Tin Moody‘s tuyên bố hạ chỉ số uy tín tín dụng của Trung Quốc khiến tôi viết bài này. Dù vẫn xếp các khoản vay nhà nước của Trung Quốc ở mức A1, nhưng Moosdy‘s hạ triển vong của nó từ "Ổn định“ (Stable) xuống mức "Âm tính“ (Negative, có người còn dịch là tiêu cực). [1]
Moody‘s là công ty xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới, cùng với S&P và Fitch. Chỉ số tín dụng do các công ty này đưa ra có tính chất dẫn đường cho mọi tổ chức tiền tệ và các nhà đầu tư khi cho vay tiền. Ai xếp hàng đầu AAA sẽ được vay với lãi suất rất thấp, ngược lại ai bị xếp hạng BBB hoăc C, D thì sẽ chịu lãi suất càng cao do các rủi ro tiềm ẩn. Tất cả các nền kinh tế đều dựa vào thước đo này để nhìn nhận tình trạng của mình và đối tác. [2]
Cách đây ít lâu, Moody's cũng đánh giá Mỹ AAA nhưng hạ triển vọng từ Stable xuống Negativ. Nước Đức thời kỳ Covid từng bị Fitch hạ từ AAA xuống AA+. Mọi chính phủ đều tôn trọng thước đo này, từ đó có biện pháp chấn chỉnh nền kinh tế.
Riêng Bắc Kinh thì lại phản ứng tiêu cực về vụ bị hạ điểm. Họ tuyên bố thất vọng về đánh giá của Moosdy‘s. Điều này cho thấy lãnh đạo Trung Quốc vẫn luôn nhầm lẫn giữa chính trị với kinh tế, thị trường (cũng giống như Việt Nam xin các nước công nhận mình là nền kinh tế thị trường).
Điều đáng nói ở phản ứng này là: Trung Quốc phải hoảng sợ trước nhận định của một nhóm các nhà kinh tế độc lập.
Suốt một thời kỳ dài, Trung Quốc luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Đang từ một xứ gia công rẻ tiền tiến dần thành một nhà cung cấp Hi-Tech, đang từ con nợ thành chủ nợ và người ta luôn nói đến việc thay thế Mỹ đứng đầu thế giới.
Hơn thế nữa, nhân lúc nước Mỹ đang trải qua những khủng hoảng về lòng tin, EU đang chia rẽ, Trung Quốc nổi lên như một mô hình mới: Chủ nghĩa Tư bản độc tài thay vì Chủ nghĩa Tư bản tự do. Nhìn vào nước Mỹ hỗn loạn với những cáo buộc gian lận như một nước cộng hòa chuối, với những trò hề ở Hạ viện, nhiều nước nghèo dễ chấp nhận mô hình phát triển bị bóp nghẹt nhưng "ngăn nắp“ kiểu Trung Quốc. Con đường tơ lụa tưởng như cứ vươn dài mãi.
Đánh giá của Moody’s cho thấy kẻ khổng lồ đang loạng choạng. Thật ra Trung Quốc bắt đầu loạng choạng từ đầu 2020, khi dịch Covid 19 khiến quốc gia 1,4 tỉ dân này bị tê liệt. Số người chết là bao nhiêu sẽ không bao giờ được tiết lộ, cũng như nguồn gốc virus. Thành công duy nhất của chính sách "Y tế lồng thép“ là không xảy ra hỗn loạn.
Còn lại là một đống vấn nạn xã hội cho người nghèo, cho giới kinh doanh (Tỉ lệ thất nghiệp giới trẻ hiện nay theo con số được làm đẹp của cơn quan thống kê Trung Quốc là 21,3 %). Điều nguy hiểm nhất là nền y tế đã bộc lộ nó không đủ tầm của một siêu cường. Giờ đây nó lại còn cho thấy không chặn được những biến chứng bí hiểm như nạn viêm phổi hiện nay. Kinh tế Trung Quốc sẽ chết nghẻo nếu cái lồng sắt úp lại lần nữa.
Tưởng rằng khoảng cách công nghệ của Trung Quốc với phương tây đang rút ngắn lại nhanh chóng, nhưng việc Mỹ và đồng minh quyết tâm chặn đứng rò rỉ công nghệ chip sang Trung Quốc đã cho thấy khoảng cách này còn khá dài và kẻ theo đuổi luôn hụt hơi. Vũ khí lợi hại nhất của Trung Quốc là đất hiếm. Nhưng trước việc Trung Quốc giảm xuất khẩu đất hiếm đang khiến thiên hạ tìm đến các nguồn khác, trong đó có Việt Nam. Bốn năm trước tôi viết bài "Chân đất sét, đầu đất hiếm“ để nói về con dao hai lưỡi khi dùng tài nguyên để rút ngắn khoảng cách.
Chủ nghĩa Tư bản độc tài Trung Quốc (hay còn gọi là chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc) từng khiến nhiều dự báo khủng hoảng của phương tây đổ bể. Đó là nhờ sự can thiệp của nhà nước vào các tập đoàn kinh tế lớn. Không có quốc hội, không có đối lập, tiền thuế của dân dễ được đổ vào một công ty nào đó nhằm bóp méo sự cạnh tranh với phương tây hoặc chặn đứng sự sụp đổ. Nhưng càng hội nhập vào nền kinh tế, vào thị trường tài chính thế giới thì sự can thiệp này ngày càng khó khăn.
Moosdy’s đã cảnh cáo chính phủ Trung Quốc nếu bơm tiền vào cứu các tập đoàn bất động sản Evergrande và Country Garden thì chỉ số tín dụng sẽ bị tụt hạng nữa. (riêng Evergrande đang nợ 300 tỉ EUR, bẳng 80 % GDP của Việt Nam). Ở Trung Quốc, số nhà bỏ trống trong các thành phố ma có thể đủ cung cấp cho hàng trăm triệu dân, trong khi số nợ xấu lên đến hàng ngàn tỉ USD.
Cứu hay không cứu đang là cái "dilema“ của Tập Cận Bình, người luôn đặt vấn đề ý thức hệ lên trên kinh tế học. Và đây chính là vật cản cho kinh tế Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư phương tây đang rút khỏi nước này vì không muốn phụ thuộc vào một nền kinh tế không minh bạch, nhưng cũng vì lo ngại sự bất định trong chính sách của Tập, khi ông này tìm cách đẩy nhiều phần tử kỹ trị ra khỏi trung tâm quyền lực. Cái chết của cựu thủ tướng Lý Khắc Cường và sự ra đi kỳ quặc của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng làm cho người ta nghĩ đến một chế độ mafia hơn là một siêu cường đang trên đường thống trị thế giới.
Những việc này cũng khiến cho “Con đường tơ lụa“ trở nên kém hấp dẫn. Diễn đàn Belt and Road 2023 chỉ còn có 21 nước tham gia, trong khi 2017 từng có 30 nguyên thủ đến dự. Hôm qua chính phủ Ý tuyên bố rút ra khỏi dự án này.
Giới doanh nhân Trung Quốc cho rằng họ đang tiến trên con đường trở thành đầu tàu thế giới, nhưng ông Tập đã làm hỏng tất cả. Biểu đồ tăng trưởng 3-4 % mà nhà nước công bố giờ đây được giới kinh doanh coi là con số được photoshop. Thêm vào đó các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông khiến cho nhu cầu nhập khẩu hàng Trung Quốc giảm sút đáng kể. Tháng 10 vừa qua xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm đi 8 % so với năm ngoái.
Tập đang tìm cách lèo lái chống lại các mâu thuẫn này. Một mặt khép kín xã hội trước mọi ảnh hưởng bên ngoài, liên minh với những chế độ thù địch với phương tây như Nga hoặc Iran. Điều này chỉ khiến dòng tư bản đổ vào Trung Quốc bị chặn lại.
Để tháo cái cổ chai này mới đây Trung Quốc cải cách quy định du lịch. Theo đó công dân 6 nước tư bản, trong đó có Đức được phép nhập cảnh miễn thị thực vào Trung Quốc trong vòng 15 ngày.
Đối với một thể chế khép kín thì đây là một bước tiến đáng kể với nhiều rủi ro. Mặc dù Trung Quốc là một nhà nước cảnh sát đến tận răng, mọi ngõ ngách đều bị kiểm soát bằng camera, nhưng nếu dòng người nước ngoài đổ vào ồ ạt thì sẽ không ai kiểm soát nổi mọi tiếp xúc giữa người dân với du khách. Với mức sống ngày càng nâng cao và được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác, người dân sẽ ít bằng lòng hơn với những gì đang có.
Kể ra không hết những dilema mà Tập đang mắc phải: Chiến tranh với Đài Loan, tranh chấp ở Biển Đông, thái độ với cuộc chiến tranh của Putin, chiến tranh thương mại với Mỹ….
Đó là những cái vòng luẩn quẩn khiến kẻ khổng lồ đang phải đi những bước loạng choạng.
THỌ NGUYỄN 08.12.2023
[1] Moody's puts China on downgrade warning as growth, property pressures mount
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.