Chỉ có chưa đầy 24 giờ, mà có hai sự kiện có thể gọi là rất lớn, được nhiều người quan tâm.
Sự việc thứ nhất là vụ thiết quân luật ở Hàn Quốc. Đó giờ cứ tưởng trên đời chỉ có mỗi Việt Tân. Thì ra lại có cả Hàn Tân nữa. Ghê thật. Chỉ một động thái của cái ông ngồi chung ghế gãy, là chúng ta đã được thấy cái sự tương đồng chính trị. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một quốc gia dân chủ, nên cái đám Hàn Tân hay Triều Tân gì đó bẹp ngay như con gián.
Sự việc thứ hai, mới nhìn thì khác hẳn, chẳng dính gì đến chính chị chính em gì cả. Đó là việc nữ sĩ Quỳnh Dao tự tử. Tôi nhớ không nhầm thì cách đây không lâu, bà đã có lá thư gởi các con, khẳng định rằng bà không muốn được chăm sóc y tế, không vô phòng hồi sức, không đặt nội khí quản… Không biết có phải các con bà có xu hướng không chịu nghe lời, nên bà chọn cách chủ động kết thúc cuộc sống.
Cuộc sống của bà là của cá nhân bà, tính mạng của bà là của cá nhân bà. Chọn sống như thế nào, chọn chết ra sao, là quyền của bà. Tôi tôn trọng cái quyền đó. Và theo tôi hiểu, hầu hết chúng ta đều tôn trọng cái quyền ấy. Chỉ có điều, khi quyết định chủ động kết thúc cuộc sống, bà có thực sự minh mẫn không, bà có thật sự tỉnh táo không? Nhưng dù sao thì cũng RIP bà nhé.
Nhưng chính trị thường xen vô mọi thứ. Người ta bảo Quỳnh Dao là người Trung Quốc, trong khi thực ra bà là người Đài Loan. Tôi tin rằng, rất nhiều bạn trẻ bây giờ cũng nghĩ rằng, Kim Dung, nhà văn viết truyện kiếm hiệp nổi tiếng cũng là người Trung Quốc. Xin nói rõ một chút, là Trung Quốc đại lục.
Năm 1967, nhà tôi đi sơ tán, sống trong khu rừng. Có một đơn vị lính Trung Quốc đến đóng tại đó. Đơn vị này khá đông, khoảng 400 đến 500 người. Sáng ra, họ tập thể dục, rồi lấy trước tác Mao Chủ tịch ra đọc. Hệt như những buổi cầu kinh tập thể. Buổi trưa, trước khi ăn, họ lại lấy trước tác Mao Chủ tịch ra đọc lớn, lại là buổi cầu kinh tập thể. Chiều tối cũng vậy.
Họ cho chúng tôi hàng đống huy hiệu Mao Chủ tịch. Đám trẻ con chúng tôi rất thích, vì lấy mấy cái huy hiệu đó ra đánh đáo thì tuyệt. Một hôm, một chiếc xe tải của cơ quan mẹ tôi bị “ba-ti-nê”, bánh xe quay tít, không lên được dốc. Thế rồi, nó trôi xuống và mắc ngay hai bánh sau vô một cái vũng lớn. Mấy chú bộ đội Trung Quốc chạy ra đẩy. Xe không nhúc nhích.
Một chú khác chạy ra, hét xoong thủng chảo thủng gì đó. Thế là hai sợi dây dài được lấy ra, cột vào hai bên thành của xe tải, mỗi bên có đến cả trăm chú bộ đội nắm lấy sợi dây, chuẩn bị kéo. Đột nhiên, cái chú xoong thủng chảo thủng lúc nãy ra hô cái gì đó. Thế là tất cả các chú đều bỏ dây kéo, móc trong túi áo ngực ra một cuốn trước tác Mao Chủ tịch nhỏ xíu, trịnh trọng cầm bằng hai tay, giơ ra trước mặt. Rồi đồng thanh cầu kinh thật lớn.
Cũng mất hết 10 phút, xong rồi các chú vung tay hô. Tiếng hô vang động núi rừng. Và khi đó, các chú kéo cái xe ra khỏi cái vũng. Nhưng mới lên được một phần dốc thì một cái dây bị đứt. Mấy chú kéo hăng quá, dây đứt, thế là té, lăn xuống dốc, lăn sang phía bên đường bên kia, đụng phải mấy chú đang kéo sợi dây thừng bên kia. Thế là mấy chú bên kia té, sợi dây thừng vuột ra, cái xe lại trôi xuống, vô ngay cái hố lúc nãy.
Lần này, các chú chạy đi đâu kiếm được sợi cáp bự, móc vô cái móc kéo ở đầu “ba-đờ-sốc”. Hình như các chú móc mấy sợi vô nhau nên khá dài. Vậy là cả mấy trăm chú bám vô dây cáp chuẩn bị kéo lần hai. Tuy nhiên, cái chú xoong thủng chảo thủng lúc nãy lại ra nói gì đó. Lần này cỡ 10 phút mới dứt. Các chú lại trịnh trọng móc trước tác Mao Chủ tịch ra, trịnh trọng tụng kinh.
Lần này, giọng các chú hùng hồn hơn. Tới lúc vung tay hô, các chú vung nhiều lần hơn. Và sau đó, chiếc xe được kéo ra khỏi cái hố và lên hết dốc. Sau cú đứt dây tuột xe, chú lái xe sợ quá không dám ngồi trên xe. Khi xe lên hết dốc, các chú bộ đội Trung Quốc mới phát hiện trong xe không có lái xe. Còn chú lái xe thì lầm bầm: “Đ. mẹ mấy thằng này khỏe ghê. Tao quên nhả phanh tay mà chúng nó cũng kéo bay”.
Thử hỏi, nếu sống trong cái bối cảnh như vậy, thì liệu Quỳnh Dao, hay Kim Dung, có thể viết được những gì mà chúng ta được đọc từ họ không?
VÕ XUÂN SƠN 04.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.