mardi 8 août 2023

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 08/08/2023

 

1. Liên quan đến chiến sự

• Đánh giá của người Mỹ về diễn biến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine:

- Trong ngày 05/08, các lực lượng Ukraine đang tiếp tục thiết lập các điều kiện cho các hoạt động quyết định trong tương lai, thông qua một chiến dịch ngăn chặn như họ đã làm trước và trong các hoạt động phản công ở các tỉnh Kharkiv và Kherson vào năm 2022. Giờ đây tấn công sâu hơn nhiều vào các khu vực hậu phương của Nga và kết hợp các mục tiêu trên biển. Các lực lượng Ukraine tiếp tục lôi kéo các lực lượng Nga đến khu vực Bakhmut và cố định họ ở đó mặc dù nhịp độ hoạt động của Ukraine ở đó chậm hơn.

- Sang ngày 06/08, các lực lượng Ukraine tiếp tục các hoạt động phản công trên ít nhất hai khu vực của mặt trận. Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo rằng các lực lượng Ukraine đã tiến hành các hoạt động tấn công ở Berdyansk (phía tây Donetsk, khu vực phía đông tỉnh Zaporizhia) và hướng Melitopol (phía tây tỉnh Zaporizhia). Bộ Quốc phòng và các nguồn khác của Nga tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã đẩy lùi các hoạt động tấn công của Ukraine gần Bakhmut.

• Các nhận định của ISW:

- Các lực lượng Nga đã tiến hành một trong những loạt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái lớn nhất vào Ukraine trong những tháng gần đây vào đêm ngày 6 tháng 8. Một số blogger Nga tuyên bố rằng người Nga đã nhắm mục tiêu vào sân bay Starokostyantyniv vì đó là nơi lực lượng Ukraine cất giữ các tên lửa do nước ngoài cung cấp, bao gồm cả tên lửa hành trình Storm Shadow.

- ISW đã không quan sát thấy bất kỳ bằng chứng nào để xác nhận những tuyên bố này. Tuy nhiên, việc các blogger tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã nhắm mục tiêu cụ thể vào một khu vực nơi các lực lượng Ukraine bị cáo buộc cất giữ và phóng tên lửa Storm Shadow cho thấy các lực lượng Nga ngày càng lo ngại về chiến dịch ngăn chặn của Ukraine

- Các lực lượng Ukraine đã tấn công hai cây cầu đường bộ quan trọng dọc theo các tuyến liên lạc trọng yếu của Nga (nối Crimea bị chiếm đóng và tỉnh Kherson bị chiếm đóng vào ngày 6 tháng 8, khiến các lực lượng Nga phải định tuyến lại giao thông đường bộ từ các tuyến đường phía đông ngắn hơn sang các tuyến đường phía tây dài hơn. (Xem bản đồ).

Mục bình loạn tui xin phép để đến cuối cùng viết một thể.

2. Tại sao sau khi bị cấm vận và trừng phạt, nền kinh tế Nga không những không sụp đổ mà nó còn được tung hô trên báo chí một số nước là… tăng trưởng và “càng cấm vận Nga càng mạnh?”. Tui nhận được đề nghị viết về vấn đề này từ tuần trước và trả lời: “Tại hạ mù tịt về kinh tế.” Ngẫm nghĩ thế nào, hôm nay xin đánh liều thử một cái xem.

Không ai bên ngoài nước Nga chấp nhận hoặc muốn đồng rúp. Bên ngoài nước Nga, chúng vô giá trị. Vậy trên tiêu chuẩn nào mà báo chí Việt Nam có thể nói rằng đồng rúp và rộng hơn, kinh tế Nga trở nên “mạnh mẽ hơn?” Giai đoạn đầu của chiến tranh, đúng là có những lúc giá của đồng rúp rơi thảm hại – khoảng 120 rúp đổi một đô-la – đó là tỉ giá chính thức. Trước ngày 24 tháng Hai năm 2022 đã có 900 tỉ rúp tương đương khoảng 13 tỉ đô-la Mỹ ở nước ngoài dưới dạng chứng khoán hoặc tiền gửi bằng đồng rúp thực tế. Có những thông tin cho rằng, những người “cầm đồng rúp” ở phương Tây đã bán phá giá toàn bộ 13 tỉ đô-la hay 900 tỉ rúp này – không rõ có ý định gây ra sự sụp đổ lớn của đồng rúp và tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga hay không.

Sự lao dốc của tỉ giá chính thức rúp – đô-la Mỹ nhanh chóng dừng lại, thậm chí nó còn quay đầu về mức 70.

Đầu tiên phải nói rằng, khi các lệnh cấm vận và trừng phạt được áp dụng, thì Putox đã thi hành ba hành động chiến lược:

Thứ nhất, hắn ta yêu cầu tăng lãi suất ngắn hạn lên 20%. Điều đó đã giúp ích khi một lượng lớn đồng rúp được đưa vào hệ thống Ngân hàng, làm giảm nguồn cung và sau đó làm cho đồng rúp trở nên có giá trị hơn.

Thứ hai, hắn ta ra một quy tắc trong đó tất cả các Công ty ở Nga phải đảm bảo 80% tất cả các khoản thanh toán nước ngoài bắt buộc phải bằng đồng rúp Nga. Kết quả là  các công ty ở Nga phải mua đồng rúp từ Ngân hàng Trung ương Nga, và điều này đã giúp đồng rúp có được nhu cầu đối với nó.

Thứ ba, hắn ta tuyên bố rằng Nga sẽ chỉ nhận thanh toán cho khí đốt bằng rúp. Giờ đây, trong khi các chính phủ G7 tiếp tục nói những điều vô nghĩa như các chính trị gia vẫn làm, thì các doanh nhân nôm na là các nhà máy lọc dầu, nhà phân phối khí đốt... phải giả định trường hợp xấu nhất và chuẩn bị sẵn sàng, vì vậy họ đã mua chung khoảng 160 tỉ rúp chỉ trong 4 ngày (Khoảng 1,53 tỉ euro). Nếu họ thực sự phải thanh toán cho Gas bằng rúp – họ sẽ cần khoảng 1,5 nghìn tỉ Rúp. Việc này như vậy cũng khiến tỉ giá rúp tăng lên.

Bằng các chiêu này đồng rúp đã tăng giá từ 141 rúp một đô-la vào ngày 7 tháng 3 năm 2022 lên 93 rúp một đô-la vào ngày 28 tháng 3 năm 2022.

Trong khi đó – nói một cách chính xác thì tại sao đồng rúp vẫn đang bị cho là giảm giá trị? Trên đây là ba biện pháp tức thời được Putox tiến hành và nó có tác dụng, nhưng từ đó đến nay, nó không được giao dịch trên bất kỳ Sàn giao dịch quốc tế nào. Không có quốc gia lớn nào tiếp tục mang rúp đi dự trữ (vấn đề này tí ta nói tiếp).

Nếu chúng ta chỉ nói về tỉ giá hối đoái, thì có hai lỗ hổng lớn trong lập luận này. Putox và Ngân hàng Trung ương Nga đã loại bỏ đồng rúp khỏi các sàn giao dịch tiền tệ thả nổi và cố định giá trị của nó ở mức cao giả tạo. Đó là một tỉ giá hối đoái giả, chúng ta không thể trao đổi rúp vì thực tế là làm gì có ai muốn có nó.

Nếu chúng ta muốn biết thị trường tự do định giá đồng rúp như thế nào, cần phải nhìn vào thị trường chợ đen ở Nga. Tui đã nghe nói, nhưng không có cách nào xác minh được rằng tỉ giá trên thị trường chợ đen hiện tại có lúc lên tới 300 rúp đổi một USD, còn hai trăm mấy là bình thường. Như vậy mức giảm đó có thể tới 25% so với giá trị của nó trước cuộc xâm lược. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết tài chính.

Bây giờ chúng ta quay lại với vấn đề là, có ai tăng cường dự trữ ngoại tệ của mình bằng rúp hay không? Ví dụ, Ấn Độ đã ký một số hợp đồng mua khí đốt trong tương lai với mức chiết khấu không nhỏ, nhiều khả năng họ đã trả một khoản kha khá trong giá trị hợp đồng bằng đồng rúp. Vì vậy nếu từ bây giờ trở đi, Ấn Độ nếu có mua thêm cái gì thì cũng dựa trên số rúp hiện có trong kho. Có một “thằng” khác cũng ở tình thế tương tự - đồng chí Tập.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang mua xăng bằng đồng rúp. Các doanh nhân khác cũng đang tranh thủ mua vàng bằng đồng rúp. Lại có những ông mua niken bằng đồng rúp. Trung Quốc có rất nhiều rúp dự trữ.

Trung Quốc là nước có dự trữ đồng rúp lớn nhất bên ngoài Nga (55,1 tỉ đô-la hoặc nói cách khác, khoảng 1,5% dự trữ ngoại hối). Khi bắt đầu chiến tranh, phương Tây đã hy vọng Trung Quốc cũng sẽ hoảng loạn bán tháo rúp trong kho dự trữ của họ, điều này có thể sẽ khiến đồng rúp thêm đà lao dốc. Tiếc thay, Trung Quốc đã không mắc bẫy và thay vào đó, họ giữ đồng rúp của họ và thậm chí tăng biên độ giá giữa nhân dân tệ và rúp lên 10% thay vì 5% để ngăn chặn tình trạng hoảng loạn bán tháo đồng rúp trên thị trường.

Đây chính là cách mà cả Ấn Độ và Trung Quốc, nhất là Trung Quốc thủ lợi trong hoàn cảnh các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga, biến nền kinh tế nước này ngày càng trở thành nền kinh tế tự cấp tự túc, đóng cửa và khép kín. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga mang tính “thủ lợi lớn” không chỉ ở dầu và khí đốt, hai cái đó mua mãi cũng ứ đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái.

Rúp nếu ra bên ngoài là giấy lộn, nhưng với chính sách của Putox, thì Trung Quốc có thể dùng giấy lộn để mua những tài sản rất quý giá của Nga, nhất là khoáng sản quý hiếm, thậm chí cả kho vàng dự trữ của Nga họ cũng không tha. Ngược lại, khi mua được nguyên vật liệu giá rẻ (so với mua bằng đô-la Mỹ thì thật là quá lợi!) thì họ lại tăng cường sản xuất cho ra những hàng hóa Nga không sản xuất được và đang rất cần – xe tải chẳng hạn.

Nôm na, quá trình hút máu này là cực kỳ khủng khiếp. Trung Quốc sẽ giữ kho rúp của của mình như con ngươi của mắt, và lệnh cấm vận, trừng phạt áp lên Nga càng dài, thì họ càng có lợi.

Vẫn chưa yên tâm với những bài báo của Việt Nam, thậm chí họ còn dẫn các báo chí của Tây về cái sự “càng cấm vận thì càng mạnh” – nhiều bác chỉ còn biết đặt câu hỏi rằng “Vậy tại sao Nga không đề nghị phương Tây cấm vận và trừng phạt từ trước đi cho nó… mạnh từ sớm?” Thực tế, cái gì cũng có hai mặt của nó và có thể về ngắn hạn, chúng ta sẽ thấy những con số DƯƠNG cho nền kinh tế Nga. Đó cũng không nằm ngoài quy luật.

Chẳng hạn, khi các lệnh trừng phạt đầu tiên được đưa ra, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Nga, chẳng hạn các doanh nghiệp ô tô và để lại nhiều dây chuyền lắp ráp, công xưởng, nhà máy (giả định với thời gian lâu như vậy rồi đã đủ hết khấu hao). Thì đương nhiên sẽ để lại rất nhiều chỗ trống, và mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa Nga nhỏ hơn. Câu chuyện của ô tô Moskvich là một câu chuyện điển hình – không có Nissan, không có cả Volvo, bây giờ người Nga sẽ đi Baic (ô tô Bắc Kinh) trá hình thành Moskvich. Cả nhà cùng vui, trừ Nissan.

Bây giờ hãy nói về dân Nga – cái thời nhân viên siêu thị dán lên lưng tờ giấy ghi chữ “KHÔNG CÓ ĐƯỜNG” đã qua nhanh chóng – chưa kịp trồng củ cải thì ăn… đường Tàu. Rồi người Nga vẫn ngại trồng củ cải thì ngoài kia đất đầy ra đấy, doanh nhân Trung Quốc sẵn sàng đầu tư trồng, nông dân Trung Quốc cũng đầy, nhập khẩu cho hai đoàn tầu có mà đầy oặc.

Doanh nghiệp xuất khẩu Nga bán đủ mọi tài nguyên cho Trung Quốc lấy rúp, và nền kinh tế lại đầy rúp, chúng được quăng ra ngoài thị trường và dân Nga lại thu đầy rúp về. Bằng thu thuế, nhà nước Nga vẫn thu được… rúp và tài nguyên đào lên hoàn toàn đủ để sản xuất đạn pháo. Có chăng nếu thấy thiêu thiếu cái gì đó, chỉ là… microchip. Những cái đó Trung Quốc không sản xuất được thì họ sẵn sàng mua lậu hộ cho, thậm chí mạch điều khiển tên lửa cũng sản xuất hộ cho luôn.

Mọi thứ vẫn “bình thường.” 

Chỉ những ai kinh doanh trên thị trường Nga thu rúp vào túi, rồi đem rúp đi mua đô-la bằng tiền mặt mới lo. Còn doanh nhân Việt thì chẳng lo, đã có những dịch vụ đổi thẳng rúp sang đô-la, người nhà ở Thanh Hóa chỉ cần đến đâu đó nhận đô-la về mua ruộng xây nhà là xong. Cả nhà vẫn vui. Mọi thứ vẫn “bình thường.”

Vậy cái gì thôi thúc phương Tây tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận và trừng phạt, hay cần đặt câu hỏi một cách khác đi là: về lâu về dài hậu quả của những hành vi kinh tế này lên nước Nga Putox sẽ như thế nào?

Câu chuyện với doanh nhân Trung Quốc chưa hết – vấn đề là đồng chí Tập có muốn dự trữ thêm rúp, tức là cái thứ là trong quan hệ thương mại hai chiều với Nga rất giá trị nhưng lại là giấy lộn đối với thế giới? Chắc chắn là không. Mà về nguyên tắc các nhà hoạch định chính sách tài chính Trung Quốc sẽ vạch ra một lộ trình giảm dần dự trữ rúp trong kho, tăng nhập khẩu những tài nguyên quý hiếm của Nga mà Trung Quốc không có, để trữ vào kho lâu dài.

Tức là tăng cường nhận tài nguyên về và bán ô tô rởm cho Nga, rúp chỉ là một vật trung gian, phương tiện trao đổi như vỏ sò ngày xưa thôi. Làm sao cho càng ngày kho rúp dự trữ của Trung Quốc càng giảm đi và số rúp đó đẩy hết trở lại cho Nga. Người dân Nga lại đem rúp đó đi mua đường củ cải để ăn, và không loại trừ rất nhiều đường củ cải đó là do doanh nhân Trung Quốc trồng trên chính đất Nga.

Điều mà Trung Quốc sợ nhất là chưa biết cuộc chiến sẽ kết thúc lúc nào và bằng cách nào, vì những hậu quả của chiến tranh thời hậu chiến, có thể dẫn đến đồng rúp thực sự là giấy lộn về mọi nghĩa, mọi phương diện. Do vậy cái trò thủ lợi này, chắc hẳn cũng ngắn hạn thôi.

Ở đây còn có một bất ngờ thú vị khác, là với tình trạng kinh tế toàn cầu suy thoái – dịch bệnh, chiến tranh… sẽ dẫn đến rất nhiều nước chuyển nền kinh tế của mình quay về hướng nội, tức là tự cấp tự túc. Và hóa ra nhờ có cấm vận và trừng phạt, Nga Putox trở thành tiên phong. Tốt thôi, và rõ ràng cấm vận và trừng phạt đi vào ngõ cụt.

Chưa đâu, rất nhiều thứ bây giờ mới bắt đầu. Hoàn toàn chưa có câu nào nhắc đến hàng nhập khẩu thiết yếu, chủ yếu là thuốc và thiết bị y tế, tức là những thứ mà ngay cả Trung Quốc cũng không sản xuất được. Ngoài ra chúng ta còn có thể kể đến những thứ khác như máy tính và linh kiện máy tính, những hàng công nghệ khác nhất là những vật liệu quý hiếm cho các thiết bị chuyên dụng… Để duy trì được những thiết bị đó có mặt trong đời sống xã hội, Nga sẽ phải chi ra những khoản tiền lớn và nếu mua lậu thì rất đắt đỏ.

Một trong những ví dụ điển hình là vòng bi – chẳng hạn nếu bộ linh kiện ô tô của Baic có vòng bi SKF trong đó, mà SKF Trung Quốc sợ lệnh trừng phạt sẽ áp dụng lên mình mà yêu cầu kiểm soát nhà nhập khẩu, thì sẽ phải dùng vòng bi Trung Quốc để thay thế. Khi ô tô Moskvich chạy tán loạn ở Mátxcơva, chẳng mấy chốc vòng bi Trung Quốc sẽ hỏng và nó tạo công ăn việc làm cho thợ sửa chữa, với xe ô tô con không ảnh hưởng mấy đến toàn bộ nền kinh tế. Nhưng nếu điều đó xảy ra với 10.000 cái xe tải chạy khắp nơi thì lại là một thiệt hại lớn.

Như thế, mục đích đầu tiên của các lệnh cấm vận và trừng phạt là ngắt Nga khỏi các mặt hàng thiết yếu, hàng công nghệ, nhất là những thứ có thể giúp họ phục hồi được nền sản xuất quốc phòng.

Chúng ta đang chứng kiến một nền kinh tế tuyệt đối không lành mạnh và cứ kéo thật lâu như vậy thì… không biết phải phán thế nào. Mục đích tiếp theo của các lệnh cấm vận và trừng phạt không phải làm kinh tế Nga sụp đổ, mà cô lập nó: không tiếp cận các khoản vay và chẳng mua bán gì với bên ngoài cả. Vì có cấm vận và trừng phạt, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không làm ăn với Nga nữa, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu dầu khí Nga được hỗ trợ bởi chính sách cai dầu khí Nga từ Chính phủ… dẫn đến vấn đề nghiêm trọng nhất là mất thị phần. Đó là còn chưa nói đến công nghiệp khai thác của Nga hoàn toàn phụ thuộc công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Chúng ta hãy cùng hình dung: để duy trì được đồng rúp hiện nay, Ngân hàng trung ương Nga đã rất tài năng, nhưng thực tế đang làm một việc rất nguy hiểm về lâu dài – ví dụ tăng gấp đôi lãi suất và duy trì nó rất lâu (đâu như 20%, tăng lên từ 9,5%). Điều này sẽ làm cho dân chúng thì thích gửi tiết kiệm nhưng doanh nghiệp thì không tiếp cận các khoản vay được, và nếu có vay được cũng chẳng làm gì để ra lãi nhiều hơn như thế để trả nợ.

Phàm là một đất nước phải có xuất khẩu thì mới thu được tiền về, tức là làm giàu thêm, nhất là khi những mặt hàng xuất khẩu đó có hàm lượng công nghệ cao, là sản phẩm của nền sản xuất chứ không phải bán tài nguyên thô. Mặc dù có những cái lợi vặt vãnh chỗ này một cái, chỗ kia một cái nhưng về tổng thể cỗ xe kinh tế Nga vẫn… phi xuống vực, vì nó còn đang nuôi cả một cuộc chiến tranh vượt quá khả năng cung cấp của nền kinh tế quốc dân.

Cuộc chiến tranh của Putox được cho là tiêu tốn của hắn ta cỡ 1 tỉ đô-la/ngày, như vậy đến nay đã tốn cỡ hơn 500 tỉ đô-la Mỹ. Nếu cứ cố kéo dài, thì ngày mà Putox sạch túi, chắc cũng không còn xa nữa.

P/S. Tay mơ viết về kinh tế, thật là khó và mệt mỏi. Nếu có gì sai sót, xin các bác bỏ quá.

3. Tại sao Tổng thống Zelensky gần đây lại nói: “Đưa chiến tranh đến Nga là công bằng!” và nếu như vậy sẽ có những vấn đề gì?

Vào ngày 31 tháng 7, sau khi một máy bay không người lái tấn công tòa nhà IQ ở Mátxcơva một ngày trước đó, tất cả các hãng thông tấn Nga đều đăng thông điệp “Liên Hợp Quốc lên án các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine và Mátxcơva”.

Thông điệp nếu thực sự như vậy, chắc chắn nó sẽ gây sốc cho người Ukraine, vì các thành phố của Ukraine đang bị tấn công hàng ngày trong suốt 17 tháng. Hàng chục thị trấn lớn nhỏ của Ukraine đã bị san bằng. Kyiv bị tấn công đều đặn theo tuần, thỉnh thoảng là hàng ngày trong tuần. Mọi người có hình dung được điều này có nghĩa là gì không? Là còi báo động không kích và ngồi trong hầm trú ẩn hàng giờ cho hàng triệu trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ, đàn ông – thường là vào lúc nửa đêm.

Thực chất, những lời phát biểu về các cuộc tấn công vào Mátxcơva không phải do Liên hợp quốc đưa ra như một nghị quyết của các nước thành viên, mà là của một nhân viên Liên hợp quốc. Ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc bình luận về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào ngày 30 tháng 7 vào Mátxcơva như sau:

“Chúng tôi không có bất kỳ thông tin trực tiếp nào về kẻ chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công này. Nhưng chắc chắn, chúng tôi chống lại bất kỳ và tất cả các cuộc tấn công vào các cơ sở dân sự và chúng tôi muốn chúng dừng lại.”

Rõ ràng, tấn công các mục tiêu dân sự là không thể chấp nhận được và không ai trong số chúng ta tranh cãi về điều đó. Tuy nhiên, các văn phòng của Bộ Phát triển Kinh tế và Bộ Số hóa (đã bị tấn công trong 2 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tòa nhà IQ) – cả hai Bộ đều tham gia vào quá trình Nga hóa các lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, không thể gọi chúng là các mục tiêu dân sự thuần túy.

Trong khi đó, Nga tiếp tục tấn công các cảng xuất khẩu hàng hóa và tòa nhà chung cư của Ukraine. Hàng đêm phòng không Ukraine vẫn tiếp tục bắn hạ các drone tự sát và tên lửa hành trình Nga. Đêm 6/8, ở Kupyansk tỉnh Kharkiv, quân khủng bố Nga dùng drone tấn công vào trạm truyền máu, làm một số người chết và bị thương. Đêm 07/08 bọn Nga đã tấn công một tòa nhà cao tầng Kherson, một đám cháy bùng phát, 1 người chết, 12 người bị thương.

Vậy đến bây giờ Zelensky đã làm gì? Mới chỉ tuyên bố một câu thậm chí còn bị coi là yếu ớt và thả được vài cái drone đến đất Nga. Vậy ai dám đặt câu hỏi “có công bằng không?” vào lúc này, khi mà trẻ em Ukraine vẫn đang bị bắn giết hàng đêm từ trên trời? Công bằng hoàn toàn chẳng liên quan gì đến chuyện này cả, mặc dù sự trả đũa là cực kỳ “công bằng” trong các cuộc chiến tranh, và nó là điều hoàn toàn bình thường. Thực ra, tuyên bố của Zelensky còn là quá nhẹ nhàng.

Nên nhớ rằng, khi bị người Đức xâm lược vào năm 1941, Liên Xô đã đánh đến tận Berlin, họ không chỉ dừng lại ở biên giới năm 1941. Tại sao chúng ta lại chấp nhận một thế giới mà chỉ có toàn thế giới tôn trọng cam kết với Nga và Putox, ngược lại Nga và Putox lại không bao giờ tôn trọng điều gì cả?

Năm 1991, Nga tuyên bố Crimea là của Ukraine. Năm 1994, để giữ lại nền độc lập Ukraine đã phải giao tất cả vũ khí hạt nhân cho Nga, có kèm thêm cam kết giữ an ninh từ Mỹ và vài nước nào đó. Sau đó thì Putox sổ toẹt tất cả. Một cái quân mất dạy và vô liêm sỉ đến vậy – mà vẫn để cho nó lên giọng “công bằng” là sao?

Ai là người khơi mào cuộc chiến? Nga Putox. Ai là người bắn vào các mục tiêu dân sự trước? Nga Putox.

Trong chiến tranh, mọi điều đều có thể. Miễn là người Ukraine không nhằm vào dân thường của Nga, vào các công trình hạ tầng dân sinh của Nga, thì tất cả hành động đều “công bằng.” Nói thẳng ra là, đó mới chỉ là mấy cái búng tai cảnh cáo, mọi thứ đều còn chưa tới, hay nói theo kiểu Nga là “Người Ukraine và Zelensky còn chưa hành động nghiêm túc.”

Đến tầm này, khi cuộc chiến đã đi được gần 18 tháng, tất cả đã rõ và hơn ai hết, Zelensky rất rõ: “Putox sẽ không dừng lại cho đến khi hắn quỵ hẳn.” Thể hiện rất rõ quan điểm mất dạy này, thằng hề có cái chức danh mỹ miều là “người phát ngôn Điện Kremli” Dmitry Peskov đã đưa ra một câu trả lời không rõ ràng và mâu thuẫn với một phóng viên của New York Times.

Khi được hỏi “liệu Nga có tìm cách chinh phục thêm lãnh thổ Ukraine ngoài bốn khu vực bị chiếm đóng một phần mà Nga đã sáp nhập bất hợp pháp vào tháng 9 năm 2022 hay không”, hắn nói “Điện Kremlin có khả năng tìm cách tiếp tục các hoạt động quân sự quan trọng chống lại Ukraine, tối thiểu phải chiếm được các phần còn lại của các tỉnh Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Luhansk mà lực lượng Nga chưa chiếm được.” Như vậy, bè lũ Putox đã nêu rõ các mục tiêu theo chủ nghĩa tối đa về lãnh thổ và hơn nữa, ngoài mục tiêu đó còn bao gồm cả việc thay đổi chính phủ và hiến pháp Ukraine. Chưa có lũ nào mất dạy như cái lũ này.

Nước Nga của Putox cần những đòn khác nữa, chứ không chỉ những thất bại trên chiến trường và sự tàn phá quân đội của nó cho đến khi không thể khôi phục được nữa. Người dân Nga sẽ không mất mạng vì những đòn tấn công của Ukraine, nhưng họ sẽ cảm nhận được chiến tranh và sự bất an đến tận giường ngủ của họ. Họ xứng đáng với điều đó. Còn những thanh niên của họ làm phân bón cho hướng dương Ukraine cũng đã quá đủ rồi, quá đủ đau khổ cho tất cả mọi người, cả chúng ta.

Sau cú tấn công ngày 30/07, những người thuê nhà và văn phòng ở Mátxcơva bắt đầu lũ lượt rời đi. Các công ty đã cho nhân viên của họ làm việc tại nhà. Đó mới chỉ là sự khởi đầu, tình hình sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng chứ không có giảm – và nó sẽ dẫn đến căng thẳng xã hội nói chung. Sớm muộn thì người Nga cũng sẽ nhận thấy rằng: cuộc chiến này chẳng đem lại cho họ cái gì cả, nếu Putox có chiến thắng – bây giờ là đồng nghĩa với giữ được Donbas, tí đất Zaporizhia và Kherson với Crimea để… tắm biển, nhưng điều đó có ý nghĩa gì khi cuộc sống bấp bênh không lối thoát. Lúc đó thì tiền đâu ra để đi tắm biển? Một chiến thắng vô nghĩa.

Rõ ràng “anh hề” Zelensky đang biến lão KGB 70 tuổi thành thằng hề đúng nghĩa: biết quật những con chủ bài rất đúng lúc xuống bàn. Sau câu chuyện này, cần phải nói câu: “Zelensky tính hết cả rồi các bác ạ.”

4. Bình loạn & Nhận xét & Đoán mò

Sự kiện vào ngày 5 tháng 8 khi mà tàu đổ bộ của hải quân Nga “Người thợ mỏ Olenegorsky” bị drone mặt nước tấn công dẫn đến hậu quả là nó “gần như chắc chắn bị hư hại nghiêm trọng”. Và có những ý kiến cho rằng, vì trình độ cứu hộ yếu kém của Nga, nhiều khả năng nó sẽ “đoàn tụ” với Tuần dương hạm Moskva ở đáy biển.

Theo đánh giá của tất cả các bộ quốc phòng nước ngoài mà tui đọc được, thì đây là “một đòn cực nặng” đối với Hạm đội Biển Đen, vốn trước đó đã sơ tán hầu hết các tàu bè của mình đến Novorossiysk do mối đe dọa cao đối với căn cứ của Hạm đội này ở Sevastopol (nam Crimea do Nga chiếm đóng).

Tuy nhiên, vẫn như câu chuyện “càng cấm vận thì Nga càng mạnh,” người Ukraine đã thất bại trong cú tấn công lần này. Mục tiêu của họ đã bị phá sản: mong muốn xóa sổ hạm đội Biển Đen của Nga, bây giờ điều đó không thể thực hiện được nữa. Cả thế giới nên chia buồn với họ, và các cháu dư luận viên xứ Việt chắc chắn sẽ hoan hô rầm trời: hạm đội Biển Đen đã tháo chạy, bây giờ không biết đường nào mà tìm.

Theo những thông tin chưa kiểm chứng của thông tấn xã vỉa hè, hạm đội Biển Đen Nga đã đổi tên thành hải đoàn (naval squadron) hoặc thậm chí là hải đội (flotilla) để sống mai danh ẩn tích ở một nơi thâm sơn cùng cốc nào đó. Giá như có đường để đi vào biển Caspi chắc là chúng cũng cố bơi đấy.

Nhìn lại, người Ukraine đã đánh chìm Tuần dương hạm Moskva, soái hạm của hạm đội. Sau đó, họ làm hỏng hoặc chúng ta đã đánh chìm soái hạm thứ hai, chiếc Makarov. Ngoài ra họ đã đánh chìm hai tàu đổ bộ lớn và làm hư hại nặng thêm hai chiếc nữa cùng với nhiều tàu khác. Một nửa không quân hải quân của hạm đội Biển Đen đã bị phá hủy, còn trụ sở chính của hạm đội thì bị tấn công nhiều lần.

Bế tắc! Hoàn toàn bế tắc! Người Ukraine bế tắc đến mức mà cái tàu chở dầu Sid đang bị quân sự hóa chở dầu cho căn cứ không quân Nga ở Syria, cũng phải đánh gẫy gập làm đôi, kinh thế. Một đất nước “Zero về hải quân” mà đánh cho cường quốc quân sự thứ hai thế giới thất điên bát đảo.

Vấn đề là, từ trước đến nay người ta – đặc biệt là bọn dư luận viên gộc người Việt chuyên nghề “*ứt Putox thơm” như Lee Shimuo, Lee Yutong cứ lải nhải: hải quân Ukraine là số KHÔNG trong khi Nga có hạm đội Biển Đen hùng mạnh, làm sao chiếm lại được Crimea. Nhưng với tình trạng của “hải đội Biển Đen” hiện nay thì, đáng tiếc phải chia buồn với mấy lão hâm: Sự sụp đổ của Crimea bây giờ là không thể tránh khỏi.

• Tui không nhớ nổi tui đã viết câu này ở bài nào: Chiến lược của người Ukraine là chia cắt và cô lập.

- Với Vuhledar vẫn giữ được và Nga không chiếm được, coi như Donbas bị cắt khỏi chiến trường miền nam, mọi di chuyển quân đội buộc phải bằng đường bộ đi sát bờ biển. Đường sắt bị đứt đoạn không cho phép Nga vận tải được những lực lượng lớn và cả hậu cần cho những chiến dịch khổng lồ.

- Với những cú đánh cầu Chongar và thêm cả “người anh em” là cầu Henichesk, ý đồ đã hiện lên rõ ràng là cô lập chiến trường miền nam với Crimea.

- Bây giờ chỉ còn cây cầu Kerch. Tháng Mười năm ngoái, cây cầu Kerch bị đánh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận chuyển vật liệu chiến tranh và hàng hóa nói chung của Nga cho người Nga ở Crimea và các khu vực mặt trận phía nam. Ngày 17/07 năm nay, nhằm khi nó vừa được sửa xong, người ta đánh nó một lần nữa.

- Chẳng bao lâu nữa, khả năng tiếp tế duy nhất cho chiến trường miền nam Ukraine của Nga sẽ là bằng… cầu hàng không và bài học lịch sử sẽ được tái hiện. Cách đây gần 81 năm, Tập đoàn quân số 6 của Đức và đồng minh (lính Ý, Rumani) ở Stalingrad đã nhận được lời hứa lập cầu hàng không của Herman Goering và rồi chết đói trong vòng vây. Hơn 800.000 người thiệt mạng và hơn 900 máy bay bị phá hủy.

Còn hiện nay, quân Ukraine thường xuyên phá hủy tất cả kho đạn dược, trung tâm hậu cần và kho nhiên liệu của Nga trên khắp khu vực bằng tên lửa tầm xa và HIMARS. Tương lai các cây cầu lại tiếp tục sa vào vở diễn của cầu Antonovsky trước đây, và kết cục “buộc phải rút chạy” vì chết đói và không có đạn là không thể tránh khỏi.

Phần tiếp theo của chiến lược, là bình tĩnh tiến lên, duy trì một nhịp điệu tấn công đều đặn với mục đích yêu cầu quân Nga phải phản kích, càng mạnh càng tốt. Càng phản kích mạnh, càng tiêu hao nhiều sức lực và dự trữ. Vì vậy nếu các bác mà nghe thấy “giao tranh dữ dội” và “Nga phản công mãnh liệt” là đúng ý đồ đấy. Còn nếu mà nó đuối quá không đủ “dữ dội” với “mãnh liệt” thì ta chiếm đất.

Vì vậy, nếu các bác nghe thấy ai đó nói “chẳng có triển vọng gì”, và cho rằng Ukraine không có một kế hoạch nào, thì sai đấy – thực sự đó là một kế hoạch rất thâm sâu. Điều đáng nói là bộ chỉ huy Nga biết vậy, mà gần như không chống đỡ được – chẳng hạn đòn tấn công vào sân bay hôm kia để tìm diệt Su-24 của Ukraine, nói chung là vô nghĩa. Tất cả những chuyện Bộ chỉ huy Nga đã làm: kéo thật nhiều quân, bố trí thật nhiều xe tăng… hóa ra là kéo cả vào trong một cái bẫy. Đến lúc chạy thì chỉ có chạy bằng chân thôi, xe với cộ gì.

Trên thực tế, cuộc chiến tranh sẽ kéo dài đến bao giờ?

Hầu hết những người Ukraine mà tui đã nói chuyện đều hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc vào năm tới. Tui cũng mong như thế.

Có một điều chắc chắn: hiện tại cả hai bên đều tung một lượng lớn nhân lực và vật chất ra tiền tuyến – đó là tình thế không thể tiếp tục mãi được. Nó giống như một cuộc kéo co, sớm muộn gì một bên cũng phải nhường bước.

Mặc dù với quân số ít hơn, Lực lượng Vũ trang Ukraine đang ở thế thượng phong so với người Nga. Các loại đạn chùm được chuyển giao gần đây đã tàn phá lực lượng pháo binh Nga và một khi máy bay chiến đấu F-16 được đưa ra chiến trường, Nga sẽ mất ưu thế về không quân ngoài pháo binh.

Điều quan trọng là Ukraine vẫn còn nguyên lực lượng dự trữ: khoảng 2/3 số lữ đoàn của họ được trang bị xe tăng hiện đại của phương Tây vẫn chưa tham gia cuộc phản công đã và đang diễn ra từ đầu tháng Sáu. Nhưng chỉ khi có những diễn biến quan trọng của chiến trường, ví dụ như sự sụp đổ của quân Nga ở một số khu vực, thì các lực lượng này sẽ bước vào trận đánh và khi gây ra những bước đột phá quan trọng, mọi thứ sẽ diễn ra nhanh chóng.

Lúc này, quân Ukraine không cần phải chiến đấu để giành lại từng mét vuông lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của mình, thậm chí ở chiến trường miền bắc của họ - tuyến Kupyansk – Kreminna do không đưa những đơn vị dự bị lớn vào, có thể phải nhường cho quân Nga vài trăm mét đất – không sao. Đó chỉ là 1/3 mặt trận, còn 2/3 từ Lysychansk chạy xuống miền nam, nếu quân Nga sụp đổ dây chuyền thì mấy mét đất bây giờ chẳng ý nghĩa gì.

Khi đó, cùng với cầu Kerch bị đánh sập, quân Nga ở Crimea sẽ đầu hàng ngay lập tức. Một biến cố cỡ đó sẽ có tác động không nhỏ tới tình hình chính trị nội bộ ở Nga (mà sau cú binh biến của Prigozhin chúng ta thấy rõ nó rất mong manh). Tất cả những gì cần thiết để kích động âm mưu đảo chính tiếp theo hoặc một cuộc binh biến, chính là thất bại lớn trên chiến trường Ukraine.

Nếu các sự kiện chiến trường diễn ra theo đúng dự báo của tui, là tháng Tám này có những biến cố quyết định – chủ yếu là bắt đầu sụp đổ do… đói, thì các diễn biến sau đó sẽ rất nhanh. Và tui vẫn tin là khoảng cuối năm – mà hôm trước tui hú họa đưa mốc 07/11 (BA THÁNG NỮA) là chính trường Nga có biến cố. Tuy nhiên hôm nay tui xin đưa ra một kịch bản dự phòng: Putox sẽ chưa bị lật đổ ngay mà sẽ xảy ra quá trình trừng phạt nặng nề các quan chức, nhất là các quan chức trong quân đội – kịch bản này diễn ra khi các điều kiện để đảo chính chưa chín muồi, chưa hội đủ các yếu tố cần thiết… khi đó thì chính trường Nga vẫn sẽ chao đảo cho đến khoảng mùa hè năm 2024 sẽ xảy ra lật đổ.

Tuy nhiên, như người ta vẫn nói là không có gì đoán trước được trong điều kiện chiến tranh, mọi thứ vẫn có thể diễn ra nhanh hơn thường lệ trong cái định mệnh “chắc chắn phải như thế”. Quân Nga chắc chắn sẽ sụp đổ, và hy vọng lớn nhất là kịch bản dự phòng kia sẽ không xảy ra mà chóp bu Nga sẽ dám xử lý luôn Putox trước cuối năm nay.

• Tin thêm: Từ hai ngày nay, quân Ukraine phản công “nhẹ nhàng” trên hướng Kupyansk, dù không có kết quả nhưng cho thấy chiến dịch tấn công của Nga trên hướng này chắc chắn sẽ đi vào thoái trào. (Xem bản đồ).

Ảnh: Xe tăng Ukraine chuẩn bị lô phá mìn cho những trận đánh sắp tới.

PHÚC LAI 08.08.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.