lundi 10 juin 2024

Cù Mai Công - Tết Mùng 5 ở Ông Tạ

 

Có một hình ảnh về dịp Tết mùng 5 (Đoan Ngọ) trong tôi từ thuở ấu thơ cho tới nay: đó là những ngày của cơm rượu, bánh ú tro và chôm chôm… trong mưa dầm ướt át.

Tết mùng 5 năm nay ít mưa. Tuy nhiên, những ngày này, cho tới hôm nay, đâu đâu trong vùng Ông Tạ cũng thấy đầy các quầy, sạp bán cơm rượu, bánh ú tro. Hàng trăm quầy rải khắp ngã ba Ông Tạ, chợ Nghĩa Hòa, chợ Nam Hòa, chợ Phạm Văn Hai… Cứ như đây là thủ phủ của cơm rượu, bánh ú tro.

Thật ra, bánh ú tro bán ở Ông Tạ dịp này không phải dân Ông Tạ làm - toàn từ miền Tây đưa lên. Các bà Bắc 54 xưa gọi là “bánh gio củ ấu”. Số lượng bao nhiêu tôi không rõ nhưng mỗi quầy sạp ít cũng vài trăm bánh, nhiều cả thiên (một ngàn).

Cơm rượu thì chắc chắn từ mấy lò cơm rượu của các gia đình trong vùng, bởi cái món này có xa lạ, khó khăn gì với mấy bà các chị Bắc 54 xưa. Xem ra nhà nào cũng biết làm. Tôi nhớ xưa, năm nào cũng thế, cứ thấy mẹ tôi đồ nếp, tải ra nong ra nia cho nguội rồi rắc men vào ủ là tôi biết sắp Tết mùng 5. Bà làm như thói quen. Tới tận hơn 80 tuổi, bà vẫn tự tay làm; sau dạy chị dâu tôi - gốc Cần Thơ làm. Bà đã đi xa, cách làm vẫn còn đó, theo nếp “truyền tử lưu tôn” của người Bắc.

Tôi nhớ những ngày còn bé, trong một sáng mưa dầm, mới ngủ dậy, mẹ tôi múc cho mỗi đứa một bát có vài thìa cơm rượu, bảo: “Ăn để con sâu con bọ trong bụng ngấm rượu, say đứ đừ mà chết”. Thuở xưa, có đứa bé Ông Tạ nào chả tin cách trừ sâu bọ Tết mùng 5 ấy.

Cơm rượu ăn với xôi, nhất là xôi vò. Đó là những ngày gia đình nào ở Ông Tạ cũng cả chục người: cha mẹ, con cháu… Có nhà, như tiệm giày Thăng Long trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) gần chợ Ông Tạ cũ cả gia đình gần hai chục: cha mẹ và 17, 18 con. Nhà nào trên dưới năm con coi như “hiếm muộn”. Gia tộc của tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã trong hẻm 158 trên đường Thoại Ngọc Hầu gần nhà tôi thì tam đại, tứ đại đồng đường trong một căn nhà nhỏ mãi cho tới thập niên 1980 chật quá mới “bung”. Vậy nên, mẻ cơm rượu ra, có khi không đủ nhà ăn. Vả lại thời đó, ăn uống không trăm thức ngàn món như hiện nay.

Có lần, lúc bảy, tám tuổi, tôi sang nhà mấy thằng bạn hàng xóm chơi. Thầy bu, bố mẹ nhà nào cũng ép ăn một ít. Về nhà, mặt đỏ phừng phừng, cả người nóng ran. Mẹ tôi thấy con ngồi thở dốc (hồi nhỏ tôi bị suyễn sữa) vì ngấm rượu, vừa ngâm trà khô vô dấm để vuốt người tôi cho mát, vừa chửi: “Bố tiên sư nhà mày, hốc cho lắm như thế này thì mày chết trước cả sâu bọ con ạ”.

Tuy nhiên, nhịp sống vội vã hôm nay, thành viên mỗi gia đình cũng ít đi, rồi đủ món này món nọ, Tết mùng 5 cũng ít nhà tự làm, đa số là mua. Nên sạp, quầy cơm rượu tràn đường, bán từ quầy bánh giò, xôi khúc giữa cầu số 2 và 3,  tiệm phở Ngọc - hẻm Bình Dân… đến quầy xôi Bà Lai vỉa hè.

Tôi không biết bao nhiêu tấn nếp trở thành cơm rượu dịp này. Chỉ biết dịp này, chỉ riêng lò xôi Bà Lai nấu mấy tạ nếp, trên hộp gắn nhãn ghi thương hiệu Bà Lai hẳn hoi. Sáng 09-06-2024 (mùng 4 Đoan Ngọ), tôi ghé mua xôi. Khách ra vào tấp nập, vừa mua xôi vừa mua cơm rượu. Ba người bán không ngơi tay. Và cũng như mọi hôm, như thuở bà Lai còn, tám giờ sáng, quầy xôi vỉa hè 62 năm đã dọn về. Ai ra trễ, nhìn bảng hiệu Bà Lai nhỏ xíu trên tường vỉa hè khu ngã ba hơi ngơ ngẩn…

Cơm rượu vùng Ông Tạ hầu hết làm theo kiểu Bắc 54: nếp vẫn nguyên hạt, no tròn, rời và dòn, không mềm nhũn và vo viên như cơm rượu miền Nam, miền Trung. Cơm rượu Bắc ngon chỉ ngửi mùi là biết: mùi rượu cay nhẹ của men lẫn trong vị ngọt thơm của nếp, nồng nàn, thanh cảnh, ngửi thoáng đủ say. Trẻ con chỉ ăn vài muỗng, cả người nóng dần, phừng mặt.

Nhớ mãi những ngày mưa dầm Tết mùng 5 năm xưa, thuở còn mẹ còn cha…

CÙ MAI CÔNG 10.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.