Đưa ra một chính sách mang tầm quốc gia, đương nhiên người ta phải suy đi tính lại nát óc, cẩn trọng từng tí một. Đó là nói chung vậy, chứ vụ tăng lương mà nhà nước sắp thực hiện thì tôi thấy không ổn.
Theo phương án mà Bộ Nội vụ xây dựng, đã trình chính phủ và đã được cấp cao nhất duyệt, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc đều được tăng lương, tăng thêm 30 % căn cứ vào mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Có nghĩa là, mỗi người sẽ có lương mới là lương cơ sở (đúng ra phải gọi lương cơ bản) x hệ số đang hưởng x 30 %.
Theo lời bà bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, “điều chỉnh tăng đều tất cả 30 % trên cơ sở giữ mức lương cơ sở. Tất cả cùng vui, tất cả đều được hưởng như nhau”. Đúng là vui, bởi bây giờ thêm được 1 nghìn (trị giá như 1 xu hồi xưa) cũng quý.
Nhưng không phải ai cũng vui. Theo phương án đã được Bộ Chính trị duyệt, tăng 30 % cho những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc, còn người về hưu chỉ được tăng một nửa tỉ lệ ấy, tức là 15 %.
Có ai đó lý giải rằng về hưu thì không còn đóng góp gì nữa cho xã hội, đất nước, tăng thế là chiếu cố lắm rồi, tốt rồi, đừng có đòi hỏi. Lại nhớ hơn chục năm trước, ông đại tá Trần Đăng Thanh còn dọa cắt lương hưu, xem lương hưu như thứ ơn huệ của đảng và nhà nước, do nhà nước ban, cho thì được, không cho cũng phải chịu. Thứ tư duy ấy tới nay vẫn tồn tại, nhất là ở những người luôn “ơn đảng ơn chính phủ”, nghĩ rằng nhờ có đảng và chính phủ thì mình mới có… lương hưu.
Tôi xin nói thẳng, chỉ tăng lương hưu 15 % là thái độ phân biệt đối xử không công bằng, thậm chí vô lý, vô ơn, không có trước có sau. Nhất bên trọng, nhất bên khinh, trong khi bên nào cũng nặng. Người về hưu chẳng đòi phải được nhiều hơn người đang đi làm, mà chỉ đòi sự công bằng.
Người về hưu tức là người đã cả đời lao động, làm việc, đóng góp cho xã hội, đất nước. Họ không phải kẻ ngồi mát ăn bát vàng, không phải chỉ sống cho cá nhân, rồi về hưu. Tất cả tuổi lao động, sức lực, trí tuệ của họ đã hiến cho sự phát triển của xã hội, đất nước. Đừng coi họ như kẻ ăn bám, đối tượng được bố thí, cho bao nhiêu thì cho. Những nhà làm chính sách đã nghĩ tới điều này chưa.
Đó là chưa nói, khi còn làm việc, người về hưu đã đóng bảo hiểm xã hội, vào quỹ bảo hiểm xã hội. Nhà nước giữ hộ số tiền của chính họ, họ làm ra từ mồ hôi nước mắt, chứ nhà nước có cho không họ đồng nào. Tới lúc họ theo quy định phải về hưu, hưởng lương hưu, thì nhận lại chính số tiền do mình đã gửi (không có lời), chứ không phải tiền “Trần Đăng Thanh”.
Tiền hưu bao giờ cũng thấp, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với lương của người đang đi làm. Giá cả sinh hoạt ngày càng tăng vọt, người lương hưu sống khó hơn so với người đang đi làm. Đại đa số người hưu ở xứ ta đều nghèo. Không phải là tị nạnh so bì, nhưng nếu người đang đi làm còn phải lo nhà cửa, con cái… thì người hưu cũng chẳng nhẹ nhõm gì, nhất là sức khỏe, bệnh tật, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà…
Người hưu quỹ thời gian cũng ít, chả còn mấy nữa để mà hưởng thụ, chỉ muốn sống vui phần đời ngắn ngủi còn lại. Nỡ lòng nào, các vị coi họ như đối tượng từ thiện, muốn cho bao nhiêu thì cho. Không có họ đi trước cần lao đóng góp, các vị có được ngồi đó mà ra lệnh phạt 15 % của họ không. Lúc nào cũng nói uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, hay chỉ là lý luận, lý thuyết suông.
Cũng nhắc thêm, theo quy định, lương mới áp dụng từ ngày 01.07 tới. Việc này thực ra đã được công bố rộng rãi cả mấy tháng nay. Đề nghị các cơ quan bảo hiểm xã hội lo chuẩn bị chu đáo sớm đi cho dân nhờ, đừng để “nước đến chân mới nhảy” tới tận ngày phát lại lý do lý trấu về sự chậm trễ. Dân có kinh nghiệm về chuyện này nhiều rồi.
NGUYỄN THÔNG 22.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.