Vùng Ông Tạ có hai trục đường chính: Phạm Hồng Thái (Lê Văn Duyệt nối dài, nay là Cách Mạng Tháng Tám, đoạn quận Tân Bình), Hương lộ 16 (từ giữa thập niên 1960 đổi thành Thoại Ngọc Hầu, ngày 04-04-1985 cho tới nay là Phạm Văn Hai).
Cư dân trong vùng sống xung quanh hai trục đường này. Trong đó, trục Phạm Hồng Thái là trục chính, chạy từ khu vực tiền quân (đường Bắc Hải) đến trung quân (ngã tư Bảy Hiền) đại đồn Chí Hòa hồi 1861. Trục Hương lộ 16 là trục chặn liên quân Pháp - Tây Ban Nha ở hướng Bắc và hướng Đông.
Có cả chục cư xá trong và sát bên vùng Ông Tạ. Trong đó, ba cư xá lớn và quan trọng nhất ở đầu hai trục đường này, cách khá đều ngã ba Ông Tạ, từ 700-800 m: cư xá Phủ Tổng thống, cư xá sĩ quan Chí Hòa và cư xá Tự Do.
Các khu định cư Bắc 54 ở miền Nam trước 1975 vốn hầu hết được bố trí sát vùng hoạt động mạnh của “phía bên kia” - như một nút chặn. Cạnh đó thường là các đơn vị quân sự để bảo vệ, hỗ trợ qua lại nhau. Ba cư xá lớn nhất xung quanh vùng Ông Tạ trên cũng vậy, với thành phần cư dân khá rõ tính toán việc bố trí khu dân cư và quốc phòng:
- Cư xá Phủ Tổng thống (góc ngã tư Hương lộ 16 - Trương Minh Ký).
- Cư xá sĩ quan Chí Hòa (vùng giáp ranh đầu đường Phạm Hồng Thái và Lê Văn Duyệt - nay là Cách Mạng Tháng Tám, đoạn quận 10. Sau Mậu Thân 1968 đổi thành cư xá Bắc Hải, có lẽ để tránh gây sự chú ý của “phía bên kia): Cư dân hầu hết là sĩ quan cấp tá giữ chức vụ quan trọng trong Quân đội/Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trên dưới 30 vị cấp tá ở đây sau này đã lên tướng.
- Cư xá Tự Do (gần cuối đường Phạm Hồng Thái): Cư dân nơi đây khá đa dạng, như chủ yếu văn nghệ sĩ, trí thức, chính khách… lẫn sĩ quan Nhảy dù - do cư xá này nằm sát Trại tiểu đoàn dù Phạm Công Quân (đầu thập niên 1970 dời trại lính xây bệnh viện Vì Dân, nay là bệnh viện Thống Nhất).
Hàng ngàn lính và sĩ quan Mỹ đóng dọc theo cư xá Phủ Tổng thống
Cư xá này xây dựng cuối thập niên 1950, cư dân ban đầu hầu hết là quan chức cao cấp, chính khách lớn trong chính quyền thời Đệ nhất Cộng hòa. Sau ít năm, mua qua bán lại, nhưng đa số cư dân vẫn là quan chức (xin nói rõ là đa số, tức không hoàn toàn 100 %) như tỉnh trưởng, bộ trưởng, thứ trưởng, chính khách…).
Cư xá này đối diện cư xá Việt Nam Thương Tín bên kia đường Trương Minh Ký. Cách đều khoảng một cây số khu vực Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cổng Phi Long của Căn cứ Không đoàn 33 Chiến thuật cùng Yếu khu Tân Sơn Nhứt và Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ (The US Military Assistance Command, Vietnam - MACV; cơ quan chỉ huy quân sự cao nhất với lực lượng Quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam (trong Tân Sơn Nhứt).
Trực tiếp và gần hơn, từ cư xá này nhìn xéo qua bên kia ngã tư Trương Minh Ký - Thoại Ngọc Hầu là cư xá Pax BEQ của Mỹ (hiện vẫn còn) với hàng trăm binh lính Mỹ ở. Cạnh cư xá này là trụ sở Hội đồng xã Tân Sơn Hòa (đã phá bỏ xây trường mầm non). Cạnh Hội đồng xã là “trường làng” Tân Sơn Hòa, nay là Trường trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên.
Trên đường Thoại Ngọc Hầu, hai bên và cách cư xá này trên dưới 250 m cư xá này là hai cư xá Quân đội Mỹ lớn hơn với tổng cộng trên dưới 1.000 binh sĩ (binh lính và sĩ quan), tương đương gần hai tiểu đoàn:
- Cư xá Newport BOQ (Bachelor Officers 'Quarters), góc Thoại Ngọc Hầu - Võ Tánh (hiện là khu nhà số 2 Phạm Văn Hai, đã đập bỏ xây mới). Đối diện qua bên kia đường Thoại Ngọc Hầu là Bệnh viện dã chiến số 3 lớn nhất của Quân đội Mỹ ở miền Nam trước 1973. Sau Hiệp định Paris 1973, bệnh viện này chuyển giao cho Giáo hội Cơ đốc làm Bệnh viện Cơ đốc. Một nữ bác sĩ của bệnh viện này, chồng là Bắc 54 hồi đó thuê nhà tôi gần đó.
Sau 1975, đại tá Bùi Văn Tùng (người tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh) cũng ở đây cùng với gia đình. Căn hộ của gia đình ông nhìn ra Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũ) thật ra không phải của ông mà là tiêu chuẩn của vợ ông. Ông lúc đó ở trong doanh trại, không có tiêu chuẩn nhà riêng. Sau này, khi về ở nhà bên gia đình họ ngoại, căn hộ này được trả cho nhà nước, không một đồng hỗ trợ. Con gái ông là Bùi Quỳnh Hoa, con trai ông là Bùi Nam Hải học cùng trương Ngô Sĩ Liên gần đó với tôi; coi tôi như anh. Tôi tới nhà ông Tùng, ra vô như nhà mình.
- Cư xá Missouri BOQ dành cho sĩ quan Mỹ độc thân. Cư xá này đối diện khu nghĩa địa mấy ngàn mộ lớn nhất vùng Ông Tạ - cách nhà tôi vài chục thước. Khuôn viên và số phòng rất lớn, có thể ở 400-500 người. Bà con gọi là building Đại Lợi - cùng tên với rạp hát Đại Lợi bên cạnh.
Hai miếng này vốn là vũng đằm trâu, tắm ngựa của bà con người Nam bản địa nơi đây cả trăm năm. Sau di cư, con nít Bắc 54 xóm tôi, trong đó có mấy anh tôi cũng đến đây đằm chung, tắm chung với trâu, ngựa. Một miếng trung tá Nhảy dù Dư Quốc Đống (sau lên trung tướng, Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng) mua, sau nhượng lại cho trung tá Huệ, xây rạp Đại Lợi.
Miếng bên cạnh đại tá Nguyễn Văn Thiệu tính mua, có lẽ để gần nhà em họ Hoàng Đức Nhã (ở cư xá Việt Nam Thương Tín cũng trên đường Thoại Ngọc Hầu, cách đó 200m. Ông Nhã là bí thư riêng cho Tổng thống Thiệu thời Đệ nhị Cộng hòa) và bạn thân của ông là tướng Trần Thiện Khiêm (thủ tướng thời Đệ nhị Công hòa Nguyễn Văn Thiệu. Nhà riêng của ông Khiêm ở sau nhà thờ Chí Hòa - nhà thờ chính vùng Ông Tạ, quản Giáo hạt Chí Hòa, cách đó một cây số.
Sau đảo chính 1-11-1963, ông bỏ dự tính này. Theo ông T. (xin tạm giấu tên) nhà gần đó, người được ông nhờ mua kể lại: “Ông Thiệu kêu là tui phe đảo chánh, dân Ông Tạ ủng hộ ông Diệm, chắc tui khó ở đây” (!). Thực hư ra sao không rõ. Cái rõ là ông Thiệu (và cả ông Khiêm) cuối cùng ở tư dinh trong khu cư xá Trần Hưng Đạo - Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa; cách cư xá Phủ Tổng thống không xa, một cây số. Năm 1973, con gái ông vu quy ở nhà này và năm 1975, ông Thiệu và ông Khiêm cũng di tản từ nhà này.
Khi xây dựng hai tòa nhà này, ông Huệ mua gạo ghi sổ của nhà tôi để nấu ăn cho thợ, cuối tuần ông trả. Vậy nên khi rạp hát Đại Lợi hoạt động, anh em tôi vô coi khỏi mua vé. Tuy nhiên, để “thoải mái” hơn, tôi vô rạp, giờ giải lao giữa hai phim, tôi mua kem để làm quen với thằng cháu ông Huệ cỡ tuổi tôi. Nó hay bưng thùng xốp kem bán dạo trong rạp. Mua vài lần, hai đứa nhẵn mặt nhau, thế là khi nào muốn coi, tôi kêu nó dắt tôi đi cửa sau vô.
Sau 1975, một thời gian cư xá này là Trại tạm giam của Công an quận Tân Bình. Ai có vi phạm gì bị nhốt ở đây, dân gọi là “đi Úc Đại Lợi”.
Nhiều tấm hình rất rõ khu vực Ông Tạ, Trương Minh Ký, nhà thờ Tân Sa Châu mà tôi chọn in trong các tập sách được chụp từ các sĩ quan, binh lính Mỹ ở các cư xá Mỹ này.
CÙ MAI CÔNG 09.11.2024
Đón đọc: Cư xá Tự Do, cư xá sĩ quan Chí Hòa và bố trí quân sự xung quanh trước 1975.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.