Bất chấp mọi khó khăn, không khí Tết vẫn rộn ràng tràn về khắp đất nước. Nhiều thứ kém năm trước nhưng cũng nhiều thứ hơn.
Sức mua kém, chợ truyền thống đìu hiu, doanh nghiệp tất bật xoay sở, dân nghèo xuôi ngược vất vả mưu sinh. Người về quê có vẻ ít hơn nhưng giao thông vẫn kẹt cứng. Du lịch nước ngoài lấn át du lịch trong nước vì giá cả và chất lượng dịch vụ. Du lịch Việt Nam tụt hậu vì quản lý chồng chéo, thiếu liên kết thực sự….
Có sự kém hơn đáng mừng là mức tiêu thụ rượu bia giảm mạnh, kéo theo nhiều hệ lụy từ rượu bia cũng giảm theo. Ngân sách thâm hụt vì doanh thu rượu bia nhưng bù lại, lợi gấp mấy lần vì tai nạn giao thông, đánh nhau và nhiều hệ quả tai hại có nguyên nhân từ ma men giảm mạnh.
Linh vật rồng năm nay đình đám hơn hẳn những năm trước. Địa phương nào cũng sẵn sàng chi đẹp để rồng nhà mình hoành tráng, độc đáo hơn. Chuyện này hình như chỉ có ở Việt Nam. Các nươc, họ quan tâm hơn đến những vấn đề thiết thực về an sinh xã hội.
Hai thứ hơn năm ngoái rất đáng lo là rác và hoa giả. Có rác vật thể từ cuộc sống, tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm, như hoa độc của đời, năm sau luôn hơn năm trước. Có rác từ thực phẩm, hàng ngày tuồn vào cơ thể từng người, ngày càng lậm và chưa có thuốc đặc trị. Có rác tinh thần, nhiều nhất là trên mạng xã hội với những tác hại khôn lường. Có người bi quan bảo người Việt thích xả rác, khoái nhập rác vào cơ thể, mê nhập và xả rác trên mạng?
Rác là chuyện dài nhiều tập, sẽ bàn sâu hơn vào dịp khác. Tôi muốn nói tới nạn hoa giả. Hoa giả không có tội. Thiên hạ dùng hoa giả vì không có hoa thật. Đằng này hoa thật có thừa, ế lền khên nhưng hoa giả ngày càng sản sinh vô tính. Dạo một vòng đường phố Sài Gòn, thấy hoa Xuân khoe sắc đủ loại, đủ màu, đủ hương chứ không vô hồn như hoa mai giả vàng khè, hoa đào giả thắm dối ở mấy trục đường trung tâm.
Khi về Đồng Tháp tư vấn du lịch, chúng tôi đến từng huyện thị khảo sát. Hai ngày rong ruổi làng hoa kiểng Tân Qui Đông và thành phố Sa Đéc, tôi đã nói thẳng với chủ tịch Sa Đéc lúc đó (2017) Võ Thanh Tùng : “Các anh không làm du lịch được. Thủ phủ hoa kiểng Sa Đéc hơn 600 hecta, gần 2.000 loài hoa kiểng đủ loại; cung cấp cho cả nước. Vậy mà, trong hội trường Ủy ban thành phố hôm nay, toàn hoa giả, làm du lịch thế nào được”.
Cả Hội đồng Nhân dân thành phố Sa Đéc hôm đó sững người. Chủ tịch chỉ đạo luôn “Bắt đầu từ ngày mai, cấm các cơ quan, đoàn thể ở Sa Đéc dùng hoa giả”. Tôi qua Bhutan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vì khí thải âm, không tìm đâu ra một cành hoa giả. Họ thường chưng cả chậu, không cắt cành vì sợ hoa đau. Không có hoa thì họ chưng dây leo, cỏ, bụi; tuyệt đối không dùng hoa giả.
Bạn hướng dẫn viên du lịch ở Bhutan (tôi không nhớ tên) nói với tôi “Ở Bhutan, mọi thứ đều chân thật, thuận thiên, từ cỏ cây đến con người. Nếu bạn dùng bất thứ gì giả, mọi người sẽ nghi ngờ những việc khác của bạn, dù là việc thật”. Tôi có anh bạn hưu trí cực đoan, từ chối dự họp mặt truyền thống cuối năm vì địa điểm tổ chức tràn ngập hoa giả.
Hoa giả đang thừa thắng xông lên, tràn vào cả nhà thờ, chùa, cơ quan quản lý, văn hóa, du lịch…và trở thành hoa “bất tử” vì dùng được nhiều năm, không cần chăm sóc. Có người đổ tại hoa thật không niêm yết giá nên người mua ngần ngại. Tôi cho rằng đó không phải là lý do chính. Niêm yết giá là cần thiết, nhưng có những loại hoa chất lượng khác nhau, số lượng cũng chênh lệch.
Tôi đắng lòng khi ghé điểm bán mai dọc đường, anh Thành, dân bán mai ở Bến Tre tâm sự “Ế lắm chú ơi, giờ người ta toàn dùng mai giả. Cả ngày nay chưa bán được gốc nào. Chắc năm sau bỏ nghề quá”. Tôi là dân Hai Lúa, làm gì cũng mê sự chân thực, tự nhiên và thuận thiên. Điều ngạc nhiên là nhiều người, nhất là cánh phụ nữ, rất khoái check in và selfie với hoa giả vì màu sắc rực rỡ hơn. Không hiểu sao, nhìn hoa giả lộng hành là tôi hoa mắt, chóng mặt, dị ứng toàn tập.
Hoa giả ở Sài Gòn đang xô ngã hoa thật. Rực rỡ giả, dân Sài Gòn thứ thiệt không cần. Chụp hình với hoa giả cũng giống như chup hình với ma-nơ-canh, đẹp mấy cũng vô hồn, vô cảm. Người thật ai lai đi chụp với hoa giả? Hay là vì mình cũng toàn đồ giả nên lậm luôn thành văn hóa ??? Năm nay tôi chọn cặp chậu mạ non nhỏ (20.000 đồng/ chậu) và cặp bông lúa trĩu cành chưng tết (80.000 đồng chậu).
Người bán thấy tôi làm shipper nên giảm chút đỉnh. Tôi cám ơn và xin gởi đủ tiền vì giá như vậy là mềm so với công sức bỏ ra của nông dân. Hình như, lần đầu được lên phố, cây lúa cũng rộn ràng trong nắng chiều, tíu tít đùa vui với gió. Mang cây lúa về nhà, hàng xóm khen lạ. Tôi vẫn là dân Hai Lúa, dù xa quê và ly nông đã 50 năm tròn.
Nhìn cây mạ non, nhớ câu đố mẹ dạy năm xưa “Khi còn bé, đã làm mẹ (mạ), không đẻ được con, Đến khi lớn khôn, không còn là mẹ, lại đẻ nhiều con”. Ngắm bông lúa, nhớ bài thơ Yên Thao, học thuộc lòng từ lớp đệ ngũ ở trường Chính Tâm, Phan Thiết “…Tôi có người vợ trẻ đẹp như Thơ. Tuổi mới đôi mươi cưới bữa dâng cờ. Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín…”
Bông lúa nhắc tôi về gốc gác cội nguồn của mình, nhắc món nợ với bà con nông dân về du lịch nông nghiệp lâu nay bị quên lãng. Bông lúa có trên quốc huy, nếu được quyền, tôi sẽ chọn bông lúa là quốc hoa Việt Nam. Năm nay, xuất khẩu nông sản bội thu. Hy vong năm tới, bà con nông dân bớt khổ và nạn hoa giả giảm bớt, chưa dám mơ thay thế toàn bộ bằng hoa thật.
23 giờ 00 ngày 27 Tết, chỉ còn 48 giờ là đến giao thừa nhưng hoa và trái cây Tết vẫn tràn ngập đường phố. Người bán như ngồi trên lửa. Hàng ế, cầm chắc lỗ, làm sao có Tết vui? Có cách gì giúp người làm vườn, ít nhất là dịp Tết. Các cơ quan và mạnh thường quân có thể giúp bà con cắt lỗ phần nào hay phần đó, bằng cách mua mão số hoa bán không hết, đem trang trí, làm đường hoa, hẽm hoa, văn phòng hoa…
Vừa giúp người làm vườn có Tết, vừa làm đẹp thêm Sài Gòn hào hiệp, nghĩa tình.
NGUYỄN VĂN MỸ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.