Hình trên đây chụp ngày 21.01. 2017, cho thấy quan chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xin lỗi văn nghệ sĩ. Tất nhiên là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc và văn nghệ sĩ xứ kim chi, chứ không phải là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và văn nghệ sĩ xứ ta.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cho Yoon Sun bị cáo buộc chịu trách nhiệm về việc lập ra danh sách đen gồm ngót chục nghìn nghệ sĩ và nhân vật văn hóa dám phê phán chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Park Geun Hye.
Đáng chú ý trong danh sách đen, có những người nổi tiếng, đang làm sáng danh Hàn Quốc trên trường quốc tế.
Như đạo diễn Park Chan Wook, trước đó đã đoạt nhiều giải thưởng, mà danh giá nhất là giải của Liên hoan phim Cannes (Giải thưởng lớn Liên hoan phim Cannes 2004, Giải thưởng Ban Giám khảo Liên hoan phim Cannes 2009. Nói thêm: Năm 2022 Park Chan Wook còn đoạt Giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes. Nói ngoài: Năm 2021, Park Chan Wook được mời làm đạo diễn cho bộ phim truyền hình chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của Viet Thanh Nguyen The Sympathizer).
Và như Han Kang (韩江 đọc theo Hán Việt là Hàn Giang, trong tiếng Hàn đồng âm với tên con sông 漢江 chảy qua Seoul, tuy con sông này nếu đọc theo Hán Việt lại là Hán Giang, tức không đồng âm), người chiến thắng Giải thưởng Man Booker quốc tế năm 2016, tức chỉ một năm trước sự kiện xin lỗi, và mới hôm qua chiến thắng Giải Nobel Văn chương.
Dư luận Hàn Quốc dậy sóng; giới trí thức sôi sục. Thực ra, người bị đưa vào danh sách đen chỉ bị một chế tài khá nhẹ nhàng, nhất là nếu xem xét với tiêu chuẩn của nước Nam ta: sẽ bị loại khỏi các khoản trợ cấp nghệ thuật của chính phủ; chứ không ai bị ở tù hay quấy nhiễu gì. Tuy thế, dân tình vẫn phẫn nộ: danh sách đen này đã khơi dậy những ký ức về chế độ kiểm duyệt và áp bức dưới thời nhà độc tài Park Chun Hee, cha của Tổng thống Park Geun Hye. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được cho là có nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do và sự sáng tạo trong biểu đạt nghệ thuật, ấy vậy mà cơ quan này lại xâm phạm chính điều đó.
Ngày 21.1.2017 Cho Yoon Sun bị bắt. Ngày 23.1.2017, đài BBC tiếng Anh đăng hình xin lỗi vừa dẫn.
Thuật lại những chuyện trên đây ở nước bạn, mà ngậm ngùi nghĩ đến nước ta.
Đoạt Giải Nobel Văn chương ư? Quá khó! Nhưng còn khó hơn, là nâng cao mặt bằng dân trí. Mà dân trí, theo nghĩa rộng, không chỉ là hiểu biết, là kiến thức, mà còn là nhiệt huyết để cùng nhau bảo vệ lẽ phải, là sự dũng cảm hành xử theo đúng quyền công dân của mình, nghĩa là bao trùm cả dân khí như cụ Phan Châu Trinh cổ võ. Hàn Quốc có thể vẫn còn rơi rớt thói đàn áp người dân của nửa thế kỷ độc tài từ Park Chung Hee đến Chun Doo Hwan. Nhưng dân Hàn Quốc đã khác xưa. Họ đồng loạt mạnh mẽ phản đối danh sách đen, vạch rõ tính chất vô pháp vô thiên của nó. Mà bộ máy cầm quyền của Hàn Quốc cũng không còn như cũ: nó khởi động ngay các tiến trình tư pháp cần thiết và hành động quyết liệt: lần đầu tiên tại Hàn Quốc một bộ trưởng chính phủ đương nhiệm bị bắt giữ.
Chính trên cái nền móng vững chắc này mà văn hóa Hàn Quốc lừng lững phát triển! Cả kinh tế, cả văn hóa! Bỏ xa Việt Nam!
Ở ta có bao nhiêu “danh sách đen”? Khó có câu trả lời chính xác.
Thời Nhân văn - Giai phẩm nhiều nhà văn bị tù ngục đã đành, mà ngay cả những nhà văn may mắn không bị giam giữ vẫn bị đày đọa, không chỉ họ mà cả con cái họ. Đến thời Đổi Mới, một vài người được trao giải thưởng, hiểu như một động thái sửa sai của nhà nước nhưng tuyệt nhiên không ai được công khai xin lỗi. Mà dân ta, từ người dân lam lũ đến giới trí thức, có người còn cảm ơn nhà nước đã biết làm một việc tốt, "như thế cũng đã được rồi", theo kiểu "Thánh thượng hồi tâm"!
Còn ngày nay, tuy không nói ra, ai cũng biết ông này thì được xuất hiện trên báo, còn ông kia thì không; chị nọ lúc này chỉ được đăng ở những tờ báo nhỏ, ít ai chú ý, trong khi bà kia thì muốn đăng đâu thì đăng miễn Ban biên tập thuận lòng. Vẫn chưa tiệt được cái nọc chỉ điểm: Này là bài thơ cạnh khóe lãnh đạo; nọ là cuốn sách bôi đen chế độ. Chưa có lĩnh vực nào mà sự cảnh giác lại được đề cao như lĩnh vực văn hóa - tư tưởng; người ta chăn trí thức như chăn gà, cứ sợ họ đi lạc.
Mỉa mai là trong khi cứ ra sức bảo vệ một nền móng thấp và kém như thế, một vị lãnh đạo đứng đầu nhà nước vẫn cứ nuôi mộng tưởng: “Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước”.
HOÀNG DŨNG 12.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.