Chè là thức uống lâu đời ở nhiều quốc gia, nhất là những nước châu Á, trong đó có Việt Nam ta. Miền Bắc gọi là chè, miền Nam gọi trà, cũng do thói quen thôi, chứ đều chỉ một.
Tuy nhiên, cách của miền Nam hợp lý hơn bởi phân biệt trà là thức uống, chè thức ăn. Năm 1977, hồi tôi mới vào Nam, tối pha ấm chè móc câu rủ mấy thầy người nam “tới uống chè”, gọi là làm cuộc ra mắt, thầy Trần Mạnh Hảo dạy toán cười bảo chè thì ăn chứ uống gì mà uống.
Uống chè đủ trăm phương nghìn cách.
Với người bình dân, chỉ cần cái ca sắt tráng men cũ kỹ và siêu nước sôi là có “bình” trà ngon cùng nhau khề khà ven đường trong một sáng mùa đông rét mướt. Tầng lớp trên thì cứ phải bày vẽ này nọ, thậm chí chè đã pha rồi còn mời mọc nhau mỏi mồm. Cung cách trang trọng như đang uống thuốc tiên trường sinh bất tử, ngồi nơi bàn cao ghế đẹp. Thậm chí phải có cây trúc cây tre uốn cong queo làm cảnh chả ăn nhập gì với chè, chẳng như bác thi sĩ Nguyễn Duy đúc kết “Nòi tre đâu chịu mọc cong/Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”.
Uống như thế không phải uống chè, không thẩm được cái ngon của nó, mà làm màu, diễn là chính. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo, chẳng thà uống Coca cho gọn.
Người Nhật so với người nhiều nước nghiện trà đã nâng uống chè/trà lên thành nghệ thuật, thành văn hóa, đặc trưng ẩm thực của nước này, được gọi là trà đạo. Cầu kỳ lắm. Đợi được hớp chè của họ cũng chả khác gì chuyện chúa Trịnh xơi món mầm đá.
Tôi có ông bạn giáo sư (giáo sư thật chứ không phải giả như hằng hà sa số giáo sư ở nước này) từng đi Nhật xoành xoạch, bọn nó mời uống chè theo kiểu trà đạo liền xì bốc. Có lần tôi ngậm ngùi hỏi (bởi mình chả được uống kiểu thế bao giờ) uống chè “trà đạo” Nhật có ngon không. Y cười phì phì, cũng đ*o hơn gì chè chén vỉa hè Hà thành, nhưng được cái tha hồ ngắm bọn trà nương, đứa nào cũng đẹp, yểu điệu như tiên nga giáng trần, da trắng bóc, mặc bikini, quên, kimono tha thướt. Tôi bảo lão, thế thì uống gái chứ đếch phải uống trà.
Lúc tôi đang gõ mấy chữ mấy dòng này, y đang ở Hà Nội. Hỏi có rét không, y cười năm nay đã giữa tháng 12 tây mà vẫn nóng bỏ mẹ. Ừ, Sài Gòn cũng vậy, mọi năm cứ trước Giáng sinh một tuần là se se, nhưng Giáng sinh 2023 vẫn toát mồ hôi. Các chị có vào nhà thờ dự lễ nhớ đem theo cái quạt.
Lại nhớ đúng nửa thế kỷ trước, mùa đông năm 1973, mấy thằng học trò nghèo mặt mũi vêu vao, người gầy gò tinh xương là xương, da thịt lặn đâu mất cả, tụ nhau trong cái quán lá của bà u cô Xuyến nép cổng sau trường ngoại ngữ Thanh Xuân uống chè móc câu loại… 3, chỉ 5 xu một chén, trong gió rét kinh người. Có lần năm 1976 cô Xuyến con bà u còn lấy ra khoe một tá coóc sê đủ màu mới nhờ người mua từ miền Nam giải phóng, hỏi đẹp không đẹp không. Bà bô cười, mấy anh đứa nào rước được nó thì tôi cho không đấy, suốt ngày chỉ vú mới chả vê.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 14.12.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.