mardi 8 octobre 2024

Nguyễn Hồng Lam - Văn hóa bừa bãi


Khi cái thật còn nguyên, không ai mất thì giờ đi xem mô hình để gọi là chiêm ngưỡng hay tìm hiểu.

Người Hà Nội lâu đời cũng phải ngỡ ngàng: Cầu Long Biên, cột cờ thành Hoàng Diệu, chùa Một Cột... vẫn hiện hữu đó thôi, sao phải tái hiện như thật ít ngày rồi dỡ bỏ?

Đây là gì, bảo tồn, phục chế hay triển lãm? Nếu mọi mục đích đều không đúng, các công trình chớp nhoáng ấy chắc chỉ là để giải ngân. Đó là lãng phí.

Tái hiện Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh thì nhiều người khen, vì chu đáo, giống và đẹp. Người phương Nam có cơ hội được ngắm, chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu với con em những hình ảnh tiêu biểu, chân thực của thủ đô cách hàng ngàn kilomet, đó là ý nghĩa văn hóa.

Tái hiện Hà Nội trong lòng Hà Nội thì lắm tiếng chê, vì chẳng giống ai, chẳng để làm gì. Năm cửa ô không kim không cổ, "không cầu gợi chút niềm thân mật", trông y như cái cổng làng phô phang thừa tiền dựng vội, rất...vô hồn. Xe điện một thời thì vuông chằn chặn như cái thùng gỗ sơn phết, hay giống như xe mô hình, xe đồ chơi bằng tôn cho con nít được phóng to. Không hồn cốt, không chút leng keng hoài niệm...

Cũng có thể, người ta nghĩ phải là cửa ô như thế thì tàu điện như thế mới có thể chui qua. Ký ức, hoài niệm chẳng là gì cả. Còn nhiều nữa.

Văn hóa và quản lý văn hóa đang được đặt vào tay những người không quan tâm, không am hiểu gì hoặc chưa từng chạm mắt vào văn hóa. Đó cũng là một cách phá hoại văn hóa. Sao lại thế, Thủ đô ơi!

NGUYỄN HỒNG LAM 08.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.