vendredi 11 août 2023

Nguyễn Văn Tuấn - Ai 'nuôi' trường đại học?

 

Ở quê tôi, một làng thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trước 1975, được vào đại học là một dấu hiệu của thành tựu khoa bảng.

Thời đó, cứ 100 học sinh thi tú tài, chỉ 30-40 người đậu, và trong số người đậu, chỉ 5-10 % vào được đại học. Làng tôi chỉ cách thị xã Rạch Giá chừng 20 cây số, nhưng số người đậu tú tài đếm đầu ngón tay, số tốt nghiệp đại học càng hiếm. Một người tốt nghiệp đại học, cả làng tự hào.

Phải đến cuối thập niên 1990, cánh cửa đại học mới mở rộng. Mấy năm trước về quê ăn Tết, tôi nghe kể một danh sách dài con cháu của những người nông dân hàng xóm đã tốt nghiệp, một số đang phục vụ tại các bệnh viện ngoài Rạch Giá. Trong số đó, có không ít người gốc Khmer và nghèo khó. Tôi thầm nghĩ chính sách giáo dục đã phần nào thành công, làm ngắn "khoảng cách đại học" giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và nghèo.

Nhưng năm nay, tình hình khác đi. Một vài học sinh trong xóm tôi không có ý định học đại học, vì học phí cao, trong khi kinh tế gia đình ngày một khó khăn. Học phí dao động 30 đến 50 triệu đồng mỗi năm, chưa tính các khoản chi khác. Ở quê tôi, một gia đình nông dân với 10 công đất, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm chỉ dư chừng 70 triệu đồng. Với mức thu nhập như thế, con em họ rất khó theo đuổi con đường học vấn.

Đó là hậu quả dễ thấy của chủ trương tăng học phí. Theo Nghị định 81, học phí đại học năm nay dự kiến tăng 10-15 % so với năm trước. Năm 2020, học phí các ngành y tế dao động 15-20 triệu đồng một năm, nhưng chỉ ba năm sau đã tăng lên mức dự kiến 55-60 triệu đồng.

Không quá khó hiểu khi các đại học phải tăng học phí để... tồn tại. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, năm 2017, 24 % tổng thu nhập của các trường đại học công lập là từ ngân sách Nhà nước, bốn năm sau con số này chỉ còn 9 %. Học phí, từ chỗ chiếm 57 % tổng thu nhập, bốn năm sau nhảy lên 77 %. Sự tồn tại của các đại học lệ thuộc vào học phí.

Đó là một xu hướng đáng ngại.

Sự lệ thuộc quá lớn vào học phí có thể dẫn đến suy giảm phẩm chất đào tạo. Tình trạng này đã xảy ra ở Úc khi các đại học nhắm mắt hạ thấp điểm chuẩn để tăng số sinh viên, do đó 'hy sinh' chất lượng đào tạo.

Tăng học phí cũng làm gia tăng khoảng cách giáo dục giữa người giàu và người nghèo. Đó là kinh nghiệm ở Canada. Khi chính quyền tỉnh Ontario cho phép đại học tăng học phí, họ sau đó ghi nhận tình trạng giảm ghi danh ở những thành phần lao động nghèo. Tại các tỉnh khác như Quebec và British Columbia, những nơi không thay đổi học phí, thì không có thay đổi về tỉ lệ ghi danh giữa các thành phần kinh tế.

Mối lo ngại này đã được Chính phủ nhìn ra, thông qua chỉ đạo của phó Thủ tướng về việc sửa Nghị định 81, theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024. Nhưng nguồn tiền này như một tấm chăn hẹp, kéo về bên này thì hụt bên kia. Học phí không tăng, người học sẽ được giảm gánh nặng, nhưng các đại học sẽ xoay sở thế nào, khi đa dạng hóa nguồn thu đang là câu chuyện đi vào ngõ cụt ở Việt Nam.

Cơ cấu nguồn thu của các đại học trên thế giới rất đa dạng. Ngoài học phí đến từ các chương trình đào tạo chính quy, không chính quy, hợp tác đào tạo, các đại học còn có nguồn thu nhập từ hoạt động nghiên cứu khoa học (chính phủ cấp hoặc doanh nghiệp đặt hàng); từ khoản hiến tặng của các cá nhân hay doanh nghiệp; từ việc khai thác cho thuê cơ sở vật chất, cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp.

Về mặt lý thuyết, các trường ở Việt Nam cũng có cơ chế để năng động đa dạng hóa nguồn thu như vậy. Nhưng thực tế chưa khả thi, vì sao?

Các trường đại học ở Việt Nam vẫn nặng về mục tiêu đào tạo nhân lực, còn hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ là thứ yếu. Đa số giảng viên và giáo sư quá bận rộn với giảng dạy, chỉ một số rất ít nghiên cứu khoa học, và họ làm việc trong điều kiện rất khó khăn. Do đó, không ngạc nhiên khi những nghiên cứu khoa học như thế khó có thể chuyển giao thành sản phẩm và đem lại thu nhập.

Phần lớn nghiên cứu khoa học từ các đại học chưa chứng minh được khả năng ứng dụng hay giá trị thực tế đủ thuyết phục các mạnh thường quân tài trợ. Nhiều nghiên cứu được thực hiện chỉ để "đối phó tình thế" (như trong các cuộc đề bạt chức danh giáo sư và phó giáo sư) hơn là nhắm đến giải quyết những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm.

Các đại học ở phương Tây được hiến tặng khá nhiều tiền. Ở Việt Nam, văn hóa hiến tặng cho các trường đại học chỉ mới hình thành. Đây đó đã xuất hiện những nỗ lực quyên góp nhưng vẫn chưa phổ biến ở các cá nhân cũng như doanh nghiệp, một phần vì thiếu cơ chế khuyến khích. Ở Mỹ và một số quốc gia khác, cá nhân, doanh nghiệp quyên tiền cho các đại học sẽ được miễn trừ thuế với khoản quyên góp.

Học phí không được phép tăng, các nguồn thu khác nhỏ giọt và không đáng kể, ngân sách nhà nước quá thấp, các trường đại học như bị bó chân, bó tay trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Con số 9 %ngân sách Nhà nước đóng góp vào nguồn thu của các trường đại học là quá thấp. Ở Trung Quốc, khoảng 50-55 % tổng thu nhập của các đại học đến từ ngân sách công, chỉ khoảng 30 % từ học phí. Ở Úc, chính phủ tài trợ cho mỗi đại học dựa vào số sinh viên thu nhận mỗi năm. Năm 2020, gần 35 % nguồn thu của các đại học Úc là từ tài trợ của chính phủ, số còn lại là học phí từ sinh viên nước ngoài (26 %), sinh viên nội địa (khoảng 17 %).

Cần nói thêm rằng ở Úc, thời tôi học đại học (tức hơn 40 năm trước), các trường không lấy học phí vì chính phủ có chủ trương mở cửa đại học cho con em thuộc giai cấp lao động. Mãi đến thập niên 1990, các đại học mới dần dần lấy học phí, nhưng cũng rất thấp.

Hiện nay, chính sách tín dụng sinh viên ở Việt Nam, thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, thiếu hấp dẫn. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2011 có 2,4 triệu người thụ hưởng, năm 2017 chỉ có 725.000 người và đến năm 2021 chỉ còn 37.000 người thụ hưởng chính sách này. Một cách để giảm "khoảng cách đại học" giữa nông thôn và thành thị (hay giữa người nghèo và người giàu) là điều chỉnh chính sách tín dụng bằng cách tăng số tiền cho sinh viên nghèo vay và không lấy lời sau khi tốt nghiệp.

Có lý do chính đáng để Chính phủ Việt Nam tăng ngân sách giáo dục. Một nước đang phát triển và trong thời bình nên xem đầu tư cho giáo dục đại học có tầm quan trọng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Những người được đào tạo từ đại học là thành tố rất quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế. Đầu tư vào con người luôn đem lại lợi ích quốc gia lớn nhất.

NGUYỄN VĂN TUẤN 10.08.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.