1.
Chiến dịch quân sự được tiến hành theo phương án tác chiến của Bộ Tổng tham mưu. Chiến trận giữa hai bên, thắng thua phụ thuộc phần nhiều vào Bộ Tổng tham mưu.
Bộ Tổng tham mưu giỏi thì ít địch được nhiều. Bộ Tổng tham mưu kém thì nhiều mà thua ít. Cho nên, một quốc gia muốn có quân đội mạnh thì phải có một Bộ Tổng tham giỏi với một Tổng tham mưu trưởng tài ba.
2.
Ở nước ta, về cơ bản, cơ chế vận hành ở lĩnh vực quản trị hành chính tuân theo các quy định có nguồn gốc từ Bộ Nội vụ. Vai trò Bộ Nội vụ trong quản trị quốc gia ví như vai trò Bộ Tổng tham mưu trong chiến tranh.
Bộ Nội vụ giỏi thì phương án quản trị quốc gia tốt. Bộ Nội vụ kém thì phương án quản trị quốc gia tồi. Bộ Nội vụ muốn giỏi thì trước hết Bộ trưởng Bộ Nội vụ phải là người tài giỏi. Nếu Bộ trưởng Bộ Nội vụ không tài giỏi, thì phương án quản trị quốc gia đưa ra không thể sáng suốt. Một đầu bếp tồi không bao giờ cho ra một bữa tiệc ngon.
3.
Những người đã trải qua đào tạo đại học, đều thấy rõ, không có một cơ sở khoa học nào để quy định rằng “đơn vị hành chính cấp quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000 người trở lên” và “ trong hai năm tới, các huyện có diện tích dưới 20 % và dân số dưới 200 % tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập”.
- Tại sao là 35 km2 mà không phải 50 km2, 100 km2?
- Tại sao 150.000 người mà không phải 500.000 người, 1.000.000 người?
- Tại sao dưới 20 % diện tích thì phải sáp nhập mà không phải 25%, 30 %, 50%?
Diện tích quận Hoàn Kiếm là 5,29 km2, Quận Ba Đình là 9,25 km2, Quận Hai Bà Trưng là 10,26 km2. Sáp nhập cả ba quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng vẫn chưa đủ tiêu chí 35 km2. Nếu thay vì dưới 20% mà nâng lên dưới 30% thì không riêng Hoàn Kiếm, mà cả Ba Đình và Hai Bà Trưng đều phải sáp nhập.
4.
Những bất cập của sáp nhập quận, huyện, phường, xã đã được dư luận xã hội phản ánh liên tục và rộng rãi. Nhưng dường như chưa được các cơ quan có thẩm quyền chú tâm đến.
- Hoặc là “thực đơn” của Bộ Nội vụ về sáp nhập quá “tuyệt hảo”?
- Hoặc là sự mê hoặc của các con số giảm biên chế?
- Hoặc là sự bất khả xâm phạm của các nghị quyết?
Giảm biên chế phải dựa trước hết vào ứng dụng công nghệ, và tạo việc làm mới. Chứ không trông chờ vào sáp nhập. Sáp nhập không đơn thuần là phép tính cộng, tạo ra cảm giác được thêm, mà tưởng là vô hại. Sáp nhập có thể hủy hoại văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, và sự kế thừa tinh hoa.
Các vị đứng đầu nhà nước, cụ thể là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dù rất bận nhiều việc, nhưng rất cần quan tâm đúng mức đến việc sáp nhập quận, huyện, phường, xã, không chỉ dựa chủ yếu vào đề xuất của Bộ Nội vụ. Thông tin trên mạng xã hội cũng là một nguồn dữ liệu quan trọng để soi xét sự đúng đắn các quyết định về quản trị quốc gia.
Luật là do con người đưa ra. Đưa ra được thì cũng sửa đổi, hoặc xóa bỏ được. “Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã” cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
5.
Nguy cơ xóa bỏ những tên gọi huyền thoại như “Hoàn Kiếm”, “Ba Đình”, “Hai Bà Trưng”, động đến thần linh và lịch sử, cuối cùng sẽ thức tỉnh những cơn mê giáo điều. Nếu sự tự mãn thắng thế thì cũng sẽ bị đời sau bác bỏ.
NGUYỄN NGỌC CHU 03.08.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.