Vậy là nước Úc có vua mới: Charles Đệ Tam, 73 tuổi. Ít ai biết rằng ông là người đầu tiên trong hoàng tộc có bằng cử nhân.
Khác với thân mẫu không có học ở trường nào (bà chỉ học trong Điện Buckingham), vua Charles III được học hành bài bản. Theo wiki, lúc 6 tuổi ông theo học tại trường Hill House School ở Chelsea (London). Trong thời gian chừng 6 tháng theo học, báo cáo điểm của trường ghi rằng cậu bé Charles tuy học có phần chậm nhưng học lực trên trung bình.
Đến năm 1962, Charles được chuyển đến trường nội trú Gordonstoun ở Tô Cách Lan, nơi mà cha ông (Hoàng thân Philip) từng theo học trước đây. Charles theo học ở đây được 5 năm. Theo vài nguồn (kể cả phim ảnh) thì Charles không mặn mà với trường Gordonstoun, thậm chí có đồn rằng Charles từng bị đám học trò khác ăn hiếp ở đây.
Năm 1966, lúc đó là Thái tử Charles được đi học ở trường Timbertop (gần Melbourne, Úc) theo một chương trình trao đổi học sinh. Đáng lý ra Charles chỉ học một học kỳ ở đây, nhưng cậu thiếu niên học đến 2 học kỳ. Trong một lần trả lời phỏng vấn của BBC, Charles cho biết thời gian ở Úc là "nghiêm ngặt và khó" hơn Gordonstoun, nhưng Charles lại thích môi trường ở Úc. Nói chung, Charles có vẻ có cảm tình với Úc. Sau đó Charles quay về Gordonstoun tiếp tục học năm cuối.
Năm 1967, sau khi tốt nghiệp điểm O về Anh ngữ, Văn học, Pháp ngữ, Latin và Sử, Charles được nhận vào học ở Trinity College (một trường college của Đại học Cambridge). Charles theo học môn khảo cổ học và nhân chủng học ở đây. Năm 1970, Charles tốt nghiệp cử nhân. Lúc đó, Charles là người đầu tiên trong hoàng tộc có bằng cử nhân.
Charles tiếp tục học về Arts cũng tại Đại học Cambridge. Năm 1975 ông được trao văn bằng Cao học (nhưng đây không phải là một văn bằng chánh thức mà chỉ là một hạng trong thứ bậc khoa bảng).
Theo truyền thống hoàng gia, Charles đi lính và phục vụ trong Không quân Hoàng gia Anh (Royal Air Force) và sau này là Hải quân Hoàng gia Anh (Royal Navy). Ngay trong thời còn học đại học, ông đã được huấn luyện lái máy bay quân sự. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, ông phục vụ trên tàu khu trục (destroyer) HMS Norfolk và tàu hộ tống HMS Minerva và HMS Jupiter. Năm 1974 ông được công nhận là phi công trực thăng, và dần dần được thăng chức lên chức chỉ huy tàu dò mìn HMS Bronington. Năm 1994, sau một tai nạn đáp máy bay, ông không còn lái máy bay nữa. Chức vụ cao nhứt trong quân đội của ông là colonel-in-chief (tổng chỉ huy) trung đoàn nhảy dù.
Ông có nhiều câu nói (kể cả những câu hài hước) để đời, nhưng câu nói tôi thích nhứt là câu này (lược dịch): "Tôi cảm thấy trên hết nhiệm vụ của tôi là quan tâm đến mọi người và cuộc sống của họ trong đất nước này, và tìm cách trong quyền lực của tôi, cải thiện cuộc sống cho họ." (I feel more than anything else it's my duty to worry about everybody and their lives in this country, to try to find a way of improving things if I possibly can).
Có thể nói rằng vương triều Anh là một vương triều thành công nhứt trong lịch sử. Được thiết lập chừng 1.000 năm trước (nếu tính từ 1066), nước Anh đã trải qua 62 quốc vương hay nữ hoàng, và xem ra họ vẫn sẽ tồn tại trong tương lai. Họ có lý do để tồn tại vì họ được nhiều người dân tôn kính và họ cũng đem lại vinh dự cho người Anh.
Ở Úc, có thời một số người đòi bỏ chế độ quân chủ và trở thành một nước cộng hòa, thế nhưng qua trưng cầu dân ý thì đa số người Úc vẫn muốn duy trì chế độ quân chủ. Rất nhiều người Úc (có thể kể cả tôi) thọ ơn của vương triều Anh, nên họ sẽ khó mà bỏ được những kỷ niệm và hoài niệm liên quan đến Hoàng gia Anh.
NGUYỄN VĂN TUẤN 07.05.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.