dimanche 16 juin 2024

Nguyễn Thiện Tống - Dự án xây dựng sân bay Long Thành rất lãng phí khi tốn kém 16,03 tỉ USD (bài 3)

 

Tóm tắt

Sân bay Long Thành dự kiến có khả năng tiếp nhận từ 80 đến 100 triệu hành khách/năm, có diện tích 5.000 hecta, 4 đường cất hạ cánh cách nhau 3.370 m (400 m + 2570 m + 400 m) với tổng chiều dài 16.000 m (4 x 4.000 m), 4 nhà ga hành khách với tổng diện tích sàn 1.500.000 m2 (4 x 375.000 m2).

Sân bay Western Sydney của Úc dự kiến có khả năng tiếp nhận từ 80 đến 100 triệu hành khách /năm chỉ có diện tích 1.768 ha, 2 đường cất hạ cánh cách nhau 1.900 m với tổng chiều dài 7.400 m (2 x 3.700 m), 2 nhà ga hành khách với tổng diện tích sàn 689.000 m2.

Với cùng năng suất thiết kế từ 80 đến 100 triệu hành khách /năm khi so với sân bay Western Sydney, sân bay Long Thành có diện tích lớn 2,83 lần, có tổng chiều dài đường cất hạ cánh dài 2,16 lần, có diện tích nhà ga hành khách rộng 2,18 lần và do đó chi phí đầu tư xây dựng cũng lớn hơn 2 lần và như thế là rất lãng phí.

Trong tình hình nợ công và thiếu vốn hiện nay của Việt Nam, sân bay Long Thành cần được thiết kế lại cho hiệu quả để giảm chi phí đầu tư. Như thế với năng suất 100 triệu hành khách /năm, sân bay Long Thành cần được thiết kế lại với 2 đường cất hạ cành dài 3.700 m mỗi đường, với tổng diện tích nhà ga hành khách 840.000 m2  và diện tích sân bay 1.800 ha thì có thể tránh được lãng phí trên 9 tỉ USD.

Ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí quá lớn trong khái toán cho toàn bộ dự án xây dựng sân bay Long Thành là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD) hiện nay?

1) Sân bay Long Thành rất lãng phí khi sử dụng 5.000 hecta đất

a) Ngày 25/06/2015 Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nghị quyết cũng nêu rõ tổng mức đầu tư: khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD).

Diện tích đất của dự án là 5.000 hecta, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 hecta, đất cho quốc phòng là 1.050 hecta, đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 hecta.

Lộ trình thực hiện sẽ gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

b) Trong Phụ lục 1 của Báo cáo số 45/BC-CP ngày 27/10/2014 của Chính phủ về việc giải trình, bổ sung về Báo cáo đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thông tin về quy mô các Cảng hàng không quốc tế trên thế giới hiện nay có sử dụng diện tích đất lớn tương tự hoặc lớn hơn diện tích Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được cố tình đưa ra một cách phiến diện nhằm kết luận rằng: “Nhìn chung các Cảng hàng không có năng suất lớn đều có quy mô từ khoảng 4.000 ha đến 10.000 ha, ngoại trừ Cảng hàng không quốc tế Changi (Singapore).”

Phụ lục nêu trên viết tiếp: “Từ đó cho thấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành với diện tích quy hoạch 5.000 hecta là phù hợp với xu hướng phát triển chung của các cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới. Quy mô này được xác định trên cơ sở đầu tư xây dựng 01 sân bay cấp 4F với cấu hình 4 đường hạ cất cánh (4.000 m x 60 m), dãn cách giữa 2 cặp đường hạ cất cánh 2.570 m đảm bảo tiếp cận hạ cất cánh song song, độc lập… cũng như có khu vực dành riêng cho quân sự (1.000 ha) đảm bảo an ninh quốc phòng.”

c) Tuy nhiên trên thế giới có rất nhiều sân bay có năng suất lớn mà diện tích nhỏ lại không được Báo cáo Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa ra để tham khảo. Cách trình bày một nửa sự thật như thế là không khách quan không trung thực.

Chẳng hạn sân bay Gatwick ở Anh có diện tích 674 hecta đón nhận 46,6 triệu hành khách năm 2019, bình quân 14,5 hecta/triệu hành khách; sân bay Heathrow ở Anh có diện tích 1.227 hecta đón nhận 80,9 triệu hành khách năm 2019, bình quân 15,2 hecta/triệu hành khách; sân bay Thủ đô Bắc Kinh có diện tích 1.480 hecta đón nhận 100 triệu hành khách năm 2019, bình quân 14,8 hecta/triệu hành khách; sân bay Kingsford-Smith ở Sydney có diện tích 907 hecta được phát triển để đón nhận 74 triệu hành khách năm 2033, bình quân 12,3 hecta/triệu hành khách; sân bay Soekarno-Hatta ở Jakarta có diện tích 1.800 hecta được phát triển để đón nhận 100 triệu hành khách năm 2025, bình quân 18 hecta/triệu hành khách; sân bay Western Sydney được thiết kế có diện tích 1.768 hecta để đón nhận tối thiểu 82 triệu hành khách/năm, bình quân 21,6 hecta/triệu hành khách.

d) Sân bay Long Thành được thiết kế có diện tích 5.000 hecta để đón nhận 100 triệu hành khách /năm, bình quân 50 hecta /triệu hành khách là quá lãng phí về diện tích khi so sánh với sân bay Thủ đô Bắc Kinh (14,8 hecta /triệu hành khách) và Soekarno-Hatta (18 hecta/triệu hành khách) hay với sân bay Heathrow (15,2 hecta /triệu hành khách) và Western Sydney (21,6 hecta /triệu hành khách).

Như thế với năng suất thiết kế 100 triệu khách/năm, sân bay Long Thành chỉ cần diện tích từ 1.500 hecta (15 hecta/triệu hành khách) đến 2.000 hecta (15 hecta/triệu hành khách) là vừa. 

2. Sân bay Long Thành được thiết kế có 4 đường cất hạ cánh (4 x 4.000 m) là rất lãng phí

Sân bay Gatwick của Anh có 1 đường cất hạ cánh dài 3.316 m mà tiếp nhận 46,6 triệu hành khách năm 2019.

Sân bay Heathrow của Anh có 2 đường cất hạ cánh dài 3.660 m và 3900 m mà tiếp nhận 80,9 triệu hành khách năm 2019.

Sân bay Western Sydney có thể tiếp nhận tối thiểu 82 triệu hành khách /năm với 2 đường cất hạ cánh (2 x 3.700 m).

Sân bay Long Thành được thiết kế có 4 đường cất hạ cánh dài tổng cộng 16.000 m (4 x 400 m), cách nhau 400 m từng đôi một và ở giữa cách nhau 2570 m, khoảng cách giữa 2 đường cất hạ cánh ngoài cùng là 3370 m (400 m + 2570 m + 400 m).

Cấu hình 4 đường hạ cất cánh (dài 4.000 m x 75 m) với giãn cách giữa 2 cặp đường hạ cất cánh 2.570 m có tần suất tối đa giờ cao điểm là 120 chuyến/giờ để cho năng suất 100 triệu hành khách/năm. (Các thông tin chính thức đều cho đường cất hạ cánh dài 4.000 m rộng 75 m, khác với bẩn vẽ trên.)

Cấu hình 4 đường cất hạ cánh này của sân bay Long Thành vừa tốn rất nhiều diện tích đất vừa làm cho đường lăn máy bay giữa nhà ga hành khách với hai đường cất hạ cánh ngoài cùng rất lớn gây chậm trễ và tốn kém nhiên liệu.

Trong khi dự án sân bay mới Western Sydney ở Úc cũng cấp 4F có cấu hình 2 đường hạ cất cánh (3.700 m x 60 m) với dãn cách giữa 2 cặp đường cất hạ cánh 1.900 m đảm bảo tiếp cận cất hạ cánh song song, độc lập… có tần suất cất hạ cánh tối đa giờ cao điểm là 98 chuyến/giờ với năng suất 82 triệu hành khách/năm.

Chiều dài đường cất hạ cánh 3.700 m bảo đảm cho máy bay code E cất cánh với tầm bay 13.800 km. Chiều dài đường cất cánh cho máy bay Airbus A380-800 là 2900 m và cho máy bay Boeing 747-8 là 3050 m. Trong tương lai máy bay lớn cần đường cất hạ cánh dài không còn được ưa chuộng nữa.

Tương tự như vậy, dự án mở rộng sân bay Gatwick ở phía Nam London có cấu hình 2 đường cất hạ cánh (3.316 m x 60 m) với dãn cách 1.045 m cũng có tần suất cất hạ cánh tối đa giờ cao điểm là 98 chuyến/giờ với năng suất 95 triệu hành khách/năm, mặc dù chỉ hoạt động 16 giờ/ngày do cấm bay đêm.

Như vậy dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành không nên lãng phí với cấu hình 4 đường cất hạ cánh dài 4.000 m và dãn cách 3370 m (400 m + 2570 m + 400 m) mà chỉ nên xây dựng 2 đường cất hạ cánh dài 3.700 m với dãn cách 1.900 m để có nhà ga hành khách ở giữa là đủ cho năng suất 100 triệu hành khách/năm.

3. Sân bay Long Thành được thiết kế có 4 nhà ga hành khách với tổng diện tích 1.500.000 m2 là rất lãng phí.

Sân bay Gatwick có diện tích nhà ga hành khách 258.000 m2 mà năm 2019 tiếp nhận 46,575 triệu hành khách, bình quân 5,539 m2/triệu hành khách.

Sân bay Heathrow có diện tích nhà ga hành khách 612.000 m2 mà năm 2019 tiếp nhận 80,884 triệu hành khách, bình quân 7,566 m2/triệu hành khách.

Sân bay Nội Bài có diện tích nhà ga hành khách 249.000 m2 mà năm 2019 tiếp nhận 29,305 triệu hành khách, bình quân 8,497 m2/triệu hành khách.

Sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích nhà ga hành khách 156.782 m2 mà năm 2019 tiếp nhận 41,243 triệu hành khách, bình quân 3,800 m2/triệu hành khách, như vậy là rất thấp.

Nhà ga hành khách T3 của Tân Sơn Nhất được thiết kế với diện tích 110.000 m2 để tiếp nhận 20 triệu hành khách /năm, bình quân 5.500 m2/triệu hành khách.

Sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích cả 3 nhà ga T1 + T2 + T3 là 286.782 m2 để tiếp nhận 50 triệu hành khách /năm, bình quân 5.336 m2/triệu hành khách, như thế là gần bằng Gatwick.

Sân bay Western Sydney được thiết kế có diện tích cả 2 nhà ga hành khách là 689.000 m2 để tiếp nhận 82 triệu hành khách /năm, bình quân 8.400 m2/triệu hành khách, như thế là nhiều hơn Heathrow một chút.

Sân bay Long Thành được thiết kế giai đoạn 1 có diện tích 1 nhà ga hành khách là 375.000 m2 để tiếp nhận 25 triệu hành khách /năm, bình quân 15.000 m2/triệu hành khách, như thế là nhiều gấp 2 Heathrow và rất lãng phí.

Sân bay Long Thành được thiết kế có tổng diện tích 4 nhà ga hành khách là 1.500.000 m2 để tiếp nhận 100 triệu hành khách /năm, bình quân 15.000 m2/triệu hành khách, như thế là nhiều gấp 2 Heathrow và rất lãng phí.

Theo đơn giá 3.800 USD/m2 thì giai đoạn 1 là 375.000 m2 tốn  1,425 tỉ USD, cả 3 giai đoạn là 1.500.000 m2 tốn 5,7 tỉ USD.

Nếu sân bay Long Thành được thiết kế có tổng diện tích nhà ga hành khách là.750.000 m2 để tiếp nhận 100 triệu hành khách /năm, bình quân 7.500 m2/triệu hành khách, bằng với sân bay Heathrow thì tránh được lãng phí 2,85 tỉ USD về nhà ga hành khách.

Nếu sân bay Long Thành được thiết kế có tổng diện tích nhà ga hành khách là.840.000 m2 để tiếp nhận 100 triệu hành khách /năm, bình quân 8.400 m2/triệu hành khách, bằng với Western Sydney thì tránh được lãng phí 2,5 tỉ USD về nhà ga hành khách.

4. Sân bay Long Thành cần được thiết kế lại cho hiệu quả để tránh lãng phí quá lớn như hiện nay

Việc thiết kế sân bay Long Thành cần được tham khảo những sân bay hiệu quả trên thế giới, chứ không nên theo gương xấu của một số sân bay rất lãng phí như trong Phụ lục 1 của Báo cáo số 45/BC-CP ngày 27/10/2014 của Chính phủ về việc giải trình, bổ sung về Báo cáo đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong tình hình nợ công và thiếu vốn hiện nay của Việt Nam, sân bay Long Thành cần được thiết kế lại cho hiệu quả để giảm chi phí đầu tư. Như thế với năng suất 100 triệu hành khách /năm, sân bay Long Thành cần được thiết kế lại với 2 đường cất hạ cành dài 3.700 m mỗi đường, với tổng diện tích nhà ga hành khách 840.000 m2  diện tích sân bay 1.800 hecta thì có thể tránh được lãng phí trên 9 tỉ USD.

Ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí quá lớn trong khái toán cho toàn bộ dự án xây dựng sân bay Long Thành là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD) hiện nay?

NGUYỄN THIỆN TỐNG 16.06.2024

Nguyễn Thiện Tống - Liên hệ giữa sân golf Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (bài 2)

Nguyễn Thiện Tống - Ý đồ ban đầu của Dự án xây dựng sân bay Long Thành là để thay thế và khai tử sân bay Tân Sơn Nhất (bài 1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.