vendredi 23 juin 2023

Nguyễn Thông - Báo chí và nhà báo (2)

 

Ở nước này, nhà cai trị tự đặt ra hai loại báo chí: chính thống và không chính thống. Họ có quyền, gọi thế nào chả được. Dân gian nói ngắn gọn là lề phải và lề trái. Phải trái theo nghĩa phương hướng chứ không chỉ đúng sai.

Thứ của chính quyền, do họ đẻ ra, sai phái, chỉ đạo, định hướng này nọ, thì họ coi là chính thống. Chẳng hạn báo Nhân Dân, tạp chí Cộng Sản, tivi VTV, các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ, báo của các tỉnh thành “tiếng nói của đảng bộ và nhân dân’’... Chúng còn có tên báo mậu dịch, báo quốc doanh, kiểu như phở mậu dịch ngày xưa để phân biệt với phở tư nhân.

Phần còn lại của báo chí truyền thông bị xếp vào nhóm không chính thống, trong đó có mạng xã hội. Nhà cai trị rất ghét thứ này, xem như thế lực thù địch, chống đối, xấu xa, xuyên tạc, chỉ nhăm nhăm diệt trừ nó. Mở mồm là nói xấu bêu xấu nó. Ngay cái chuyện gán cho nó cái tên “không chính thống” đã đủ nói lên thái độ ấy. Không chính thống thì phải diệt, bằng cách này cách khác.

Ở những xã hội, thể chế dân chủ, văn minh, thực sự tôn trọng con người, thì báo chí tồn tại độc lập, được điều chỉnh bởi pháp luật. Đó là quyền tự do báo chí thực sự, chứ không tự do ở đầu lưỡi. Chỉ những kẻ vì quyền lợi ích kỷ của cá nhân mình, băng nhóm mình (đảng chẳng hạn) mới phủ nhận quyền tự do báo chí. Năm 2014, Nguyễn Tấn Dũng khi ấy là thủ tướng đã nói toẹt Việt Nam không chấp nhận báo chí tư nhân. Đó không phải là quan điểm riêng của ông Dũng mà của chung thế lực cầm quyền. Tới nay vẫn vậy.

Hiện cả nước có gần 800 cơ quan báo chí (cụ thể 797 “tờ”, gồm 127 báo, 670 tạp chí, kể cả in và điện tử), 72 đài phát thanh-truyền hình trung ương và địa phương. Con số nhiều như vậy, thoạt nghe sẽ thấy nền báo chí rất phát triển, đa dạng, sinh động, nhưng thực chất cũng chỉ là một, công cụ tuyên truyền quan điểm, đường lối, thái độ của nhà cai trị. Chệch ra thì bị phạt, treo có thời hạn, thậm chí đóng cửa, đình bản vĩnh viễn. Những ai làm báo ở xứ này chẳng lạ gì chuyện ấy.

Rất nhiều tạp chí mậu dịch hiện nay luôn bị lưỡi gươm treo trên đầu nếu vi phạm “tôn chỉ mục đích”, mà không “vi phạm” thì chỉ có nước húp không khí để sống. Chẳng hạn tạp chí Bạn Đường chỉ được nói về giao thông, mới đúng tôn chỉ mục đích, lấn sang lĩnh vực khác sẽ có ngày toi, v.v…

Cần nói thẳng rằng, chính thống hay không chính thống không phải cứ mạnh mồm (và có quyền lực chuyên chính) tự nhận là được. Nó phụ thuộc vào bạn đọc, nói rộng ra là nhân dân. Báo được in ra nhưng dân không coi, không tìm đọc, chỉ quanh quẩn ở đám cán bộ đảng viên được phát không hoặc buộc phải bỏ ngân quỹ ra mua. Rồi xếp vào ngăn kéo, gầm bàn, lâu lâu kêu bà đồng nát ve chai tới cân ký giấy vụn, thử hỏi chính thống để làm gì.

Ở thủ đô thì tôi không biết, chứ đất Sài Gòn, muốn mua tờ Nhân Dân (cơ quan trung ương, tiếng nói của đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam) chỉ duy nhất ở Bưu điện trung tâm (Q.1), đố tìm được trên một sạp quầy nào khác. Cam đoan hỏi 100 người dân, cả trăm không ai biết mặt mũi báo Nhân Dân nó như thế nào. Nhưng dân vẫn phải đóng thuế nộp vào ngân sách để nuôi “tiếng nói” không phải của mình, nuôi cả bộ máy cực kỳ cồng kềnh tốn kém, với ông tổng biên tập là ủy viên trung ương đảng, với hàng mấy chục cán bộ cấp cao tương đương vụ trưởng, cục trưởng, thậm chí thứ trưởng. Báo “gói xôi” nhưng tiền rất tốn.

Đám bí thư Trần Đình Thành (Đồng Nai), Nguyễn Văn Vịnh (Lào Cai), Trịnh Văn Chiến (Thanh Hóa) … chắc không thèm đọc báo đảng. Mà giả dụ đọc hằng ngày lại càng đáng nói, bởi chúng tiếp thu được cái gì từ tờ báo ấy mà trở nên như thế.

Chẳng riêng “tờ” Nhân Dân, đám Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, VTV truyền hình, VOV phát thanh, Thông tấn xã Việt Nam, báo đảng các địa phương cũng rứa. (Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 23.06.2023

Nguyễn Thông - Báo chí và nhà báo (1)

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.