Logo tập đoàn Alibaba tại đại bản doanh ở Hàng Châu, Chiết Giang ngày 11/11/2014. |
(Le Monde
09/08/2015) Đó là một trong vô số nghịch lý của nước Trung Quốc cộng sản, « kinh tế thị trường theo định hướng xã
hội chủ nghĩa » từ khi chủ nghĩa mao-ít kết thúc. Bắc Kinh luôn coi sự
đăng quang của Internet đại chúng vào cuối thập niên 70, vừa là cơ hội vừa là
mối đe dọa.
Là cơ hội, bởi vì lãnh vực công nghệ cao - được bảo vệ khỏi
sự cạnh tranh nhờ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt gắt gao Google,
Facebook, Yahoo, Amazon hay Twitter - nên đã nở rộ. Các tập đoàn lớn như
Alibaba hay Tencent (Đằng Tấn) hình thành. Họ chứng tỏ khả năng sáng tạo, và
không còn tự hài lòng với việc sao chép những người khổng lồ Mỹ.
Hơn thế nữa, các tập đoàn này còn phô ra tham vọng toàn cầu,
thị trường nội địa đối với họ xem chừng đã trở thành nhỏ bé. Họ biết lợi dụng
thế mạnh là số lượng cư dân mạng đông đảo nhất thế giới, với 668 triệu người sử
dụng.
Nhưng giữa trấn áp và sáng tạo, Tập Cận Bình, người quyền
lực nhất Trung Quốc nay dường như đã có sự chọn lựa: ông ta sẵn sàng hy sinh
sáng tạo để đảm bảo tính vĩnh cửu cho sự cai trị của ĐCSTQ.
Là mối đe dọa, vì chế độ khó thể chịu đựng được việc mất
kiểm soát những gì diễn ra trên mạng. Cũng như mọi chế độ toàn trị, họ tìm cách
giám sát, kiểm tra và quản lý tất cả. Họ còn dựng lên một « Vạn Lý Hỏa Thành » để chắc chắn rằng không một ngọn
« gió độc » nào theo kiểu « Mùa
Xuân Ả Rập » có thể thổi đến, gây xáo trộn cho « hòa bình và sự hài hòa, cho trật tự xã hội ».
Dù vậy, các không gian tự do vẫn tồn tại. Đặc biệt là trên
mạng Vi Bác – các tiểu blog ra đời từ năm 2008, nơi các công dân bày tỏ cảm
tưởng, phê bình và chia sẻ các quan điểm của mình.
Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012, không gian
này bị co lại như một miếng da lừa. Vi Bác đã bị «làm cho hài hòa», theo từ ngữ được dùng để chỉ việc đưa lưỡi
kéo kiểm duyệt vào. Thế nên những người sử dụng phải quay sang các công cụ
khác, như WeChat, một ứng dụng tin nhắn chẳng hạn.
Chính quyền hình như nay đã quyết định tăng nhanh tốc độ.
Tháng Giêng năm 2015, phát súng lệnh đầu tiên đã được bắn ra. Đột nhiên Virtual
Private Networks (VPN) được sử dụng để vượt « Vạn
Lý Hỏa Thành » bỗng trở nên vô hiệu, do một vụ tấn công có trình độ
tinh vi chưa từng thấy. Ít lâu sau, các quan chức Trung Quốc lên tiếng nhận trách
nhiệm, khẳng định muốn đảm bảo « một
sự phát triển lành mạnh, và tôn trọng các luật lệ Internet ».
Bắc Kinh dấn thêm một bước nữa với quyết định gởi công an
đến trụ sở các tập đoàn Internet. Dưới mắt các nhà lãnh đạo cộng sản, các tập
đoàn này vẫn còn quá nhẹ tay trong hệ thống kiểm duyệt mà họ được giao cho nhiệm
vụ lọc trước. Giấc mơ của chính quyền : biến Internet thành intranet.
Nhưng chế độ đang chơi một trò chơi nguy hiểm, có nguy cơ
gây phẫn nộ cho một bộ phận dân đô thị và giết chết một lãnh vực đầy hứa hẹn,
cả về mặt công ăn việc làm lẫn sáng tạo kỹ thuật. Trong khi Trung Quốc mong
muốn trở thành một nền kinh tế ít lệ thuộc lao động tay chân của công nhân, mà
chủ yếu dựa vào bộ óc của các kỹ sư.
May thay, không có gì chắc rằng mô hình kiểm soát tuyệt đối
như thế có thể trụ được lâu dài. Tuy nhiên, khi cố gắng tiến hành chính sách
này, Bắc Kinh tìm cách áp đặt trên tầm cỡ toàn thế giới cái ý tưởng là Internet
có thể bỏ qua các giá trị dân chủ, dù đây chính là trái tim sự phát triển của
nó.
Bài viết liên quan:
Bài viết liên quan:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.