samedi 12 octobre 2024

Lưu Nhi Dũ - Tăng nhanh như… giá điện!


Chiều qua khổ thiệt, viết bài “điên nặng điện”, dự đoán giá điện sẽ tăng trong nay mai, khoảng 4,5 %. Dám viết như vậy, vì thấy Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp" và kêu toáng lên: Không tăng giá điện thì Tập đoàn Điện lực (EVN) sẽ nguy hiểm, thì biết ngay họ đang “dọn đường” để tăng giá điện ấy thôi!

Ôi, nhưng 17 giờ chiều EVN tuyên bố tăng 4,8 %, có hiệu lực tức thời mới ghê!

Vậy là phải viết lại theo hướng, tăng giá cao như vậy, liệu EVN có còn lỗ? Còn chắc luôn và sẽ tăng nữa. Vì sao? Vì năm 2023 EVN đã hai lần tăng giá điện, cộng lại lên đến 7,7 % mà vẫn lỗ 1,8 tỉ USD, thì hiểu rồi!

Tại sao EVN lỗ? Đơn giản, nguồn cung điện giá rẻ như điện mặt trời, thủy điện có hạn, 50 % nguồn cung từ điện than, giá cao. Tỉ trọng này không chỉ làm giá điện cao mà còn khiến cho mục tiêu đạt Net zero vào năm 2050 rất khó. Đó là nghịch lý xanh.

Hiện có hàng loạt nhà máy điện than vẫn xây dựng, nhưng có đến 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ. Quy hoạch điện VIII phê duyệt 23 dự án điện khí với công suất 30.424 MW nhưng mới có một nhà máy vào vận hành là nhiệt điện Ô Môn 1. Các nhà máy điện khí khác thuộc chuỗi dự án điện khí Lô B, chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh, Hiệp Phước 1, Cà Ná, Nghi Sơn hay các dự án khác vẫn đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu, đàm phán hợp đồng…

Thiếu điện là chắc luôn, trong khi điện mặt trời mái nhà vẫn còn khoảng trống pháp lý; điện gió ngoài khơi gần như đình trệ, nhiều tập đoàn lớn như của Na uy, Đan Mạch… đã rút lui cũng vì nguyên nhân đó.

Một lý do khác làm giá điện tăng cao, quy hoạch điện phá vỡ là do một loạt quan chức của EVN, nhiều cán bộ của Bộ Công thương nhận hối lộ, tham ô, trong đó có thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng - người trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng dự thảo quyết định về cơ chế các dự án điện mặt trời được chính sách đặc thù. Một “thái tử đảng” trong vụ này cũng bị “thôi chức”.

Trở lại việc tăng giá điện. Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, mức tăng lần này được tính toán trên cơ sở cân đối để đảm bảo không ảnh hưởng đời sống người dân, an sinh xã hội. Hiện có hơn 17,4 triệu hộ dùng điện sinh hoạt dưới 200 kWh/tháng; mỗi hộ trong số này phải trả thêm bình quân 13.800 đồng một tháng. Nhưng đó là những hộ nghèo, còn đa phần phải chịu giá điện cao, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh. Giá điện tăng, kéo theo giá cả tăng là điều chắc chắn.

Ông Nguyễn Xuân Nam tuyên bố rằng giá điện điều chỉnh lần này sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm khoảng 0,04 %. Trong khi đó, các chuyên gia tính toán, giá điện tăng chỉ với mức tăng 3 %, sẽ tác động, làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 1,099 %, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18 %. Nếu xem xét tác động đến giá thành sản phẩm của những ngành sử dụng nhiều điện thì ngành thép sẽ tăng 0,18 %, xi măng 0,45 %, dệt may 0,4 %... Do vậy với mức tăng 4,8 %, tất nhiên tác động lớn hơn nhiều, sao CPI chỉ tăng thêm khoảng 0,04 % như ông Nam nói?

CPI ba quý đầu năm 2024 tăng 3,88 % so với cùng kỳ năm trước, riêng hai nhóm giáo dục và y tế tăng dẫn đầu với lần lượt 7,51 % và 7,46 %, cao gần gấp đôi so với mức CPI chung. Vì từ đầu năm hàng ngàn dịch vụ y tế tăng giá, tính chung tăng khoảng 30 %; học phí một số địa phương cũng tăng theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Nay giá điện lại tăng cao đến 4,8 % thì chắc chắn CPI sẽ tăng theo.

Như vậy, ba lĩnh vực thiết yếu là y tế, giáo dục, giá điện đều tăng cao, thì việc tăng lương từ 01/07 vừa qua gần như bị triệt tiêu, thậm chí còn “âm” nữa!

Với những người hưu trí thì càng khó khăn hơn, lương hưu tăng chút xíu, giá các dịch vụ y tế tăng, giá điện tăng, thì cố gắng đừng đau bệnh. Cứ sống vật vờ như vậy chờ ngày qua đời là an yên!

LƯU NHI DŨ 12.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.