lundi 1 mai 2023

Nguyễn Quang Lập - Ghi chép về một ngày khó quên (2)

10 giờ 30. Bộ đội trung đoàn 24 sư đoàn 10 chiếm được cổng số 5 Sân bay Tân Sơn Nhất. Lính Cộng hòa ôm súng ngồi ngẩn, họ đã nghe tuyên cáo của Tổng thống. Bộ đội cũng đã biết tuyên cáo này, họ đối xử rất nhẹ nhàng với lính Cộng hòa. Bộ đội tập trung tù binh lại yêu cầu lính Cộng hòa nộp vũ khí, cởi hết quân phục, rồi ai về nhà nấy. Lính Cộng hòa làm theo nhưng rất ít người về. Họ ngồi lại, không ai nói với ai, có người khóc.

Lữ đoàn 203 tăng – thiết giáp qua cầu Sài Gòn. Một dàn tăng M48 của lính Cộng hòa nghênh chiến. Tàu chiến Quân lực Cộng hòa giữa sông đang lao tới. Đúng lúc Dương Văn Minh đọc tuyên cáo. Tất cả khựng lại. Thừa dịp tăng Lữ đoàn bộ đội 203 tiến vào Hàng Xanh, chục chiếc tăng chia làm hai ngả. Năm chiếc vào đường Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Thị Minh Khai), năm chiếc vào đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Cả hai cánh đều hướng về Dinh Độc Lập.

Một trung đội lính Cộng hòa ngồi dưới chân cầu Sài Gòn, họ hút với nhau một điếu thuốc rồi giải tán. Giản dị như cày xong thửa ruộng.

Khắp các đường phố ngổn ngang áo quần mũ mão giày dép lính Cộng hòa. Từng tốp năm ba người lính Cộng hòa mặc quần đùi lủi thủi đi bên vỉa hè.

Nhà báo Jean Lartéguy, tác giả cuốn “Vĩnh biệt Sài Gòn”, kể về ít phút sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh trên Đài phát thanh Sài Gòn, ông viết: “Và bỗng nhiên, từ nơi quan sát, tôi trông thấy một đơn vị Dù (Quân lực Cộng hòa) di chuyển dọc hai bên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) theo đội hình chiến đấu. Súng cầm tay, họ điều động trong một trật tự hoàn hảo. Khi các sĩ quan ra dấu, họ ngừng lại, núp sau những cánh cửa rồi tiến lên. Sắp giao tranh tại Sài Gòn chăng? Trông những người lính này quyết tâm lắm. Khi tới ngang nhà hàng Continental họ quẹo về hướng chợ Bến Thành. Một hiệu lệnh được ban ra. Thế là họ trút bỏ hết quân phục và khí giới với đồ trang bị rồi bỏ chạy.”

Sau tuyên bố tan hàng của Dương Văn Minh, một đại tá Quân lực Cộng hòa và hơn 100 biệt động quân rút về Đại học Vạn Hạnh, định chiếm nơi này làm nơi tử thủ. Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Sài Gòn, cùng nhiều sinh viên đã ngăn cản nhóm biệt động quân này. Đại tá ra lệnh cho các biệt động quân bỏ khí giới và quân phục. Nguyễn Hữu Thái đã cấp cho mỗi người một giấy chứng nhận ronéo, ghi: “Binh sĩ này đã nộp súng và được phép về nhà”. Ký: Ủy ban sinh viên – học sinh Cách mạng.

11 giờ. Chiến sự ở Tân Sơn Nhất đã tạm yên, bộ đội đã làm chủ hoàn toàn. Cổng chính vào sân bay nhiều lính Cộng hòa mặc quần đùi túm tụm đứng ngồi hút thuốc uống nước. Gần đấy có bức tượng nhỏ tạc lính Mỹ TQLC với hàng chữ: “Sự hy sinh cao cả của Người lính đồng minh không bao giờ bị lãng quên”. Nghe nói Tổng thống Thiệu cho dựng tượng này vào năm 1970 để nhớ những lính Mỹ chết trong chiến tranh, chủ yếu để nịnh Mỹ.

Giờ này ông chủ bức tượng lính Mỹ kia, cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đang ăn cơm với anh trai là Đại sứ Nguyễn Văn Kiểu ở Đài Bắc. Không biết trong bữa cơm ông Thiệu nói những gì, chắc chắn sẽ có chửi Mỹ trong câu chuyện. Năm 1973 sau Hiệp định Paris ông Thiệu đã chửi Kissinger là “Thằng chó đẻ”. Tất nhiên là chửi sau lưng nhưng Kissinger nghe được, ông thề sẽ không bao giờ ghé lại Sài Gòn. Tổng thống Richard Nixon ra sức xoa dịu Kissinger, dỗ như dỗ con nít, nói: “Không có gì đâu. Rồi ông sẽ thấy ông không phải là con chó đẻ.”

Giờ này ngày hôm qua 29.4, bà Anna Chennault từ Mỹ bay sang Đài Bắc gặp Thiệu. Người đẹp quý bà này là quả phụ tướng Claire Chennault – Cựu tư lệnh Không đoàn 14 Phi Hổ (Flying Tigers) nhóm tình nguyện của Mỹ nổi tiếng trong Đệ nhị thế chiến (ông này đã tặng ảnh có chữ ký cho Hồ Chí Minh năm 1945 ở Côn Minh, nhờ vậy mà thiên hạ đồn rầm lên Việt Minh được Mỹ ủng hộ).

Chồng chết, bà Anna Chennault hoạt động lobby cho Đài Loan với Mỹ, năm 1968 bà đã xúi Thiệu tẩy chay Hội nghị Paris giúp Richard Nixon Đảng Cộng hòa đả bại Hubert Humphrey Đảng Dân Chủ, đắc cử Tổng thống. Bà Chennault gửi lời nhắn của Nhà Trắng không cho Thiệu tị nạn: “Tổng thống nên đi nơi khác, nhưng gia đình có thể vào Hoa Kỳ được.” Mỹ có đem kiệu rước ông Thiệu cũng không thèm vào đất nước của “Thằng chó đẻ”. Ông Thiệu nhếch mép cười, nói: “Làm kẻ thù của Hoa Kỳ thì dễ, nhưng làm bạn của họ thì thật khó.” Khó dễ tùy ở ông, khi người ta không muốn làm bạn với ông nữa thì khó lắm.

Nữ ký giả Ý Oriana Fallaci xếp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào một trong 10 lãnh tụ giỏi nhất thế giới. Lãnh tụ giỏi nhất thế giới coi “Tổ quốc” của ông tương ứng với các khoản viện trợ Mỹ. 1,4 tỉ đô từ sông Bến Hải vào đến Mũi Cà Mau. 1,1 tỉ đô “hy sinh” 5 tỉnh phía Bắc, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. 900 triệu đô “hy sinh nốt 7 tỉnh Cao nguyên và 5 tỉnh duyên hải Nam miền Trung. 750 triệu đô “Tổ quốc” của ông Thiệu “Đầu nhỏ đít to” Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long và cái đầu nhỏ Tuy Hòa. Từ “Quyết không nhường một tấc đất” đến “Giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, ông Thiệu đã “bảo vệ Tổ quốc” theo cách các cò đất. “Ta có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như mất đất vậy”, chân lý của tướng John Murray cũng là chân lý “cò đất” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Chân lý ấy chống lại “Tổ quốc” của ông Thiệu nhưng giúp ông và tướng lĩnh kiếm được khẳm tiền. Khi bỏ nước ra đi, ông Thiệu chỉ mang theo 200 ngàn đô và một ít nữ trang của phu nhân Tổng thống, bà Nguyễn Thị Mai Anh. Nhưng sách “55 ngày & 55 đêm – Cuộc sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa” của Chính Đạo Vũ Ngự Chiêu, cho hay: “Ngoài số vàng 5 triệu Mỹ kim ở Thụy Sĩ, tài sản Thiệu thu thập được qua việc trộm của công, buôn lậu nha phiến, vàng bạc, kim cương, và buôn bán các chức vụ Chánh Án, Tỉnh Trưởng, Tư Lệnh Sư đoàn, v.v… ước lượng vào khoảng 50 triệu Mỹ kim. Đường dây chuyển ngân là Công ty Hàng Không Việt Nam, do sui gia của Thiệu chỉ huy.”

Ông Thiệu và hệ thống ươn hèn vì tham nhũng của ông đã cho Quốc hội Mỹ một câu trả lời trước yêu cầu của Tổng thống Ford 722 triệu đô viện trợ quân sự và 250 triệu đô viện trợ kinh tế ngày 19.4.75, là: “Get out, fast” (Rút ngay, thực nhanh), không có câu trả lời thứ hai.

11 giờ 15. Tổng nha Cảnh sát tan hàng không còn một ai. Ông Thái Doãn Mẫn kể, khi cánh quân Ban an ninh T4 của Thành Ủy Sài Gòn do ông dẫn đầu vào tới đây thì đã vắng vẻ. Một nồi cơm điện ăn chưa hết, cơm hãy còn nóng.

Trường đua Phú Thọ, hai xe tăng T54 bộ đội và M48 Quân lực Cộng hòa đấu nhau. Cả hai đều cháy dính vào nhau. Lính hai xe không ai sống sót.

Lăng Cha Cả một dàn xe tăng M48 Quân lực Cộng hòa sáu chiếc dàn hàng ngang đứng trơ giữa đường, lính tráng chạy đâu cả.

Sách “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa” của Nguyễn Khắc Ngữ chép: “Trên đường Gia Long, hai xe vận tải nhà binh chế tạo tại Nga mang hiệu Motolova, cho một trung đội Việt Cộng (VC) mặc quân phục đến chiếm Bộ Quốc phòng. Khi bộ đội VC chạy vào Bộ Quốc phòng thì một Trung tá Việt Nam Cộng hòa đang đứng ở cột cờ rút súng toan tự tử. Các bộ đội VC vội vàng chạy lại ôm lấy ông ta và giật lấy súng. Đó là Trung tá Nguyễn Văn Cung, một sĩ quan tác chiến thuộc sư đoàn 18 Bộ binh.

Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Nguyễn Văn Cung cùng ba sĩ quan khác lấy một xe Jeep chạy về Bộ Quốc phòng. Bộ đội VC đã vào đến Sài Gòn, ông hòan toàn thất vọng định tự tử. Nguyễn Văn Cung bị VC bắt đi, ông đã nói thẳng với họ rằng: “Các ông là người thắng trận, chúng tôi là người thua trận. Các ông có chính quyền, có súng đạn trong tay, các ông đem tôi bắn bỏ, đời tôi cũng không ân hận.” Một cán binh VC đã bảo Cung: “Cách mạng không cần cái chết của anh. Cách mạng cần anh suy ngẫm về những tội ác mà anh đã phạm, làm lại cuộc đời một người dân lương thiện.”

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, người đã trực tiếp kiểm kê 16 tấn vàng Chính quyền Việt Nam Cộng hòa để lại (mà người ta đồn “Ông Thiệu đã mang đi.”) Ông Sơn cùng nhiều người dân túa ra hai bên đường Thống Nhất “xem bộ đội”. Ông kể: “Khoảng 11 giờ tôi nghe tiếng gầm rít của xích sắt toán xe tăng đầu tiên tiến vào trung tâm thành phố từ ngõ Thị Nghè. Tôi và một số người khác kéo nhau đến sát tường rào trường Dược để xem. Đứng cạnh tôi là anh Đại úy dù Quân lực Cộng hòa, người chỉ huy đại đội dù đóng trên tầng ba Đại học Dược. Anh còn mặc nguyên bộ áo rằn ri của lính dù, chỉ để đầu trần.

Đột nhiên, chiếc xe tăng cắm cờ giải phóng đi đầu quay ngoắt lại, leo lên lề đường, tiến sát vào bờ rào. Tôi có cảm tưởng như nòng pháo đang chĩa thẳng vào mặt mình. Tôi nhìn thấy rất rõ họng súng đen ngòm với những khía hình răng cưa ở miệng súng. Một người lính trên pháo tháp đột nhiên đứng dậy, rút khẩu súng K.54 ra lên cò và chĩa thẳng vào anh Đại úy dù đang đứng sát cạnh tôi. Thời gian bỗng như đông lại trong đầu tôi. Tôi có cảm giác sẽ nghe tiếng súng nổ, và người lính dù đổ gục xuống.

Nhưng một người lính khác cũng đang đứng trên pháo tháp, có lẽ là người chỉ huy, đưa bàn tay gạt khẩu K.54 xuống. Anh từ tốn hỏi người lính dù: “Đã đầu hàng rồi, sao anh còn ở đây?”. Người lính dù cũng bình tĩnh trả lời: “Chúng tôi đã tuân lệnh buông súng, tôi chỉ đứng đây xem thôi.” Người chỉ huy phất tay ra hiệu, chiếc xe tăng đột nhiên quay ngoắt ra nhanh không kém và chạy ầm ầm về phía trước, hướng về Dinh Độc Lập. Đoàn xe tăng gồm năm, sáu chiếc tiếp tục kéo theo sau, tiếng xích sắt kêu rít mặt đường nhựa. Sau một lúc tôi nghe tiếng ầm thật lớn. Tôi cứ nghĩ là tiếng đại bác nổ, sau này mới biết là tiếng xe tăng húc đổ cổng dinh.”

Đó là chiếc xe tăng 390 của lữ đoàn 203, người chỉ huy hỏi viên Đại úy dù là thiếu úy Lê Văn Phượng. Người chụp được bức ảnh độc nhất vô nhị chiếc tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập là nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder, người mẫu nghiệp dư, nhà báo cũng nghiệp dư. Bà đã bám theo Dương Văn Minh vào dinh. Khi trung tá Nguyễn Văn Binh ra đóng cổng Dinh, bà chạy ra và phục sẵn. Nửa giờ sau, xe tăng 390 lao đến húc cổng. Thế là Demulder có bức ảnh để đời.

11 giờ 25. Không xác định được giờ xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập: 12 giờ 05? 10 giờ 45? 11 giờ 10? 11 giờ 15? 12 giờ 10? 11 giờ 30? vì không có bằng chứng xác thực để xác định là giờ nào? “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức kể chuyện treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập, sách này chép: “Phải mất khá lâu, ba người đi cùng mới giúp Bùi Quang Thận hạ lá cờ ba sọc vàng xuống bởi nó khá lớn và được buộc dây chắc chắn. Bùi Quang Thận kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng nửa xanh nửa đỏ có sao vàng ở giữa lên, sau khi viết và ký tên vào: “11 giờ 30 ngày 30-4. Thận”. Cứ tin ông Thận có đồng hồ, trước khi ký tên vào cờ ông có nhìn đồng hồ. Căn cứ vào giờ treo cờ có thể đoán thời gian ông Thận tới Dinh Độc Lập là khoảng 11 giờ 20-11 giờ 25, cùng thời gian với xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh.

“Hồi ký không tên” của nhà báo Lý Quý Chung, người luôn bên Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập trưa 30.4, sách này chép: “Khoảng hơn 11 giờ 30 sáng, chiếc tăng đầu tiên loại T.54 xuất hiện ở từ đầu kia đại lộ Thống Nhất, phía Thảo Cầm Viên. Tổng thống Minh và các thành viên chính phủ cùng một số dân biểu nghị sĩ ra đứng tiền đình của Dinh Độc Lập để chuẩn bị đón tiếp. Chiếc tăng to lớn tiến gần, đến khoảng Nhà thờ Đức Bà thì đột ngột bắn chỉ thiên hai phát đại bác gây hoảng hốt cho tất cả mọi người đang đứng chờ ở tiền đình. Thế là tất cả lui vào phòng làm việc của ông Thiệu và lo lắng chờ.

Chỉ ít phút sau, tiếng chân người vang dội trong đại sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô to từ phía đại sảnh: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!”… Người bước ra khỏi phòng trước tiên là Tổng thống Dương Văn Minh. Tiếp theo là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu đều rất bình tĩnh, sự bình tĩnh của hai ông cũng truyền sang tôi. Tôi trao cái cặp da xách tay của tôi cho Dân biểu Thạch Phen rồi mạnh dạn bước theo.

Chúng tôi vừa ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia có nhiều bộ đội cầm súng và hô to: “Mọi người giơ hai tay lên!”. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người đi phía sau đều nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt lẫn với bộ đội. Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc, đã từng hoạt động báo chí hoặc trong các phong trào đấu tranh học sinh sinh viên. Tôi nhớ hình như có anh Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), Triệu Bình, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, v.v… Ai đó, tôi không nhớ rõ, chạy đến ôm tôi nâng lên khỏi mặt đất và nói to trong sự mừng rỡ tột cùng: “Mình thắng rồi!”, trong lúc hai tay tôi vẫn giơ cao trong tư thế đầu hàng. Nước mắt tôi trào ra, tôi khóc…”

Tin rằng đó là những giọt nước mắt thành thật của nhà báo Lý Quý Chung, sau này là Thư ký Tòa soạn báo Lao Động, bút danh Chánh Trinh.

11 giờ 30. Đại úy Bùi Quang Thận là người treo cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập vào 11 giờ 30, việc này có vật chứng là chữ ký ông Thận ghi ngày giờ trên lá cờ. Nhưng ai là người đưa ông Thận lên nóc Dinh Độc Lập để treo cờ? Có năm người tự nhận chính mình. Có lẽ cả năm đều không nói dối. Trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30.4 có nhiều cờ Giải phóng được treo lên sau lá cờ của Bùi Quang Thận. Cả năm người đưa năm bộ đội khác nhau vào năm thời điểm khác nhau lên nóc Dinh Độc Lập. Chẳng ai biết tên các bộ đội mình đã dẫn đường. Ngày hôm sau 1.5.1975 báo chí đăng tên bộ đội Bùi Quang Thận treo cờ thì cả năm người đều tin bộ đội được mình đưa đi treo cờ tên là Bùi Quang Thận. Vì thế mới có chuyện giờ treo cờ cũng khác nhau: 12 giờ 30, 11 giờ 30, 11 giờ, 12 giờ 15. Còn việc đâm bổ vào kính tường và sợ vào cầu thang máy, thời điểm đó bộ đội nào cũng vậy cả.

Vẫn “Hồi ký không tên”, nhà báo Lý Quý Chung viết: “Một người bộ đội (tôi không rõ quân hàm) nói với Tổng thống Minh: “Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy quyền.” Ông Minh quay qua tôi đứng bên cạnh: “Chung, toa hướng dẫn người này lên sân thượng.” Sau này tôi mới biết đó là Đại úy Bùi Quang Thận. Nói về sự kiện 30.4 tại Dinh Độc Lập có một bài viết kể tên một ai đó đã đưa bộ đội lên hạ cờ. Tôi không biết ở Dinh Độc Lập còn có một nơi nào khác treo cờ hay không ngoài cột cờ sân thượng. Năm 1990, khi kỷ niệm 15 năm giải phóng Miền Nam, một hãng truyền hình Nhật có mời tôi và Trung tá Bùi Quang Thận cùng tái hiện lại những giây phút tôi đưa Đại úy Thận lên sân thượng Dinh Độc Lập để hạ cờ của chế độ Sài Gòn.”


Câu chuyện của ông Lý Quý Chung làm tôi tin chính ông là người dẫn đường cho Đại úy Bùi Quang Thận. Dù có mấy phút gần nhau và đã 15 năm ông Thận có thể quên, nhưng khi tái hiện cùng nhau, quay đi quay lại nhiều lần, nhất định ông Thận sẽ nhớ. Nếu không phải Lý Quý Chung dẫn đường, Bùi Quang Thận sẽ lên tiếng.

11 giờ 40. Tại Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, Trung sĩ Trần Văn Minh đã tự sát bằng súng Colt 45. Trung sĩ Huỳnh Hồng Hiệp kể: “Sau lưng tôi, Minh khóc và nói một mình “Thôi rồi, mất nước rồi.” Nói xong anh Minh bước tới gần cột cờ, nghiêm chỉnh đưa tay lên, chào xong móc khẩu Colt 45 bên hông kê lên màng tang. Một tiếng nổ đơn độc vang lên. Tôi chắc tiếng nổ đó đã hòa tan trong tiếng máy của hàng trăm chiếc xe Honda, Vespa, Suzuki. Minh ngã xuống.”

Trước đó 10 phút, 11 giờ 30, dưới chân tượng đài TQLC, đối diện với tòa nhà Quốc hội Việt Nam Cộng hòa Trung tá cảnh sát Nguyễn Văn Long cũng tự sát bằng súng Colt 45. Trung tá Nguyễn Văn Long sinh tại Phú Hội, Huế ngày 1 tháng 6 năm 1919, 56 tuổi, là người cao tuổi nhất trong số các vị tuẫn tiết.

Một danh sách 38 tướng tá tự sát trong ngày 30.4. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam 11 giờ 30. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng 20 giờ 45. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ 11 giờ. Chuẩn tướng Trần Văn Hai 12 giờ đêm. Thiếu tướng Phạm Văn Phú 12 giờ trưa. Còn lại là 31 sĩ quan cấp tá, trong đó có Trung tá Nguyễn Văn Long.

12 giờ. Ông Nguyễn Hữu Thái, người có mặt từ khi bộ đội vào Dinh Độc Lập 11 giờ 30 cho đến khi Đài phát thanh Sài Gòn thu phát xong tuyên cáo Đầu hàng vô điều kiện 13 giờ 30. Ông Thái đã kể cho con gái ông những gì xảy ra từ 12 giờ -13 giờ 30, đăng trong sách: “30.4.75 Sự kiện & Đối thoại của một gia đình”, xin trích đoạn: “Binh lính bảo vệ Dinh Độc Lập đã bị dồn lại tập trung trên bãi cỏ trước Dinh, để tay lên đầu, không ai bị còng tay. Các chỉ huy cấp thấp Quân giải phóng cũng có người muốn trói các thành viên trong nội các Dương Văn Minh. Nhưng Chính ủy xe tăng 203 Bùi Văn Tùng xuất hiện, ông khá hòa nhã nhưng cương quyết, chỉ mời các ông Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh nói lời đầu hàng. Chính ủy Bùi Văn Tùng thảo ra lời đầu hàng. Tướng Minh có đề nghị chỉ nêu chức danh Đại tướng để nhân dân có cảm tình hơn, không nên dùng chữ “Tổng thống” dân không ưa. Nhưng ông Tùng không chịu, yêu cầu nêu cả chức danh tổng thống thì mới ra lệnh được cho cả quân sự và dân sự. Dù sao ông Minh cũng làm Tổng thống được ba ngày rồi.

Các bên đều mệt mỏi, mất ngủ nên Tổng thống Minh đọc va vấp mấy lần. Máy Đài vẫn chạy nhưng nhân viên Đài đã biến đi đâu mất cả. Khi Chính ủy Tùng thảo lời đầu hàng cho Tướng Minh đọc, sinh viên phải chạy đi tìm kỹ thuật viên, nhà ở gần đài, đến vận hành. Nội dung phát ba phụ trách, làm luôn MC, chủ yếu phát đi các lời của Tổng thống Minh, Chính ủy Tùng, cùng Thủ tướng Mẫu kêu gọi công nhân viên chức bàn giao cho Cách mạng và sinh hoạt bình thường.”

12 giờ 30. Kissinger đòi trả lại nửa giải Nobel Hòa Bình 1973 (nửa giải còn lại thuộc về Lê Đức Thọ nhưng ông đã không nhận từ đầu). Nhà báo Olivier Todd, tác giả cuốn “Tháng Tư nghiệt ngã”, cho hay: Cũng trong ngày 30 tháng 4 này, ông Kissinger viết thư cho bà Lionnaes, thư ký của giải Nobel về Hòa Bình. Ông mong muốn được trả lại cả giải thưởng và số tiền. Nhưng Ủy ban ở Na Uy từ khước. Olivier Todd bình luận: “Đối với ông Kissinger, với tư cách con người, và một người của chính quyền, sự kiện Sài Gòn thất thủ đã thể hiện một sự thất bại thật to lớn, thật rõ ràng và thật nặng nề cho sự nghiệp của ông ta.”

13 giờ. Dương Văn Minh đọc tuyên cáo “Đầu hàng vô điều kiện” cho Nguyễn Hữu Thái ghi âm, chấm dứt nhiệm kỳ Tổng thống ngắn nhất lịch sử thế giới, cũng có thể ngắn nhất lịch sử loài người.

13 giờ 30. Nghe tuyên cáo “Đầu hàng vô điều kiện” của Dương Văn Minh phát trên Đài Sài Gòn, nghe cả tiếng MC Nguyễn Hữu Thái, biết Nguyễn Hữu Thái đang ở Đài, Trịnh Công Sơn, Huỳnh Ngọc Chênh và một số sinh viên chạy đến Đài. Nguyễn Hữu Thái quyết định làm một chương trình phát thanh. Nguyễn Hữu Thái mở đầu: “…Cách mạng Sài Gòn, Chợ Lớn Gia Định và chúng tôi xin công bố là thành phố Sài Gòn đã được giải phóng lúc 12 giờ ngày hôm nay, 30 tháng 4 năm 1975. Chúng tôi xin đồng bào hãy bình thản và bình tĩnh tiếp tục cuộc sống bình thường. Quân đội cách mạng đã làm chủ hòan toàn thành phố và hiện tại chúng tôi […]. Như thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn và toàn quốc đã biết, chúng tôi xin giới thiệu anh Sơn có thể nói vài lời và cũng là hát cho quý vị nghe một bài ngăn ngắn.”

Trịnh Công Sơn phát biểu: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này… Tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn guitar, tôi xin hát lại cái bài “Nối vòng tay lớn”. Hôm nay, thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết. Và Trịnh Công Sơn đập nhịp hát cùng vài anh em: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…”


Tàu Trường Xuân là tàu ra đi cuối cùng. Khi Trịnh Công Sơn và nhóm sinh viên hát “Nối vòng tay lớn” trên Đài phát thanh Sài Gòn, con tàu trọng tải 2.500 tấn, dài 85 m, rộng 12 m, chở bốn ngàn nhân mạng rời Thương cảng Sài Gòn, không ai ngăn cản. Chẳng may tàu chết máy trôi dạt ngoài khơi mấy ngày liền. Không nước không thực phẩm, bốn ngàn người đói khát phơi nắng, không ít người chết và tự tử. May có tàu hàng Đan Mạch của Thuyền trưởng Olsen phát hiện và cấp cứu, đưa về Hương Cảng lúc 19 giờ ngày 4.5.75.

14 giờ 30. Nhiều người cứ tưởng chiến tranh đã chấm dứt lúc 13 giờ 30, giờ mà Trịnh Công Sơn trực tiếp hát “Nối vòng tay lớn” trên Đài phát thanh Sài Gòn. Nhưng không. Cuộc chiến vẫn còn ở một góc Thành phố.

Ở sân bay Tân Sơn Nhất, một nhóm lính Cộng hòa với một khẩu M.60 và hơn chục khẩu AR15. Bộ đội trung đoàn 24, sư đoàn 10 ra sức dùng loa và bụm tay kêu gọi đầu hàng nhưng họ vẫn không chịu, đáp lại hàng tràng súng máy và M79. Không thể buộc nhóm lính Cộng hòa tan hàng, bộ đội điều tới một tăng T.54 với họng súng DK.100 ly trực chỉ vào ổ kháng cự nã độc một phát viên đạn xuyên (không phải đạn phá, để không tiêu diệt cả ổ). Đó mới là viên đạn cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng là viên đạn cuối cùng của chiến tranh, vừa đúng 14 giờ 30.


Bộ đội Đại đội 7, tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư 10 vừa chấm dứt cuộc chiến nói trên, đi bộ thành hàng trên vỉa hè, mặt mày ai nấy nhàu nhĩ nhem nhuốc ám khói. Họ mệt mỏi lầm lì đi. Từ quán cà phê một cô gái chạy ra chặn lấy anh bộ đội trắng trẻo đẹp trai đi cuối, chụp lấy tay anh, nói: “Cho em bắt tay chú giải phóng!”. Rồi cô le te chạy, vừa chạy vừa cười. Anh lính trẻ mỉm cười tẽn tò, nhìn theo cô gái. Đó là Trung sĩ Hòang Ấu Phương, 20 năm sau là nhà văn Bảo Ninh, tác giả cuốn tiểu thuyết bất hủ: “Nỗi buồn chiến tranh.”

Củ Chi 17.3.2023

NGUYỄN QUANG LẬP

Nguồn : vanviet

Nguyễn Quang Lập - Ghi chép về một ngày khó quên (1)

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.