lundi 2 décembre 2024

Cù Mai Công - Phu nhân đại tá phó tư lệnh lực lượng đặc biệt VNCH Trần Khắc Kính về với Chúa

Bà đại tá Maria Trần Khắc Kính, nhũ danh Trần Thị Phương Liễu là con gái cả của ông bà cụ lý Sóc nổi tiếng trong ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám) đã được Chúa gọi về lúc 8 giờ sáng Chúa nhật 01-12-2024 (theo giờ Mỹ, tối 02-12 theo giờ Việt Nam).

Chồng bà là Đại tá Trần Khắc Kính, phó tư lệnh Lực lượng Đặc biệt tung biệt kích, gián điệp ra Bắc, đã mất năm 2015 (tư lệnh là đại tá Lê Quang Tung, nhân vật thứ ba của nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Nhà ông bà cụ lý Sóc xưa cùng dãy và gần Phúc Trí linh điện, mặt tiền ngõ. Sau lưng dãy nhà này là ngôi nhà ban đầu ở vùng Ông Tạ của mẹ con nhà thơ Đỗ Trung Quân (sau mẹ con anh Quân dời sang nhà mới mặt tiền ngõ, cách khoảng trăm mét).

Ông cụ nhà này tên Trần Phương Sóc, gốc xứ Sa Châu, Nam Định chuyên nghề làm nước mắm.  Bà cụ quê Hành Thiện, nhà đối diện nhà cố Tổng bí thư Trường Chinh.

Ông cụ lý Sóc hiền lành, bà giỏi giang buôn bán và nghiêm tính với con cái. Cả nhà chí thú làm ăn và “siêng năng việc Đức Chúa Trời” như ông tổng Vi gần đó.  Ấy vậy nên mấy người con trai, ai cũng nên danh nên phận: người con trai đầu là bác sĩ Tòng (mới mất tháng 3-2024), kế là bác sĩ Bách. Ông Bách lấy vợ, con một chủ tiệm vàng lớn ở chợ Bến Thành, mua nhà cuối đường Pasteur, sang Mỹ nổi danh “mát tay”.

Con trai thứ ba là giáo sư Trần Đình Thọ, thành viên đồng sáng lập và điều hành tập san Sử Địa cùng giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử, Hoàng Sa nổi tiếng Nguyễn Nhã.

Hai con trai tiếp là dược sĩ Hùng, bác sĩ Cường. Hai cô con gái, chị cả nên duyên với đại tá Việt Nam Cộng Hòa Trần Khắc Kính, út nữ gá nghĩa với trung tá Trần Khắc Nghiêm. Hai ông Kính, Nghiêm là hai anh em ruột. Ông Kính sinh năm 1929, người xứ Ngọc Cục, Nam Định. Người xứ này vốn đến Ông Tạ sớm nhất, trước cả cộng đoàn Nghĩa Hòa chính thức định cư tháng 10-1954. Khi lấy con gái ông bà cụ lý Sóc, ông Kính có nhà ở khu A cư xá sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) – cũng vùng Ông Tạ, gần ngõ Con Mắt cho tiện đường thăm viếng cha mẹ. 


Dân trong ngõ chỉ biết ông Kính là đại tá. Còn binh chủng cụ thể thì ai chú ý lắm mới biết ông làm Sở Liên lạc, sau này đổi tên là Sở Khai thác Địa hình, đều là hai cái tên nghe rất bình thường. Ông Nghiêm còn có vẻ nổi trội hơn anh với chức vụ thiết đoàn trưởng 18 thuộc sư đoàn 18 của thiếu tướng Lê Minh Đảo, chỉ huy trận Xuân Lộc hồi 1975.

Ông Kính là người nắm nhiều bí mật của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, từ các phi vụ tung biệt kích ra Bắc, vụ hai anh em Lê Quang Tung, Lê Quang Triệu bị sát hại đến hậu trường tướng lĩnh. Ông cũng là một cây bút sắc sảo. Vậy nên, sau khi rời trại cải tạo năm 1985, sang Mỹ, ông có một số bài viết trên báo tiếng Việt ở nước ngoài, ký tên Tiên Châu, Kim Thạch: “Lật một trang sử cũ”, “ “Gánh vàng đi đổ sông Ngô”, “Nhân đọc cuốn Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm của Vĩnh Phúc”…

Công việc như vậy nên ông Kính rất kín tiếng. Khi tới lui về thăm viếng cha mẹ vợ là ông bà cụ lý, ông ít nói, chỉ cười tủm tỉm, tác phong nhà binh.

Ông cụ lý Sóc là con thứ bảy của ông bà cụ cố Phêrô Trần Năng Cầm, nhiều đời kính Chúa yêu Người. Khi còn ở ngoài Bắc, ông bà đã xây một cây cầu cho bà con Nam Định. Ông bà cố Cầm là bá hộ cửu phẩm, sinh được chín con, cô con út mất từ nhỏ, còn tám. Di cư 1954, bảy người vào Nam, sống ở vùng Ông Tạ và gần đó. Ông bà cố lúc ấy đã hơn 90 tuổi ở lại quê. Người con trai thứ hai là ông chánh Sạm, con trai trưởng ở lại với cha mẹ.

Sau 1954, Cải cách ruộng đất tràn vào vùng đạo Nam Định. Ông bà cố đã già yếu, ông đã liệt, bị mang ra đấu tố. Ông chánh Sạm cõng cha, bà chánh Sạm dẫn mẹ ra bãi đấu. Ông bà mang trong người cỗ tràng hạt và chút xương cốt của vị tử đạo Đaminh Vũ Kiền (chú ruột bà chánh Sạm).

Hai ông bà cố bị trói giật cánh khuỷu phía sau, quỳ giữa bãi đấu, nghe những người quen trong làng mình đấu mình. May mắn chỉ bị đưa đi cải tạo lao động ba năm vì tội “cường hào địa chủ”. Cả hai ông bà đều chín mấy tuổi, làm sao đi được. Con trai trưởng là ông chánh Sạm xin đi thay cha mẹ.

Thương cha mẹ, thương anh chịu khổ thay cha mẹ, sau 1975, anh chị em ông chánh Sạm trong Nam đã góp phần chăm lo cho anh trai trưởng nhà mình chu đáo. Khi ông chánh mất, dòng tộc di cư vào Nam đã ra Bắc để tổ chức tang lễ, sau đó là cải táng ông chánh rất trọng thể.

Ông cụ lý Sóc là em thứ bảy của cụ chánh Sạm. Sau 1975, ai vô nhà cụ Lý chơi đều thấy để sẵn một cỗ quan tài, phòng hậu sự cho bà cố, mẹ bà cụ lý. Lúc ấy bà cố đã hơn 90 tuổi, ở với cháu ngoại là cô Hồng, vợ trung tá Trần Khắc Nghiêm (Sư đoàn 18 Bộ binh của tướng tư lệnh Lê Minh Đảo) đang đi cải tạo (cùng với anh ruột là đại tá Trần Khắc Kính) và hai con nhỏ của cô.

Khi ông Kính và Nghiêm đi cải tạo (1985 về), gia đình cụ Lý đi vượt biên nhiều chuyến trong năm 1978.  Điều kỳ lạ là bà cố, mẹ bà cụ Lý khi đã 92 tuổi, dù đã để sẵn quan tài trong nhà, cũng lên một chiếc tàu gỗ ra khơi. Có lẽ bà là người Việt cao tuổi nhất lên tàu vượt biên những năm sau 1975. Hai mươi bốn năm trước, khi gần 70 tuổi bà cũng cùng con cháu lên tàu vào Nam.

May mắn là bà cố đã đến Mỹ và đến 103 tuổi mới mất. Còn cháu gái của bà là cô Hồng lại có một kết cuộc bi thảm. Hai chị em, bà Kính và cô Hồng đi chuyến cuối. Nghe nói chuyến tàu cạn lương thực, cô Hồng mất trên tàu và (nghe nói) đã bị những người trên chuyến tàu đó, để sống, để tồn tại đã… ăn thịt cô. Cô Hồng vốn dáng người cao lớn, vẻ phúc hậu, tính tình vui vẻ, xởi lởi và đảm đang. Bà Kính chứng kiến, bị tâm thần mấy năm, may các em trai đều là bác sĩ, dược sĩ mới trở lại bình thường.

Vậy nên có lúc bà con ngõ Con Mắt bảo những đêm tối trời hay mưa gió, ít ai dám qua nhà cũ của cụ Lý Sóc. Có người chắc nịch rằng những đêm lạnh lẽo, trên bậc thềm nhà cũ ấy có một cô gái cao lớn, xõa tóc ngồi khóc thảm thiết đòi vào nhà cả đêm. Còn người ở đó, toàn nghe nồi niêu soong chảo khua vang, rớt loảng xoảng từ sân thượng xuống cầu thang. Ngay buổi trưa, có khi còn nghe tiếng cười con gái khanh khách rất lạ trong nhà…

P/s: Hệ thống Phở 79 lừng lẫy bên Mỹ khởi đầu do giáo sư sử học Trần Đình Thọ (nhóm chủ bút tập san Sử Địa trước 1975 là con trai thứ ba của ông bà cụ lý Sóc) nấu, sau khi bà Kính, cháu GS Thọ hồi phục sức khỏe thì bà Kính quản lý & phát triển.

CÙ MAI CÔNG 02.12.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.