mercredi 16 octobre 2024

Nguyễn Thị Bích Hậu - Luật chơi của một cuộc thi trên truyền hình

Trên thế giới các cuộc thi trên truyền hình đã có từ rất lâu, đặc biệt là các cuộc thi tài dành cho giới trẻ hay các tài năng nghệ thuật. Tuy nhiên, những tay tổ luôn suy tính rất kỹ khi họ sáng tạo ra một cuộc chơi hấp dẫn.

1/ Cuộc thi có nội dung và giải thưởng càng hấp dẫn thì càng phải thiết kế kỹ càng, từ câu hỏi, luật chơi, cách chơi...Tránh mọi rủi ro và khủng hoảng truyền thông liên quan tới cuộc thi có thể xảy ra.

2/ Đạo diễn hiểu rất sâu về mọi chi tiết của cuộc thi, ví dụ như các khía cạnh trong năng lực hay kỹ năng của thí sinh, các tiêu chí là chuẩn để tham gia thi. Do đó họ có thể đưa ra các chi tiết này ngay trong phần đầu mỗi chương trình để thấy sự so sánh giữa các thí sinh với nhau.

Tuy nhiên với tinh thần giáo dục và nhân văn, họ thường từ cái nền này để hướng thí sinh tới việc cạnh tranh so tài, so sức với nỗ lực tự thân hết mình, song là cạnh tranh trong tinh thần chơi đẹp, tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau.

3/ Trong các phần thi đấu theo nhóm hay thi đấu một đối một, họ luôn làm nổi bật khía cạnh đối đầu của các nhóm, hay cá nhân. Song cũng làm sao để các bên có thể tôn nhau lên bằng các tài năng khác biệt, và khi thắng hay thua đều tâm phục khẩu phục.

4/ Những người chiến thắng - được tận hưởng thành quả của nền giáo dục rằng thắng không kiêu - tương tự, những bạn thua thì cũng được dạy rằng bại không nản. Nhưng quan trọng là đạo diễn làm bật ra các khía cạnh không kiêu và không nản đó, để truyền tới công chúng tinh thần giáo dục và tính nhân văn của chương trình.

5/ Những người cầm trịch, có thể là ban giám khảo, các huấn luyện viên hay người hướng dẫn, tùy cuộc thi, có nhiệm vụ phân tích từng trường hợp thi đấu cụ thể. Làm sao cho thí sinh hiểu rõ điểm mạnh và yếu của mình trong một sự chân thành và tử tế, giúp họ tiến bộ, khuyến khích họ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hay ước mơ của mình.

Đồng thời, rất quan trọng là giúp các thí sinh thắng coi đây chỉ là một khởi đầu mới cho hành trình dài tiếp theo, còn thì sinh thua thì biết rằng luôn có thể đứng dậy và sửa chữa sai lầm rồi sẽ có ngày thắng.

6/ Dành thời lượng đủ cho tương tác và bình chọn từ khán giả. Từ đó khiến khán giả cũng có phần quan trọng trong thắng- thua từ cuộc thi như một trong các tiêu chí nâng điểm cộng cuối cùng để quyết ai là quán quân hay các thứ bậc tiếp theo.

7/ Cuộc thi nào cũng cần nhà tài trợ. Tuy nhiên đạo diễn giỏi là người giúp nâng tầm cuộc thi và làm sang cho nhãn hiệu tài trợ. Còn đạo diễn dở là người hạ thấp cuộc thi và làm cho nhãn hiệu tài trợ trở thành kẻ vụ lợi đáng ghét.

Muốn làm được một chương trình thi thố hay trên truyền hình, cần đạo diễn và sau đó là cả ekip làm việc cật lực, nghiêm túc, và suy nghĩ rất cẩn trọng về hiệu ứng của từng ngày phát sóng, của cả xê-ri.

Mục đích của bất cứ chương trình nào cho công chúng cũng cần mang tới ba điều:

1/ Thông tin

2/ Tính giải trí

3/ Tính giáo dục

Nếu làm tốt và làm đúng thì chương trình sẽ được công chúng ủng hộ lâu dài.

NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU 16.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.