Trong đời thợ ảnh kiêng nhất là chụp chân dung. Nếu ảnh đẹp là do mẫu đẹp, nếu xấu chắc chắn do thợ ảnh. Chưa kể chụp xong, mất tiền phim, bỏ tiền rửa, mang đến cho người ta. Không may ảnh xấu bị bĩu môi, ảnh đẹp đút túi và ít người nghĩ phải trả tiền mà không biết người chụp ảnh cũng phải ăn.
Chả hiểu sao anh Nguyễn Đình Toán lại chọn cái nghề khốn khổ ấy. Và lại chụp văn nghệ sĩ, hầu hết nghèo.
Nhớ lần về Hà Nội năm 2009, trong một cuộc gặp các blogger Hà Nội do anh Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Quang Lập tổ chức đón Thanh Chung New York, mình được ăn ké. Thấy mình giơ cái máy Canon kỹ thuật số chụp lung tung, dùng chế độ Auto, một anh đầu bạc với nụ cười hiền thân thiện hỏi muốn xem.
Anh xoay xoay mấy cái vòng trên thân máy, chẳng hiểu chỉnh cái gì, thế mà ảnh lên đẹp mỹ mãn, chân dung các bạn dự bữa trong Ba Mẫu Quán hiện lên thật có hồn. Mình thử chụp chính anh, chất lượng khác hẳn với chế độ Auto. Mãi sau này mới hiểu là do chỉnh ISO, ống kính mở rộng, hẹp, toàn những thứ khó hơn IT của mình.
Anh Tạo bảo, Hiệu Minh đang ngồi cạnh nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, người giữ kho ảnh lớn nhất Việt Nam về chân dung của các văn nghệ sĩ, trong đó có Hoàng Cầm và Văn Cao. Những bức ảnh đẹp nhất về tác giả của Quốc ca do anh Toán chụp. Lúc đó mình cũng không thể mường tượng hết những gì anh Tạo nói.
Bẵng đi 6 năm sau (2015) có bạn từ Sài Gòn ra chơi cứ nằng nặc đòi đến quán Lộc Vàng nghe…nhạc vàng. Nghe nói chủ quán tên là Lộc (Nguyễn Văn Lộc) vì hát nhạc vàng mà phải đi tù tới 8 năm. Bây giờ anh mở quán café có tên là Lộc Vàng ngay trên đường Trích Sài ven hồ Tây, cách nhà mình có vài ngõ.
Quán có ca nhạc vào thứ Hai, Năm và Bảy, do vài ca sĩ vì yêu quý dòng nhạc tiền chiến mà biểu diễn, và chính chủ quán hát phục vụ khách uống café. Dù đã ngoài 70 nhưng giọng anh Lộc vẫn khỏe, trầm ấm và tròn lời, nghe cũng thích.
Ngồi nghe nhạc thấy một cái đầu bạc quen quen, trông giống anh Toán thuở nào. Thấy anh giơ máy chụp các góc, quay sang chụp cả khán giả bằng một cái máy cổ lỗ. Hai hôm sau quay lại vẫn thấy bác thợ ảnh cần mẫn, mình nghĩ bụng, ông này chụp gì mà lắm thế. Thấy lần thứ ba, không thể kìm được, mình tiến lại gần và làm quen, hóa ra anh Nguyễn Đình Toán thật.
Anh bảo, anh vẫn đọc blog, facebook, xem ảnh kiểu hổ lốn trên trang mình. Vui quá trời, hóa ra blog của mình vẫn được một nghệ sĩ đọc và theo dõi.
Hỏi sao anh ra Lộc Vàng nhiều thế. Anh bảo, anh và anh Lộc là bạn học. Khi anh Lộc ra tù, hai người gặp lại nhau. Vụ án Toán Xồm (Phan Thắng Toán) khá nổi tiếng năm 1971 vì nhóm này đã dám hát nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên…
Anh Toán Xồm ra tù không nơi nương tựa, phải sống lay lắt trên phố Tô Hiến Thành. Ngày 23-04-1994, anh Lộc đưa anh Toán nhiếp ảnh ra đó thăm bạn. Nhân thể máy có phim, anh Toán chụp anh Toán Xồm vài pô, trong đó có cảnh anh Lộc đang châm điếu thuốc cho anh Toán Xồm đang nằm trên hè phố.
Một tuần sau, khi quay lại tìm, anh Toán Xồm đã chết trên chiếc chiếu manh, người ta đã chôn như một người vô gia cư. Những bức ảnh về Toán Xồm đã đi vào lịch sử của nhạc vàng.
Quán Lộc Vàng mở đã khá lâu, nhưng vì chất nghệ sĩ của anh Lộc, quan tâm được hát nhiều hơn là bán đồ giải khát hay café, khách đến ít, kinh doanh lỗ nhiều. Phần đông là khách lớn tuổi muốn quay về thời xưa, cánh trẻ ít hơn. Bạn bè nghệ sĩ cũng thương mà tới. Quán tồi tàn nằm ngay cạnh đường, xe pháo đi lại, không hợp cho việc nghe nhạc. Nhạc vàng cần một phòng cỡ Nhà hát Lớn mới nghe thấu được những giai điệu đẹp tình tứ sống mãi với thời gian.
Có lần ra Lộc Vàng làm ly café và nghe nhạc thì gặp nhóm các nhà văn về dự đại hội tại Hà Nội. Thấy cả Nguyễn Ngọc Tư cười rất tươi, chả hiểu chị biết mình là ai, nhưng bảo tôi chụp nhé, chị cười và cho chụp luôn. Các anh chị tới đây vì ca sĩ hát, có người còn đưa tiền giúp anh Lộc, người lên tặng hoa kèm tiền cho các ca sĩ.
Anh Toán cố gắng đi lại động viên anh Lộc, ghi lại bằng ảnh các thời khắc của ca sĩ Lộc Vàng mà theo anh, giọng ca sẽ bớt đi âm hưởng trầm ấm theo thời gian. Lần nào có biểu diễn anh Toán cũng đến chụp vài pô, một sự cần mẫn hiếm có của người cầm máy.
Khi chia tay, anh Toán có nói, hôm sau (10-07-2015) là kỷ niệm 20 năm ngày mất của Văn Cao, người được anh đưa vào ống kính nhiều nhất. Anh kể thời Văn Cao còn sống, anh thường đến nhà Văn Cao chơi. Người nghệ sĩ già ngồi với ly rượu và điếu thuốc trên tay, im lặng. Anh chụp rất nhiều thành kho ảnh Văn Cao.
Có một đặc điểm, anh chưa chụp được một khoảnh khắc nào Văn Cao cười thật sự. Không thể hiểu nổi tác giả của Quốc ca nổi tiếng vang lên trầm hùng mỗi sáng mà chẳng có nét mặt vui trên ảnh để lại cho thế gian.
Hôm đó về nhà khá muộn, tôi cố viết vài dòng về một người cầm ống kính ghi lại khoảnh khắc của những người nghệ sĩ mà số phận họ gắn với sự long đong của đất nước đầy máu và nước mắt. Cũng bởi người quản lý văn hóa không đủ tầm văn hóa, mà nghệ sĩ thì không nên quản lý chút nào. Thiếu tự do sáng tạo đừng mong đất nước có những tác phẩm để đời.
Người hát nhạc vàng Toán Xồm chết đau đớn trên phố, không người thân thiết. Hoàng Cầm đã đi xa sau bao nỗi truân chuyên với đời. Văn Cao đã về với “Chốn Thiên Thai nơi ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian…” không còn trên trái đất này.
Lộc Vàng đang hát thì tuổi đã ngoài 70, rồi phải chuyển địa điểm mấy lần, mỗi lần hát Nguyễn Đình Toán đều xuất hiện để chụp.
Còn bao nghệ sĩ khác có trong ống kính của nhà nhiếp ảnh chuyên về chân dung như một duyên phận mà cuộc đời đã dành cho anh.
Viết mấy dòng này muốn cảm ơn Nguyễn Đình Toán vì sự tình cờ hơn 20 năm trước, khoảnh khắc ngắn ngủi đã giúp người viết bài này đọc được ảnh, và gần đây bỗng yêu ống kính tròn một cách lạ lùng.
Cảm ơn anh Toán, như Osin gọi anh là, người chép sử bằng ảnh.
HIỆU MINH 02.06.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.