“Đó là ngày mà Trung Quốc nổ súng xâm lược Việt Nam 45 năm trước”, tôi trả lời vỏn vẹn khi sáng nay, cậu bé hàng xóm có hỏi tôi về ngày này. Cậu bé 15 tuổi, người mà tôi thường chỉ cho cậu về cầu lông, khi thấy tôi xem một số bức ảnh lịch sử với những gì xảy ra ở Cao Bằng tròn 45 năm trước.
“Chú cũng sinh năm ấy, đó cũng là một trong những lý do để chú nhớ”. Rồi tôi kể cho cậu về cuộc chiến, về việc tại sao nó lại xảy ra và tại sao trong một thời gian dài, sự kiện này chìm trong im lặng.
Bốn năm trước, trong một đợt công tác ở khu vực biên giới, tôi dậy rất sớm đi một vòng. Tôi chạy xe thật chậm, mở radio nghe chương trình buổi sáng. Thật bất ngờ, chương trình kể về cuộc chiến với những câu chuyện của hẹn ước, của những chàng trai sẵn sàng rời Hà Nội lên đường chiến đấu.
Người dẫn chương trình nhấn mạnh khi kết chương trình: “Dù mối quan hệ của hai nước đã trở nên tốt đẹp nhưng chúng ta không vì những điều hữu hảo láng giềng mà quên lãng cuộc chiến tranh này”. Tôi thực sự ngạc nhiên vì lần đầu tiên sau bao năm, tôi thấy truyền thông mạnh dạn như thế.
********
Là một phóng viên hậu chiến trong nhiều năm, tôi không xa lạ với Vị Xuyên. Với những người lính còn nằm đó trong sương lạnh biên cương mà bao nhiêu năm trời, giọt nước mắt cho họ là nước mắt lặng thầm của người thân hoặc sương tháng Ba vương trên những bông hoa Mộc Miên rụng đỏ trong cái lạnh cuối xuân nơi họ còn nằm đâu đó.
Trong tất cả những điều không thể quên, thì máu của bất kỳ ai ngã xuống cho chúng ta và vì chúng ta, là điều hàng đầu phải nhớ.
45 năm rồi, quãng thời gian đủ dài để mọi hận thù lắng xuống. Chúng ta sẽ không nói về thù hận hay khơi gợi nỗi thù hận. Chúng ta tập tha thứ nhưng quên thì không. Không nhất thiết phải tượng đài trăm tỉ hay nghìn tỉ bằng tiền mồ hôi của người dân. Chỉ một góc nhỏ tưởng nhớ trong lòng mình để rồi thời gian trôi đi, cứ đến ngày này ta phải biết đó là ngày gì và bao người ngã xuống, cũng là một niềm an ủi cho những mất mát đau thương của tiền nhân.
Những năm trước, báo chí thi thoảng nhắc. Mạng xã hội có những thời điểm nhuộm tím sắc hoa sim biên giới bên dòng chữ 17-2, những năm tháng không quên. Năm nay thì im lặng hơn. Trên mạng xã hội vắng hẳn những bông sim tím, thay vào đó những hình ảnh ăn chơi nhảy múa, du xuân lễ hội hay cãi nhau về phim Trấn Thành. Con người hôm nay đơn giản thật.
********
Truyền thông ít khi gọi tên cuộc chiến là “Cuộc chiến tranh xâm lược”. Những cụm từ chung chung được nói: “Chiến tranh biên giới” hay “sự kiện biên giới phía Bắc 1979”.
Báo chí viết nhạt dần. Họ chuyển sang đề tài mới có tính thế hệ, và vẫn có nhắc, nhưng nhắc theo kiểu quên dần và có thể dấu về gió xóa theo thời gian.
Báo điện tử VnExpress hôm qua có đăng bài “Những người lính trẻ vạch đất tìm mìn ở biên giới Việt Trung”, nói về công việc của những công binh trẻ tuổi đôi mươi không ngại hiểm nguy xử lý ổ mìn xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) trên 150 hecta đất. Những người lính này sinh ra trong hòa bình và biết đến cuộc chiến tranh xâm lược này qua sách vở.
Một bài báo bình thường, nhưng kết lại làm tôi suy nghĩ, bằng lời của một chiến sĩ: “Giờ mình rà phá bom mìn, sau này lớp con cháu có vào bộ đội cũng không phải làm những việc này nữa”.
“Không phải làm những việc này nữa” thôi nhưng chắc chắn sẽ không được quên lãng. Vì đó là lịch sử và trên hết, là máu xương của cha ông còn mãi đó!
HOÀNG NGUYÊN VŨ 17.02.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.