với loại chiến hạm hiện đại này trong những thập kỷ tới sẽ là 26 chiếc. Nhưng chỉ có năm đến sáu quốc gia, đứng đầu là Canada, Ấn Độ và Brazil vừa có đủ năng lực tài chính, quân sự lẫn kỹ thuật để mua và tận dụng hết các công năng của Mistral.

Ông Coldefy giải thích : « Phải tìm ra được những nước có ý hướng can thiệp trên thế giới, muốn phô trương hình ảnh của mình. Các nước này phải có đủ phương tiện tự thưởng cho mình các chiến hạm tối tân hàng đầu như thế. Và cần phải có các thủy thủ được đào tạo tốt, mà điều này không dễ dàng ».

Còn theo nhà phân tích Ben Moores của IHS Jane’s, bên cạnh đó còn phải « kiềm chế được sự đối kháng của các lực lượng vận động hậu trường có liên quan đến các công ty đóng tàu trong nước. Ngày nay, hầu như mọi người đều tự đóng tàu, đó là niềm hãnh diện của quốc gia : ‘‘Chúng tôi đã tự đóng lấy các chiến hạm đấy’’ ».

Ông Moores nói thêm : « Rồi Pháp sẽ bán được hai chiếc Mistral ấy thôi, nhưng phải hạ giá xuống rất thấp để thu hút. Có thể phải mất nhiều năm ». 

Đối với chuyên gia vũ khí Philippe Migault thuộc trung tâm tư vấn Iris : « Cuối cùng, vụ này sẽ làm Pháp thiệt hại khoảng một, hai tỉ euro. Chúng ta phải gánh lấy các chiến hạm đang phải neo đậu, mà chỉ riêng việc bảo trì thôi cũng tốn từ một đến năm triệu euro mỗi tháng. Thú thật, đây không phải là vị trí tốt nhất để bắt đầu thương lượng với các khách mua tiềm năng… ».

Hãng thông tấn Tass của Nga hôm qua cho rằng « Ấn Độ, Brazil và Việt Nam có thể mua Mistral ». Tass dẫn lời người đứng đầu Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Ruslan Pukhov nhận định, Ấn Độ lâu nay vẫn muốn mua và đóng các chiến hạm loại này để trang bị cho Hải quân của mình. Việt Nam là nước có tỉ lệ tăng trưởng khá cũng quan tâm, còn Brazil có thể mua nếu Pháp đưa ra mức giá hấp dẫn. Nhật báo La Croix kể thêm Canada, Ai Cập, Algérie và cho rằng tuy với Nga, hướng xuất khẩu thiết bị quân sự nay đã bế tắc, nhưng bù lại Pháp đã đạt được những hợp đồng lớn khác như bán chiến đấu cơ Rafale cho một số nước.

PhápPhân tíchQuân sựHải quân
http://vi.rfi.fr/phap/20150807-phap-%C2%AB-can-ban-hai-chien-ham-mistral-tinh-trang-tot-%C2%BB 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.