jeudi 7 novembre 2024

Cù Mai Công – Cư xá Phủ Tổng thống


Từ đầu đường Phạm Văn Hai, qua ngã tư Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) hiện nay vài chục mét, bên trái có một cư xá, thông ra đường Lê Văn Sỹ (đầu đường là phở Phú Vương có tên trong các tour guide). Ít ai biết đây từng là cư xá Phủ Tổng thống.

Cư xá này chỉ vài chục nóc gia. Sau 1975, một thời gian ngắn nó được gọi là cư xá F8615 (? – không rõ vì sao có tên này, có lẽ là tên một đơn vị quân quản).

Dân Ông Tạ xưa thì gọi là cư xá Thoại Ngọc Hầu, do cửa ra vô chính của nó nằm trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là hẻm 15 Phạm Văn Hai). Cách nhà tôi 200 mét. Chị dâu tôi có lúc chiên và bán đậu hủ ở khu chợ nhỏ trên đường vô cư xá, gần nhà nhạc sĩ Quốc Dũng.

Khu cư xá này phải nói rất yên tĩnh và đẹp. Nhà nào cũng trệt hoặc một trệt một lầu, bên ngoài là sân thượng nhỏ; tường rào và cổng có giàn bông giấy. Sân trước nhiều nhà có xích đu. Có ba đường ra vô cư xá: Thoại Ngọc Hầu, Trương Minh Ký (nay là hẻm 337 Lê Văn Sỹ) và hẻm thông ra đường Bùi Thị Xuân.

Nếu các sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa tập trung ở cư xá sĩ quan Chí Hòa (từ 1969 đổi thành cư xá Bắc Hải) phía giáo xứ Lộc Hưng, Nam Hòa - Ông Tạ, thì cư xá Phủ Tổng thống đa số là quan chức hành chính của nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Cư xá này có hai phần. Phần lớn nằm bên trong và một số ở mặt tiền Trương Minh Ký, kéo dài từ đường Phạm Văn Hai tới hẻm 337 Lê Văn Sỹ hiện nay; đối diện cư xá Việt Nam Thương Tín bên kia đường.

Các ngôi nhà bên trong quây quanh một công viên nhỏ. Trong đó có nhà đại tá Huỳnh Văn Tồn, cựu tỉnh trưởng Gia Định. Ông này vốn là tư lệnh Sư đoàn 7 bộ binh. Ngày 13-9-1964, ông cùng trung tướng Dương Văn Đức, tư lệnh Quân đoàn IV làm đảo chính. Tướng Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đang làm tham mưu trưởng liên quân ở Bộ Tổng Tham mưu gần đó, nhưng không có quân trong tay nên cầu cứu thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Sư đoàn 1 bộ binh về Sài Gòn phản công. Đảo chính thất bại. Sau này ông Tồn khá "chịu chơi" khi mở Cours de danse và làm chủ vũ trường Mai ở xa lộ Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội).

Không rõ tên vũ trường ấy có bị ảnh hưởng bởi nhạc phẩm “Mai” của nhạc sĩ Quốc Dũng - hàng xóm trong cư xá này của ông hồi trước 1975.

Cũng có nhà ở đây là thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu, em ruột trung tướng Hoàng Xuân Lãm, phụ tá tổng trưởng Quốc phòng (tổng trưởng là đại tướng Trần Thiện Khiêm - nhà riêng của ông Khiêm ngay sau nhà thờ Chí Hòa, nhà thờ chính vùng Ông Tạ), chỉ huy trưởng Chiến dịch Lam Sơn 719. Các con ông Tửu đều học trường Thánh Thomas (nay là trường Hàn Thuyên). Đi học, bạn bè đều thấy mấy cô con gái của ông Tửu xinh đẹp, dáng tiểu thư lắm.

Trong đây, từ trước 1975 cũng có nhà của ông Tôn Thất Cẩn, thân phụ của bà Tôn Nữ Thị Ninh - đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ; phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam. Hồi đầu thập niên 1970, bà Ninh là phó khoa của Phân khoa Anh ngữ (Đại học Sư phạm Sài Gòn).

Viên đại tá Trần Văn Tín, chỉ huy trưởng Trường Quân nhạc Việt Nam Cộng Hòa, em trung tướng Trần Văn Trung, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, kiêm tổng cục trưởng Tổng cục Chiến tranh Chính trị cũng có nhà ở đây. Khi ông đi cải tạo, hai cô con gái của ông dạy piano cho những đứa trẻ trong xóm.

Trong cư xá này có quán cà phê Đỉnh Thiêng nổi tiếng một thời sau 1975. Chủ quán nghe nói xưa làm ở Phủ Tổng thống, con trai có người là sĩ quan Thủ Đức, có người là sĩ quan phi công.

Nếu các ngôi nhà bên trong là nhà trệt, nhà một trệt một lầu, chiều ngang chỉ ba, bốn thước thì dãy nhà mặt tiền của cư xá bên phía Trương Minh Ký đều là nhà biệt thự, xây một kiểu như nhau. Hiện nay, đi từ hẻm 337 Lê Văn Sỹ đến ngã tư giao với Phạm Văn Hai, chúng ta thấy một loạt cửa hàng, siêu thị có chiều ngang rất rộng, 12-16 m. Đó là “dấu vết” chiều ngang của các biệt thự xưa.

Hiện vẫn còn hai biệt thự còn nguyên vẹn như lúc mới xây dựng, nhưng nằm khuất trong dãy ki-ổt bên ngoài. Trong đó, có một biệt thự nhỏ của luật sư Trương Đình Dzu, từng tranh cử tổng thống với ông Thiệu nhiệm kỳ 1967-1971. Trong 11 liên danh tranh cử năm đó, liên danh của ông về nhì, chiếm 17 % số phiếu sau liên danh của hai ông Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ.

Cũng ở đầu này có nhà một thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Cộng Hòa (nay đã tách ra hai số nhà, một số là phở Phú Vương). Ngôi nhà đó có cổng sắt màu xanh baby blue và giàn bông giấy tím xum xuê. Con ông tên Toại. Cũng từ phở Quỳnh Tín đầu hẻm 337 hiện nay vào có nhà của giáo sư Lương Duyên Trinh. Cạnh đó là nhà ông Nguyễn Văn Ngân - giám đốc Tổng nha Kiến thiết và Thiết kế Đô thị. 

Nếu đi từ đường Thoại Ngọc Hầu lên phía hẻm 337, qua ngã tư chừng năm mươi thước có biệt thự xưa mang số 285 Trương Minh Ký của ông Trương Bửu Điện. Ông Điện gốc Tân An (nay là Long An), từng là bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở Mỹ, tổng trưởng Bộ Thông tin, tổng lãnh sự ở Singapore.

Cạnh nhà ông Điện là biệt thự của đại tá Cảnh, số nhà 283, giờ là một trường mầm non. Cạnh nhà bác Cảnh là số 281, nhà bác Xuân, Bắc 54, quan chức thời Đệ nhất Cộng hòa.

Số nhà 279 là biệt thự của trung tá Thân Ninh, tỉnh trưởng Quảng Tín thời chánh phủ Ngô Đình Diệm, rồi về Trung tâm huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ, xuất ngũ trước 1975. Ngôi biệt thự số 279 có chiều ngang 16 thước, rộng nhất dãy của ông Ninh ở mười mấy người. Anh Đỗ Thương Việt, cháu ở củng nhà với ông Ninh chia sẻ với tôi: “Sau 1975, mấy cậu và ba đi cải tạo hết. Nhà còn toàn phụ nữ, con nít…”.

Cư xá này như một giao nối của hẻm 15 Thoại Ngọc Hầu và hẻm 337 Lê Văn Sỹ. Mặt sau cư xá, ngay đoạn thông của hẻm 337 ra Bùi Thị Xuân là nhà bà Như Ngoạn, nhân vật bức ảnh hai thiếu nữ mặc áo dài khá nổi tiếng trên mạng gần đây. Con trai đầu của ông bà tên Tôn Thất Tân, học lớp Năm (nay là lớp 1) “trường làng” Tân Sơn Hòa (nay là Ngô Sĩ Liên) từ 1968; đi chợ Ông Tạ với ba với mẹ không biết bao nhiêu lần. Tân học cùng khối lớp 8-9 Ngô Sĩ Liên với tôi; lên cấp ba Nguyễn Thượng Hiền cũng chung khối lớp.

Có lần Tân chia sẻ tâm tình trên trang “Đồng hương vùng Ông Tạ”, xin trích đăng:

“Xin chào các bạn Đồng hương vùng Ông Tạ! Các bạn ở vùng này chắc đều biết đến Trường tiểu học Tân Sơn Hòa nay là Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên. Tuổi thơ mình gắn bó với ngôi trường này. Lớp Năm (bây giờ là lớp 1), mình học với cô Tấn, niên khóa 1968-1969, lần lượt sau đó là lớp 2 - cô Nhung (niên khóa này đã đổi lại cách gọi tên lớp, không gọi lớp Tư nữa), lớp 3 - cô Hoàng, lớp 4 - cô Mai, lớp 5 - thầy Hinh.

(…) Chợ Ông Tạ gắn liền tuổi thơ của những người sống quanh vùng này. Nhớ rạp hát Đại Lợi, nhớ cái nghĩa trang đối diện, nhớ nhà thờ Tân Chí Linh…”.

Qua nhà Tân dăm chục mét, trên lối ra Bùi Thị Xuân, gần chùa Viên Giác còn có nhà ca sĩ Trang Kim Yến, một trong “tứ đại mỹ nhân” họ Trang (Trang Thanh Lan, Trang Kim Phụng, Trang Mỹ Dung và Trang Kim Yến) của làng nhạc nhẹ Sài Gòn hồi thập niên 1980. Con ca sĩ Trang Kim Yến là nữ diễn viên Kim Thư tài sắc vẹn toàn của nhiều phim: Thiên sứ 99, Lục Vân Tiên, Võ lâm truyền kỳ… Hồi thập niên 1980, tối tối, ca sĩ Trang Kim Yến đi bộ từ nhà ra đường Lê Văn Sỹ - nơi có xe đón. Hoặc được chồng chở đi hát ở tụ điểm 126 bằng chiếc Suzuki Dame màu đen.

CÙ MAI CÔNG 07.11.2024

(Lược trích 1.600 chữ từ hai chương tổng cộng 25.000 chữ)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.