samedi 7 décembre 2024

Mai Quốc Ấn - “Người trong bộ máy”

Chính phủ có 30 đầu mối còn lại 21, giảm 30 % số đầu mối. Sau khi sáp nhập về các đầu mối mới, sẽ giảm ít nhất 15 % đầu mối bên trong “bộ máy” mới.

Bộ máy cán bộ công chức Chính phủ là 2,34 triệu người là công chức, viên chức; và hiểu theo một nghĩa rất cơ học thì khả năng sẽ giảm 335.100 công chức, viên chức tương ứng với 15 % cắt giảm kia.

Có một thời kỳ lạ mang tên “Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc. Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống. Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống. Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng. Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay “đồng ý”!”. Và cái thời đó đang qua đi bằng quyết định tinh gọn “bộ máy”. “Người trong bộ máy” phải thay đổi, dù là ở lại hay rời bộ máy. Một thay đổi tất yếu!

Làm “người trong bộ máy” thì cần tuân thủ “quy luật vận hành” của “bộ máy”. Có những người am hiểu “quy luật vận hành” nên được dân gian gọi là “Thượng thư”, “Tổng đốc”, “Thái tử đỏ”, “Tư lệnh ngành” … và nắm các quyền lực kèm lợi ích của “bộ máy”. Có quyền lực trong tay thì việc chia lợi ích sẽ nằm ở vị trí lãnh đạo. Quyền lực sử dụng đúng, lợi ích phù hợp cá nhân/doanh nghiệp “được việc” thì dân nhờ. Và ngược lại!

“Người trong bộ máy” trước kia phải nhìn sắc diện lãnh đạo mà làm. Nay sáp nhập thì có giám sát chéo. Hợp nhất hai Bộ thì chỉ còn một Bộ trưởng, chí ít ông Bộ trưởng Bộ cũ về làm “Bộ phó” sẽ không thể tự tung tự tác ở lĩnh vực của mình theo “kiểu cũ”. Vậy thì “người trong bộ máy” cũng tương tự như vậy, giảm đi tính quyền lực và bị tăng tính giám sát. Điều này tốt!

Nếu được giữ lại “bộ máy” bằng cách “chạy” thì e là chưa chắc an toàn. Công cuộc chống tham nhũng từ 2016-2024 đã chứng tỏ có những “người trong bộ máy” muốn “làm sạch bộ máy” bằng cách loại bỏ bớt những “người trong bộ máy” khác bị tha hóa. Đừng chỉ nhìn vào góc độ “cung đấu”, việc làm sạch, làm gọn “bộ máy” là có thật.

Rời “bộ máy” nếu nhìn tích cực là đón nhận một trải nghiệm tốt. Người tích cực sẽ thấy nhiều vấn đề “ngoài bộ máy” cần được tiếp nhận, học hỏi và mang tâm thế đó rất thú vị. Ông Chánh án mà ra ngành đi làm luật sư hay luật gia thì là làm dịch vụ, làm dịch vụ thì làm tốt mới có việc. Chị nhà báo ra làm truyền thông cũng bỏ đi cái tâm thế “bắt trả lời” để ngồi lắng nghe nhu cầu khách hàng. Biết đâu anh công chức “sáng cắp cặp đi, chiều cắp cặp về” sẽ ra những tuyệt phẩm hơn cả “đám giỗ bên cồn” để có tiền mưu sinh! Vân Vân và mây mây….

Thực ra, trong góc độ của tôi thì cắt giảm 15 % số “người trong bộ máy” là không lớn! Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nói ở Việt Nam 9-10 người dân "nuôi" một người hưởng lương ngân sách, trong khi ở Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700. Số liệu nói lên tất cả! Nhưng cũng hoan hỉ mà nói rằng tinh gọn bộ máy vẫn là một điều tích cực hơn là không tinh gọn.

Nên đừng ca ngợi quá mức những lãnh đạo lớn của “bộ máy” như ông Tổng bí thư hay ông Thủ tướng Chính phủ, vì họ đang làm việc họ cần làm. Khi nào một nhân viên chính phủ phục vụ được 700 người dân như Nhật Bản (hiệu quả cao nhất) hay chí ít nhất phục vụ được 170 người dân như Trung Quốc) thì hãy ca ngợi.

“Người trong bộ máy” hay người ngoài “bộ máy” hãy nên coi việc cải cách là việc cần làm vì chính sự sinh tồn của “bộ máy” này. Ngay cả ông Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính cũng trả lời báo giới rằng đây là việc cần làm ngay. Họ không phát ngôn rằng tinh gọn bộ máy là sự kiện ít phá hay “cách mạng” gì cả. Xin nhắc lại, đó là việc cần làm để đất nước có thêm nguồn lực phát triển thay vì dùng ngân sách để chi thường xuyên cho Đảng và Chính phủ.

Chứ khen quá mức cũng khiến lãnh đạo có liêm sỉ thấy… ngại. Và quan trọng hơn, khen quá mức có thể là một dạng của “hội chứng Stockholm” khi bị “bắt cóc niềm tin” đủ nhiều.

MAI QUỐC ẤN 07.12.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.