mercredi 18 décembre 2024

Lưu Trọng Văn - Phố ở trung tâm Sapa mang tên Phạm Xuân Huân

Phạm Xuân Huân là ai ?

Gã từ Sin Suối Hồ vượt qua đèo Ô Quy Hồ mù mịt sương.

Sớm, Ô Quy Hồ -1 độ còn đỉnh Fangsipan -3 độ. Sapa trong rét mướt. Ấy vậy mà khách du lịch Tây, Tàu, Ấn vẫn tấp nập.

Gã chợt thấy trên cột đầu con phố ngang qua nhà thờ đá Sapa, ngay quảng trường trung tâm nối hai đường nổi tiếng xưa nay là Cầu Mây và Thạch Sơn, có bảng đề “Phố Phạm Xuân Huân”. Hỏi nhiều người Sapa không ai biết Phạm Xuân Huân là ai.

Gã gõ trên mạng: “Phạm Xuân Huân có tên phố ở Sapa là ai?”. Không có câu trả lời mà chỉ hiện lên tên các khách sạn và thông tin mua bán bất động sản ở phố Phạm Xuân Huân. Lục trên các cổng thông tin thị xã Sapa và hướng dẫn du lịch Sapa gã cũng không tìm được câu trả lời. 

Tại sao một cái tên được đặt cho con phố ở trung tâm thành phố du lịch nổi tiếng này lại không thể tìm ra là ai? Gã lại tìm kiếm trên mạng, lần này không gõ tên địa danh Sapa và Lào Cai nữa mà chỉ gõ: ”Phạm Xuân Huân là ai?”. Ối giời, quá trời những Phạm Xuân Huân đủ lứa tuổi, đủ ngành nghề. Nhưng rồi xuất hiện báo điện tử Hải Dương có bài viết về những anh hùng quê ở Hải Dương. Gã xúc động đọc được những dòng viết này:

“Anh hùng Phạm Xuân Huân sinh năm 1948 tại xã Việt Hòa (huyện Cẩm Giàng), nay thuộc phường Việt Hòa (thành phố Hải Dương). Tháng 4/1968, khi tròn 20 tuổi, ông từ biệt cha mẹ và người yêu ở cùng xóm - là bà Đáng bây giờ, để vào Nam chiến đấu.

Khoảng năm 1977, hai năm sau cuộc chiến tranh chống Mỹ toàn thắng, Nam - Bắc đã chung một nhà, ông mới từ Lào trở về Thanh Hóa. Được tin này, bà Đáng tìm cách lên xe khách vào kiếm người yêu. Cuộc hạnh ngộ chóng vánh nhưng đầy xúc động của một người lính còn chưa phai mùi khói súng và cô thôn nữ mới tròn hăm ba, dù chưa thỏa nỗi nhớ mong nhưng cũng mang đến cho họ một tình yêu nhỏ bé, là con gái Phạm Thị Thu Hà, sinh tháng 6/1977 (?),( có thể có nhầm lẫn, khả năng là Hà sinh đầu năm 78 hoặc cuối năm 77).

Khi Thu Hà được 8 tháng tuổi, ông Huân có một lần về thăm nhà. Lúc ấy, tình hình biên giới phía Bắc ngày càng phức tạp. Khi con gái còn chưa quyện hơi bố thì ông Huân lại phải lên đường. Ông khoác ba lô, nhằm lúc con gái ngủ thì từ biệt mọi người rồi đi bộ lên ga Cao Xá (Cẩm Giàng) để ngược lên biên giới phía Bắc.

Có lần bà Đáng đọc thư chồng viết: “Đánh nhau dữ dội lắm, nó đổ sang biên giới rất đông". Có một buổi trưa, anh bưu tá đứng ngoài đường gọi to: "Ai là chị Đáng thì ra nhận thư"... Bà Đáng ôm con chết lặng, khi bóc thư ra không phải thư của chồng mà là thư của đồng đội báo chồng bà đã hy sinh.”

Gã tìm được trên trang Tri thức và Cuộc sống viết về các anh hùng hy sinh chống quân Trung Quốc xâm lược, có lời kể của đơn vị của ông Huân về ông Huân như sau:

“Năm 1979, ông Huân là trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 Quân khu 2.  Ngày 22/02/1979, địch huy động số quân đông, có pháo binh yểm trợ đánh phá vào trận địa của đơn vị. Ông Huân bình tĩnh chỉ huy, mưu trí, linh hoạt, vừa đánh trực diện, vừa đánh bên sườn và tập hậu. Đơn vị của ông đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh lui nhiều đợt tiến công, giữ vững trận địa.

Đến ngày 23/02/1979, địch huy động một tiểu đoàn, có pháo binh yểm trợ đánh vào trận địa. Ông Huân chỉ huy đơn vị chiến đấu quyết liệt, giành giật từng mét giao thông hào, từng công sự. Trong trận này, ông được ghi nhận một mình tiêu diệt 45 tên địch.

Ngày 28/02/1979, sau nhiều lần thất bại nặng nề, địch huy động một lực lượng lớn, chia làm nhiều hướng, nhiều mũi đánh vào trận địa. Ông Huân chỉ huy đơn vị chiến đấu suốt từ sáng đến chiều, đánh lui nhiều đợt tiến công và đã anh dũng hy sinh.

Ngày 20/12/1979, liệt sĩ Phạm Xuân Huân được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.”

Như vậy đã rõ người được con phố trung tâm Sapa mang tên là ai. Sapa nhiều năm nay thường xuyên đón khách du lịch Trung Quốc. Liệu có hướng dẫn viên du lịch nào của Sapa biết câu chuyện này, để nói cho du khách Trung Quốc biết về cuộc đời của người anh hùng Phạm Xuân Huân khi họ hỏi Phạm Xuân Huân là ai?

Gã ngạc nhiên là các bài viết về anh hùng Phạm Xuân Huân không hề có hình ảnh của ông mà chỉ có hình ảnh vợ con ông. Lục tìm các trang mạng về những gì liên quan tới người có tên Phạm Xuân Huân cũng không thấy. Khi gã gõ trên YouTube: “hình ảnh liệt sĩ Phạm Xuân Huân” thì bất ngờ thấy chân dung của ông.

LƯU TRỌNG VĂN 18.12.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.