dimanche 25 juillet 2021

Lưu Nhi Dũ - Chạy đi đâu thoát Covid!


Một buổi sáng mùa Covid thiệt buồn, cà phê tự kỷ và viết cũng tự kỷ luôn!

1. Hôm qua, một ca F0 mình quen ra đi tại một bệnh viện điều trị Covid lớn nhất nhì thành phố Hồ Chí Minh. Anh ấy 69 tuổi, sống chuẩn mực và rất kỹ lưỡng trong phòng dịch mà vẫn bị, bị lây chéo trong khu cách ly F1 cách nay gần 20 ngày. Cũng chừng ấy ngày thở máy, lọc máu, suy thận… và ra đi trong cô độc.

Toàn bộ “tang lễ” bệnh viện và nhà nước lo. Người nhà chỉ một vài người đến chứng kiến, nhận lại những di vật của người xấu số: vài bộ quần áo, chiếc nhẫn cưới, cái ví… Và người thân (vài người) chỉ được vái lạy khi quan tài được đưa lên xe hồng, mở cốp sau để người thân tiễn biệt và đi! Chiều nay nhận cốt. Một cái chết cô đơn, cô độc thiệt buồn! Không có cái chết nào cô độc đến rợn người như cái chết vì Covid!

2. Đêm TPHCM mưa rả rích. Mưa và trước đó là những ngày nắng nóng, nhưng con SARS-CoV-2 bất chấp, vẫn hoành hành. Những đường phố vắng ngắt, lạnh lùng, cô tịch, dù đèn đường vẫn rực sáng nhưng vắng bóng con người. Những con phố lạnh lẽo đến ghê người, sau Chỉ thị 16+.

Khung cảnh ấy làm tôi chợt nhớ một “xen” trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của nhà văn người Colombia G. Garcia Marquez. Đoạn đôi tình nhân già cắm cờ vàng lên tàu (cờ báo hiệu dịch tả - bối cảnh tiểu thuyết là những năm 1860, có trận dịch tả giết chết hàng trăm triệu người), chạy lên chạy xuống trên biển Caribê để đừng ai dám tới, để hai người tự do yêu nhau. Chi tiết lạ lùng này oái oăm thay lại chỉ một cuộc tình vĩ đại.

Với “Trăm năm cô đơn”, một cốt truyện, phong cách huyền ảo, Marquez Márquez dựng nên một ngôi làng sống biệt lập, ở đó không một người dân nào sống quá ba mươi tuổi và câu chuyện hoang đường với những người có đuôi, có người bay lên trời không trở lại… Ở đó những người con trai và con gái cùng huyết thống đã yêu nhau, lấy nhau, sinh ra những đứa con dị tật có đuôi như lợn hoặc như khỉ! Cuộc sống quẩn quanh bế tắc và cuối cùng ngôi làng bị xóa sổ.

Márquez muốn nhắn nhủ một điều giản dị, nhưng đầy tính nhân văn: Mọi người hãy sống đúng bản chất người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội của mình, không thể sống cô lập được! Giờ Việt Nam chống dịch cũng vậy, nếu không nhờ những liều vaccin của thế giới giúp cho thì…

Thông điệp đó đến bây giờ thế giới cũng nhận ra. Con người, kể cả quốc gia không thể sống chỉ riêng cho mình được, đặc biệt trong đại dịch Covid. Bộ tộc Yanomami (Brazil) sống biệt lập gần như hoàn toàn với thế giới, giữa rừng rậm Amazon xa xôi cũng không thể “trốn” khỏi SARS-CoV-2, khi bộ tộc này năm trước đã ghi nhận ca dương tính đầu tiên là một cậu bé 15 tuổi!

Năm ngoái, khoảng 20 người dân tộc Mày Mày (một nhánh thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều) ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, dắt díu nhau vào rừng sâu trốn dịch, nhưng không ai có thể từ bỏ thế giới cộng sinh cùng tồn tại này. Các nhà dịch tễ cảnh báo, SARS-CoV-2 khi đến được các bản làng, con số tử vong sẽ rất lớn!

Và nay những người đồng hương của tôi, được UBND Bình Định đưa về quê bằng máy bay miễn phí, Covid vẫn có trên những chuyến bay đó. Nhiều tỉnh thành cũng làm như Bình Định, vì không thể làm khác với những người nghèo, khó khăn vì nhiều lý do đang bị “giam lỏng” ở Sài Gòn.

Người dân đang “tháo chạy” tán loạn khỏi Sài Gòn yêu thương bằng mọi phương tiện. Xem hai video kèm theo đây, thấy thương dân vô cùng nhưng chạy đâu cho thoát khỏi Covid! Họ vẫn chạy, chạy và chạy…, hàng ngàn người chạy xe máy, ô tô về Tây Nguyên, miền Tây, miền Trung, tận Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh… Chạy, và chạy…

3. Hôm qua đọc bức thư “Lời kêu gọi khẩn thiết” của bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, kêu gọi tất cả lực lượng y tế tham gia cùng TP HCM chống dịch, cho thấy tình hình dịch đến mức nguy cấp. Cả nước đang cùng TP HCM chống dịch với nỗ lực cao nhất. Tình hình này tôi đã có bài viết cách nay gần một tháng, sau khi mấy chục nhân viên của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM mắc Covid, theo đó dự báo dịch ở TP HCM sẽ rất khốc liệt! Và y như vậy.

Những bệnh viện dã chiến đang tiếp tục mọc lên, nhưng ca F0 trong cộng đồng tiếp tục được phát hiện, số lượng ca tử vong tăng lên, dân nghèo ngày càng nghèo…

Cách nay cũng vài chục ngày tôi đã có bài viết nên cách ly F1, F0 không triệu chứng, ít triệu chứng tại nhà nhưng tòa soạn cắt mất phần “F0”, chỉ còn F1. Nay thì phải cách ly các đối tượng này tại nhà, vì không thể làm khác, không còn chỗ…

4. Có một ước mơ (hão huyền), nếu cách nay khoảng 2 tháng TP HCM có 4 triệu liều vaccin thôi, thì tình hình đã khác hẳn. Nhưng lúc đó lấy đâu ra số lượng vaccin như vậy! Đợt dịch lần thứ 1, 2, 3 chúng ta chiến thắng “giặc Covid” quá ngoạn mục, trở thành “hình mẫu thế giới” nên đâu có nghĩ đến “chiến lược vaccin”.

Đến đợt 4 thì khác nhưng đã muộn, dù người ta nói nhiều đến chiến lược “phòng thủ-tấn công” như hồi anh em Trung đoàn 812 của mình chốt ở Pailin, Kampuchia {các đồng đội có còn nhớ không!}.

5. Corona, SARS-CoV-2 chẳng mất đi đâu cả, sẽ biến chủng liên tục, hết Alpha rồi đến Delta, rồi Lambda (hổng phải Lambada!), rồi tiếp nữa, như thách thức trí tuệ con người… Trước sau gì cũng phải sống chung an toàn với nó cho mỗi cá nhân và cộng đồng với vaccin.

Chỉ có vaccin, sau đó là thuốc điều trị hiệu quả. Covid-19 trong tương lai sẽ giống như cúm mùa nhưng còn lâu. Còn bây giờ cả thế giới đang vật lộn với nó. Trước mắt hãy cứu các ca nặng, hạn chế tử vong và vaccin, chỉ có vaccin!

LƯUNHI DŨ 25.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.