mercredi 14 juin 2023

Mai Quốc Ấn - Có một phe mang tên phe xúi !

 

THIẾU CÔNG CỤ ĐỂ “ĐO” ĐỜI SỐNG CỦA DÂN SAU GIẢI TỎA, TÁI ĐỊNH CƯ

Giải tỏa, thu hồi đất, đưa dân đến khu tái định cư mới luôn là vấn đề nóng ở các địa phương. Một phần vì dân không đồng tình với áp giá đền bù đất, tài sản... một phần nơi ở mới không đảm bảo đủ các điều kiện tối thiểu. Nhất là thiếu đất sản xuất...

Tại dự án hồ thủy lợi Krông Pách thượng (xã Cư San, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk), hiện còn 100 trong tổng số hơn 700 hộ dân vẫn trong tình trạng "mắc kẹt" ở khu vực lòng hồ. Để không tiếp tục chậm tiến độ, địa phương đã chuẩn bị cả phương án... cưỡng chế vào cuối tháng Sáu này.

Đây là dự án thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư xây dựng, với tổng vốn hơn 4.400 tỉ đồng, đã chậm tiến độ hơn 10 năm. Hơn 700 hộ dân vùng lòng hồ Krông Pách thượng đã đợi chờ hơn một thập kỷ để di dời về nơi ở mới.

Người dân đã phải gánh chịu hậu quả của nhiều đợt bão lũ, ngập lụt, tài sản bị thất thoát, nên rất mong được đi sớm. Nhưng một phần vì chưa đồng thuận với mức giá đền bù, phần khác vì khu tái định cư vẫn trong tình trạng dang dở, chưa hoàn thiện...

Tiến độ của đại công trình này không thể trì hoãn được nữa. Nếu chưa đưa dân ra khỏi vùng thấp trũng cũng không thể ngăn đập, tích nước. Vì vậy, kế hoạch cưỡng chế để di dời đã được chính quyền tỉnh Đắk Lắk, bàn tính đến. "Điểm nóng" giải tỏa có thể xảy ra căng thẳng.

Trong khi đó, tại diễn đàn Quốc hội cũng đang nóng, khi bàn đến sửa đổi Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là vấn đề được nhân dân quan tâm. Quan điểm của Đảng, Nhà nước rất rõ, khi thu hồi đất, người dân tái định cư, chuyển đi nơi khác để ở, thì nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ".

Tuy nhiên, thực tiễn đời sống của người dân khu tái định cư "bằng hoặc hơn nơi ở cũ" như thế nào thì vẫn mơ hồ, chưa cơ quan, chính quyền nào đưa ra những giá trị, con số so sánh, đo đếm cụ thể nào cả.

Tại khu tái định cư số 2, huyện Ea Kar, nơi sẽ di dời cư dân khu vực lòng hồ Krông Pách thượng đến, hiện chỉ mới có đất ở, chưa được bố trí đất canh tác, sản xuất cho dân. Ở đây có 255 hộ, 1.335 khẩu đã được đưa đến. Nhưng hạ tầng thì chỉ mới có điện, nước, còn hệ thống trường học các cấp (trung học cơ sở, trung học phổ thông...) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Hệ thống đường giao thông dở dang. Chủ đầu tư "lo ngại" khi dân chuyển nhà, vận chuyển đồ đạc trọng tải lớn, làm xuống cấp, hư hỏng nên chờ khi nào dân dọn đến xong mới hoàn tất công trình.

Không có đường để đi, không có đất để sản xuất, làm ăn, không có trường cho con đi học... thì rõ là thua nơi ở cũ rồi. Dân không bàn giao đất, dự án chậm tiến độ là hết lý do để giải thích.

Nếu "nơi ở mới bằng hoặc hơn chỗ cũ" chưa cụ thể được trên luật, trên các Nghị định, thông tư, trên các hướng dẫn... thì các dự án lớn, trọng điểm, sẽ tiếp tục chậm tiến độ như thực trạng ở hồ thủy lợi Krông Pách thượng.

"Bằng" và "hơn" chỗ ở cũ như thế nào? Lấy căn cứ nào để "đo đếm"? Nếu chưa lượng hóa được, chưa phân cấp được cho chính quyền để lượng hóa thành những cam kết cụ thể với dân, thì việc giải tỏa, di dời dân tại các dự án ở khắp nơi sẽ tiếp tục còn khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ các dự án, gây lãng phí lớn.

(Nhà báo Phan Thanh Hải-báo Lao Động)

Bài viết trên Lao Động của nhà báo Thanh Hải cho thêm những không tin rất giá trị vì sao có bất ổn, khó khăn khi di dời tái định cư. Nó giúp chúng ta có thêm thông tin về vụ ĐakLak. Cũng là một cảnh báo trung ngôn cần thiết đến trung ương.

Còn nhớ vụ Thủ Thiêm, sau khi Trung ương vào cuộc, không chỉ là thiếu công cụ để "đo" đời sống của dân sau giải tỏa, tái định cư; mà là thiếu cả nơi tái định cư khi tiến hành giải tỏa. Người dân phải sống trong một khu tạm rồi tàn một thời gian dài. Sai phạm ở Thủ Thiên sau đó ai cũng rõ nhưng nhiều người chưa rõ việc người dân Thủ Thiên từng bị đánh đập khi cưỡng chế lẫn khi đi đòi quyền lợi chính đáng.

Vụ Đặng Văn Hiến, khi trung ương vào cuộc, mới biết không chỉ gia đình Hiến mà bà con cả tiểu khu 1535 và một số tiểu khu gần đó của lâm trường bị đánh đập suốt 8 năm và chính quyền địa phương sai toàn diện (kỷ luật hàng loạt); mới nên cớ sự Hiến nổ súng.

Trong cả hai vụ, khi trung ương vào cuộc, các sai phạm của chính quyền địa phương mới lộ ra!

Tôi là nhân chứng của vụ thứ hai khi chứng kiến việc đám đông “chia phe”. Trong đó, cảm nhận rất rõ có những lực lượng nhân danh điều nọ điều kia trong sự kiện để chụp mũ phe bên kia.

Rất may, từ đầu thú, biệt giam rồi sơ thẩm, biệt giam rồi phúc thẩm, biệt giam rồi giám đốc thẩm, biệt giam chờ án tử và sau đó nhận ân xá để Đặng Văn Hiến được đưa về án chung thân. Trong suốt một quãng thời gian dài đó tôi chứng kiến, nghe và xác minh thực sự trung ương có tìm hiểu kỹ, lắng nghe kỹ vụ việc để ra được một quyết định có hậu.

Từ kinh nghiệm đó mà nhìn lại vụ ĐakLak thì thấy có nhũng điểm giống nhau cơ bản sau:

- Luôn xuất hiện những kẻ nhân danh hung hãn dù là phe nào và họ thể hiện qua comment có danh tính hoặc nặc danh.

- Sự kiện luôn chỉ được nhìn bằng góc độ bề mặt thông tin thay vì bề sâu lý do vì sao nó diễn ra.

- Rất ít người nhận ra có một phe khác: phe xúi giục. Nhưng sẽ không khó để nhận ra là các nick Facebook mới lập và chuyên đi comment nhân danh như đã nêu và thậm chí nhắn tin cũng cấp thông tin hay khiêu khích.

Chính phe xúi này, trong cảm nhận cá nhân tôi, là một lực lượng được đào tạo bài bản và tiềm phục rất lâu đợi chờ cơ hội. Mục đích của phe xúi không đơn thuần như nhiều người nghĩ là “ba sọc bên kia” hay “ba củ bên này”. Cá nhân tôi cảm nhận rất rõ nó đến từ phương Bắc!

Vì nếu cảnh“nồi da” đem “xáo thịt” trên đất nước mình thì chỉ có bọn bành trướng cả ngàn năm qua xâm lấn nước mình mới âm hiểm cười thích thú mà thôi. Hoặc chí ít, khỏa lấp việc chúng đem tàu công khai xâm nhập trái phép thềm lục địa nước mình vốn đang diễn ra.

Hãy cẩn trọng với bọn phe xúi ấy!

MAI QUỐC ẤN 14.06.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.