Đám đông bi lụy đau thương, những người đàn ông, đàn bà quỳ sụp xuống, mắt đẫm lệ…Khi cái tin Kim Jong Il qua đời được loan đi, người dân Bắc Triều Tiên vật vã khóc thương lãnh tụ. Họ diễn kịch chăng ? Theo Christian Delporte, giáo sư lịch sử đương đại và chuyên gia về truyền thông chính trị, thì đó là hệ quả trực tiếp từ chính sách tuyên truyền nhồi sọ của chế độ.
Dưới con mắt của người phương Tây, thì những giọt nước mắt của người dẫn chương trình truyền hình Bắc Triều Tiên khi loan báo cái chết của ông Kim Jong Il chỉ làm cho người ta cảm thấy buồn cười mà thôi.
Tuy vậy, vẫn có thể nghĩ đó là những giọt lệ thành thật. Đó cũng là cốt lõi của tuyên truyền : gò chặt lại những suy nghĩ của cá nhân trong một thế giới huyễn hoặc do chế độ tạo tác ra. Tại Bắc Triều Tiên, phương pháp trên lại càng hiệu quả hơn, vì đất nước này hoàn toàn khép kín, không hề có sự tiếp xúc nào với bên ngoài.
Tuyên truyền nhồi sọ
Bình Nhưỡng không áp dụng kiểu tuyên truyền cổ điển, mà là một chính sách tuyên truyền nhồi sọ có một không hai, với các đặc điểm rất riêng.
Điểm đầu tiên là niềm tin ý thức. Cá nhân bị kẹt giữa hai gọng kềm là những từ ngữ, để trói buộc, và các hình ảnh, để gây ấn tượng. Từ ngữ là những ngôn từ thuộc loại hô khẩu hiệu kiểu Staline, như là «vinh quang cách mạng », « tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội ». Còn hình ảnh thì cổ vũ cho tập thể, trật tự và kỷ luật. Những cảnh như hàng trăm binh sĩ đứng nghiêm dàn chào, các bí thư Đảng xếp hàng trước lá cờ tổ quốc khổng lồ có bề dài hàng chục mét, bề rộng cả ba chục mét, trên đó có chân dung Kim Jong Il…được thiết kế với mục đích đè bẹp lên trí não con người.
Một phần của công tác tuyên truyền loại này do báo chí Bắc Triều Tiên đảm đương. Các bản tin thời sự trên truyền hình ngày nào cũng giống ngày nào, thuật lại rất cụ thể về các sự kiện và hành vi nghĩa cử của Chủ tịch nước hay của chính phủ.
Thứ hai, việc tuyên truyền hàng loạt kiểu Bắc Triều Tiên chối bỏ sự hiện hữu của con người với tính cách cá biệt của họ. Suy nghĩ cá nhân không hiện diện ở đây, như ẩn ý từ những bức tranh hoành tráng sống động, nơi mà đám đông những cá nhân tập hợp lại thành một. Từ khi còn là trẻ em cho đến khi chết đi, người dân Bắc Triều Tiên lớn dần trong khuôn khổ những cấu trúc của đảng, trong đó cá nhân không hiện hữu.
Một đặc điểm nữa rất đặc thù của chế độ Bắc Triều Tiên, dựa trên tầm vóc của chiến tranh lạnh gắn liền với công tác tuyên truyền « thành trì bị bao vây». Quần chúng được huy động để chống lại kẻ thù, được chỉ rõ ra là « chủ nghĩa đế quốc ». Do đó mà các cuộc diễu binh được tiến hành cùng khắp, phô trương đủ loại vũ khí chiến tranh.
Cuối cùng, Bình Nhưỡng thực hiện tuyên truyền cho việc kế vị cha truyền con nối. Khắp nơi trong cả nước là những bức chân dung khổng lồ của ông Kim Il Sung, người cha, và Kim Jong Il, người con, đôi khi cả hai đang tay trong tay. Lãnh tụ được thần thánh hóa cho đến nỗi chỉ có thể gọi bằng kính ngữ. Những bức tượng của Kim Jong Il ngự trị từ thành phố này qua làng xã nọ, được kính cẩn gọi là « Lãnh tụ vĩ đại », « Vầng thái dương của dân tộc », « Vĩ nhân trong chốn loài người mà trước nay Thiên đình chưa hề sản sinh ra được ».
Tuyên truyền có thể thấy nhan nhản khắp nơi tại Bắc Triều Tiên. Mỗi người dân đều đeo huy hiệu có hình lãnh tụ. Toàn bộ các ngành nghệ thuật đều tập trung ca tụng chủ nghĩa xã hội, và những người khách du lịch hiếm hoi được yêu cầu phải « căn » khung hình một cách đúng đắn khi chụp ảnh các công trình, nếu không muốn bị hải quan tịch thu và tiêu hủy.
Sẽ là một sai lầm nếu coi Kim Jong Il là một tên điên hay là một thằng đần. Ngược lại, ông ta có nhiều kiến thức trong lãnh vực truyền thông. Khi chỉ mới là người phụ tá cho cha, chính Kim Jong Il là người quyết định nội dung các chương trình truyền hình.
Khi đã lên nắm quyền, Kim Jong Il hiểu rằng internet có thể rất hữu ích, và khoe là nắm vững được nó. Vì thế mà các trang web tuyên truyền đã được lập ra, loan tải những hình ảnh, các bản tiểu sử đã được tô vẽ, và kể lể tỉ mỉ về những chuyến vi hành của lãnh tụ. Việc truy cập internet hầu như là chuyện không tưởng đối với toàn bộ dân chúng Bắc Triều Tiên, các trang mạng này chủ yếu hướng ra nước ngoài, với mục đích chứng tỏ đất nước đang tiến triển.
Trên thực tế, Bắc Triều Tiên là một thế giới cộng sản độc đoán, gần như là Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, hay Liên Xô thời kỳ Staline. Dù vậy Liên Xô của Staline vẫn còn cho phép người dân chuyển dịch đôi chút, còn Bắc Triều Tiên thì không, tuy chế độ vẫn chối cãi là không bị cô lập, trưng ra hình ảnh những chuyến đi nước ngoài của các bộ trưởng.
Cái chết của ông Kim Jong Il liệu có thay đổi được gì hay không ? Trước hết, chúng ta không có lý do gì để tin vào điều đó cả. Một cuộc nổi dậy của nhân dân kiểu như Mùa xuân Ả Rập có vẻ như không thể hình dung nổi, vì cần có sự hiện diện của ý thức cá nhân trước đã. Ngược lại, qua các chuyến viếng thăm Trung Quốc của các lãnh đạo Bắc Triều Tiên gần đây để nghiên cứu về mô hình kinh tế, có thể đoán rằng đã có một sự tiến triển. Và cũng có thể là tất yếu kinh tế sẽ giúp Bình Nhưỡng thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập.
(Dịch từ tuần báo Le Nouvel Observateur)