mercredi 13 décembre 2023

Lê Học Lãnh Vân - Về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

 

Về sự kiện ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, bài trên báo Tuổi Trẻ có tựa “Việt Nam - Trung Quốc đạt dấu mốc lịch sử mới”. (Tuổi Trẻ Online, ngày 13/12/2023). Các đoạn trong ngoặc kép dưới đây được trích từ bài đó.

Tôi nghĩ một trong những dấu mốc nên là không còn bất kỳ dạng xung đột biên giới Việt-Hoa nào, vì biết chắc chắn rằng đại đại đa số người Việt không muốn Việt Nam xích mích với Trung Quốc.

Nói không muốn xích mích bởi vì lịch sử đã có quá nhiều lần chiến tranh giữa hai nước, và người Việt thì muốn nước mình được hòa bình lâu bền với Trung Quốc.

“Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã thể hiện tình cảm đặc biệt của ông đối với truyền thống hữu nghị, tầm vóc quan hệ song phương hiện nay cũng như triển vọng tốt đẹp trong thời gian tới của quan hệ hai nước”. Tôi vui mừng nghe những lời nói đó, mong rằng đó không chỉ là phát biểu ngoại giao. Trung Quốc là nước lớn so với Việt Nam, nếu thực sự muốn hòa bình hữu hảo với Việt Nam thì Trung Quốc dễ dàng thực hiện ý muốn của ông Tập Cận Bình!

“Hai bên nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Với tầm nhìn của một người dân Việt bình thường, tôi mong được hiểu rõ hơn nội hàm của “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc” và mong người Việt có dịp bày tỏ ý kiến của mình về một nội dung quá quan trọng như vậy. Nếu có một cuộc thăm dò ý dân thì càng tốt hơn nữa!  

“Bà Ngô Thị Mận (phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) và giáo sư Bành Lệ Viên (phu nhân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình) đã đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”. Bà Bành Lệ Viên là đại sứ thiện chí Tổ chức Y tế thế giới về phòng chống bệnh lao và HIV/AIDS, đại sứ đặc biệt của UNESCO về giáo dục phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, tôi hy vọng bà có tiếng nói và hành động bảo vệ phụ nữ, trẻ em thế giới, trong đó có phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Để họ không còn chịu những đau khổ thảm khốc nhất trần gian như những gì họ đã phải trải qua trong những cuộc chiến tranh vượt biên giới tàn nhẫn!

Hai dân tộc Việt và Hoa có thâm tình trải ngàn năm. Rất nhiều người Việt là hậu duệ của di dân người Hoa. Dân Việt Miền Nam có thể xem như là hậu duệ của lớp người Hoa Minh Hương, tức người Hoa không chấp nhận sự thống trị của nhà Thanh, với người Việt Ngũ Quảng, cùng với người Khmer, người Chăm, Pháp, Thái, Ấn… Khoảng năm 1949, 1950, Việt Nam lại là đất của nhiều người Hoa rời Trung Hoa khi đội quân ông Mao Trạch Đông chiếm đại lục. Như vậy có thể xem Việt Nam luôn bao dung đón nhận những di dân Trung Hoa không chấp nhận sự thống trị của những triều đại hay thể chế họ không ưa!

Những người Hoa di dân tới Việt Nam thời ấy với thiện chí cùng người tại chỗ dựng xây một vùng đất lành giàu mạnh, no ấm. Người Việt luôn nhớ công lao của những người di dân này, xem họ là bậc tiên hiền cùng mở cõi. Các địa danh, cầu đường mang tên ông Bang này, ông Bang nọ cho thấy lòng biết ơn đó. Các tỉnh thành trù phú của Miền Nam được khởi dựng với sự góp sức đặc biệt của người Hoa, Hà Tiên gắn với dòng họ Mạc, Biên Hòa với tên Trần Thượng Xuyên, Mỹ Tho với tên Dương Ngạn Địch, Sài Gòn với bao lớp người Hoa mà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương là một khuôn mặt tiêu biểu.

Nhớ người mở cõi, người Việt cũng nhớ công lao của những người giữ cõi như vua Ngô Quyền, các vị tướng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, vua Lê Lợi, vua Quang Trung…

Nhớ xưa, các bậc túc Nho Nghiêm Toản, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Hãn yêu quý nền văn minh xưa, nền văn học cổ Trung Quốc, yêu quý tình cảm anh em thật lòng giữa hai dân tộc Việt-Hoa và cùng lúc giữ tinh thần độc lập quốc gia rất cao. Xin học theo các cụ!

LÊ HỌC LÃNH VÂN 13.12.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.