jeudi 11 mai 2023

Ngô Nhân Dụng - Vay nợ hay phá sản?

 

Khi chính phủ Mỹ không có tiền trả lãi và vốn từ các món nợ cũ thì Công khố phiếu Mỹ sẽ mất giá trị, hậu quả dây chuyền sẽ lan ra cả thế giới.

Chỉ có hai quốc gia hạn chế quyền vay nợ của chính phủ, là Hoa Kỳ và Đan Mạch. Quốc hội biểu quyết số nợ tối đa, chính phủ không được vay nhiều trên cái “Trần Nợ” này.

Nhưng cái Trần Nợ ở Đan Mạch rất cao, đến năm 2010 chính phủ suýt đụng đầu, quốc hội bèn nâng lên cao gấp đôi. Một số nước không ấn định số tiền tối đa mà chỉ đòi tổng số nợ thấp hơn một tỉ lệ so với Tổng Sản Lượng Kinh tế. Thí dụ, Ba Lan không cho phép số nợ cao hơn 60% GDP; nước Đức đặt giới hạn dưới một phần ba GDP. Chỉ có chính phủ Mỹ cứ mấy năm lại phải xin quốc hội nâng cái Trần Nợ lên cao một chút để được phép đi vay thêm. Khi Tòa Bạch Ốc và Quốc hội do hai đảng khác nhau kiểm soát thì thế nào cũng tranh cãi gay go; như hiện nay, năm 2023.

Quốc hội là cơ quan quyết định ngân sách của nhà nước, từ chi phí quân sự đến các chương trình y tế, giáo dục, xã hội, vân vân. Muốn có tiền, chính phủ đánh thuế; nếu số thuế thu không đủ tiêu thì đi vay.

Chính phủ Mỹ mỗi tuần đều bán công khố phiếu (thường gọi tắt là Treasuries) thu tiền vào, tức là vay nợ những người mua công trái. Trong các nước với nền kinh tế lớn, chính phủ Nhật Bản nợ nhiều nhất, so với Sản Lượng Quốc gia, GDP. May mắn cho hai nước Nhật và Mỹ là họ vay nợ người trong nước nhiều nhất, số nợ người nước ngoài không đáng kể. Tức là tiền từ túi người dân được gửi cho chính phủ xài, coi như để dành, cho vay lấy lãi.

Chính phủ Mỹ đã đụng đầu vào “trần” từ tháng Giêng năm 2023, khi số nợ lên tới $31,4 ngàn tỉ đô la. Bộ Tài Chánh không được vay nữa, phải “du di” các món chưa dùng trong ngân sách để xài tạm vào các mục đã hết tiền. Nhưng từ đầu tháng Sáu, sẽ bắt buộc phải vay nợ thêm mới có tiền chi tiêu. Ngoài những món tiền trả lương cho nhân viên công chức, quân đội, các nhà cung cấp, vân vân, chính phủ còn phải trả tiền lãi các món nợ cũ. Trong ba tháng đầu năm nay riêng số tiền lãi đã lên tới một ngàn tỉ đô la! Nếu không thanh toán được thì chính phủ bị “vỡ nợ.”

Chuyện đó có thể xảy ra nếu Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không thỏa thuận được với nhau. Ông McCarthy, đảng Cộng Hòa, đòi chính phủ phải cắt bớt chi tiêu thì Hạ viện mới nâng trần nợ. Ông Biden, Dân Chủ, nói hãy nâng cái trần lên trước, chuyện ngân sách chi tiêu những gì sẽ bàn sau. Cho tới nay, hai bên vẫn không chịu thỏa hiệp, chưa ai tỏ ra mình lo lắng chuyện nước Mỹ có thể bị “vỡ nợ.”

Lần sau cùng ngân sách chính phủ Mỹ cân bằng, không cần đi vay, là thời Tổng thống Bill Clinton. Nhờ vừa tăng thuế vừa cắt bớt các phụ cấp xã hội, ông Clinton để lại một ngân sách thặng dư; tổng số nợ quốc gia chỉ có $5,8 ngàn tỉ, bằng 55% Tổng Sản Lượng Nội Địa. Năm 2022, tổng số nợ lên tới 120% GDP. Vẫn thấp hơn Nhật Bản, số nợ của chính phủ lớn bằng 226% GDP.

Từ năm 2001 đến giờ, số nợ của chính phủ Mỹ đã tăng hơn bốn lần, 445%. Vì chi phí tăng do hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, bệnh dịch Covid-19, hai lần cắt thuế của Tổng thống George W. Bush, một lần cắt do Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Barack Obama vay nợ nhiều nhất, $8.3 ngàn tỉ trong 8 năm trời, Tổng thống Trump đứng hạng nhì, trong bốn năm vay $8.2 ngàn tỉ.

Tại sao hiện nay Joe Biden và Kevin McCarthy không thể thỏa hiệp?

Ông McCarthy cần phải tỏ ra cứng rắn đối với ông Joe Biden để bảo vệ vai trò của mình. Đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số ở Hạ viện nhưng chỉ cần bị 5 người bất tín nhiệm là ông McCarthy sẽ không đủ phiếu làm chủ tịch nữa. Có mấy chục dân biểu Cộng Hòa không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào với một tổng thống đảng Dân Chủ

Ông Joe Biden cũng không thể nhường. Vì ông McCarthy muốn giảm bớt chi tiêu bằng cách xóa bỏ nhiều chương trình của ông Biden mà quốc hội cũ đã thông qua, khi đảng Dân Chủ còn chiếm đa số ở Hạ viện. Đó là các món tiền để khuyến khích đầu tư vào các năng lượng sạch, hoặc tăng ngân sách sở thuế IRS để thêm người kiểm tra các đại gia tỉ phú, có thể thâu thêm được hàng trăm tỉ và tiền thuế một năm.

Ngoài ra, ông Biden còn rút kinh nghiệm những năm ông làm phó tổng thống, cũng đụng độ về trần nợ với quốc hội do đảng Cộng Hòa chiếm đa số.

Năm 2011, đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện đã không chịu nâng trần nợ. Chủ tịch John A. Boehner, giống ông McCarthy bây giờ, cũng không thể thuyết phục các bạn đồng đảng chấp nhận thỏa hiệp. Gần đến ngày chính phủ hết tiền, Công ty Standard & Poor, lần đầu tiên trong lịch sử, quyết định hạ thấp mức tín nhiệm của công trái Mỹ. Sau cùng ông Obama chịu thua, cắt các món chi tiêu $2,4 ngàn tỉ và không tăng thuế các nhà tỉ phú nữa. Nhưng chính phủ tốn thêm $19 tỉ mỹ kim vì phải đi vay với lãi suất cao hơn bình thường vì mức tín nhiệm bị giảm.

Trong cuộc tranh cãi về trần nợ năm 2013, Obama mới được tái cử không nhượng bộ nữa, cuối cùng Hạ viện Cộng Hòa chịu thua, vì dư luận dân chúng không chấp nhận quốc gia bị vỡ nợ.

Nếu năm nay hai bên cứ giằng co, đưa nước Mỹ đến cảnh lo vỡ nợ thì có những hậu quả nào?

Kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới sẽ lao đao.

Hệ thống tài chánh thế giới đang nhìn Công khố phiếu Mỹ như món đầu tư an toàn nhất, vì ai cũng “biết” chính phủ Mỹ không bao giờ vỡ nợ! Trong thị trường, tổng số công khố phiếu Mỹ trị giá $24 ngàn tỉ đô la. Các quỹ hưu bổng, các công ty bảo hiểm và ngân hàng đều đầu tư vào Treasuries để được an toàn; nhất là khi cần bán lấy tiền mặt thì luôn luôn có người sẵn sàng mua.

Khi chính phủ Mỹ không có tiền trả lãi và vốn từ các món nợ cũ thì Công khố phiếu Mỹ sẽ mất giá trị, hậu quả dây chuyền sẽ lan ra cả thế giới. Mấy tháng trước, ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ, kéo theo vài ngân hàng nhỏ khác, chỉ vì số Công khố phiếu họ làm chủ giảm giá trị, sau khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát.

Những nước giữ Công khố phiếu Mỹ làm dự trữ ngoại tệ sẽ thấy chính họ mất tiền. Đồng đô la Mỹ cũng tụt giá theo vì giá trị đồng bạc một phần dựa trên nhu cầu của người nước ngoài muốn có đô la để mua Công khố phiếu Mỹ. Cổ phần, chứng khoán của các công ty Mỹ cũng tụt giá khi đồng đô la giảm giá trị.

Khi đô la đi xuống, hàng nhập cảng vào nước Mỹ sẽ tăng giá, mà dân Mỹ không thể nào ngưng nhập cảng những món hàng họ không còn muốn sản xuất nữa. Những chi phí để duy trì các căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài sẽ cao hơn, có thể phải rút bớt về.

Dù sau cùng trần nợ được nâng lên, nước Mỹ không bị vỡ nợ, thì riêng mối lo chuyện đó có thể xảy ra cũng khiến chính phủ Mỹ phải trả lãi suất cao hơn trước; chi phí tiền lãi sẽ tốn kém hơn, ngân sách nhà nước sẽ khiếm hụt nhiều hơn.

Không ai muốn nước Mỹ phải những tai họa trên; nhưng chưa ai chịu nhường bước. Chính phủ Biden muốn giảm bớt số nợ bằng cách tăng thuế trên 0,1% đến 1% những người lợi tức cao nhất; với triển vọng sẽ giảm bớt khiếm hụt ngân sách được $3 ngàn tỉ mỹ kim trong 10 năm tới. Đảng Cộng Hòa muốn tiếp tục cắt thuế cho những người đó, khi đạo luật cắt thuế thời Tổng thống Trump hết hiệu lực vào năm 2025.

Thực ra, ông Biden và đảng Dân Chủ có thể tránh cuộc khủng hoảng về trần nợ này, nếu họ hành động sớm. Sau khi đảng Cộng Hòa chiếm được đa số ở Hạ viện, tháng 11 năm 2022, cho đến giữa tháng Giêng năm 2023, đảng Dân Chủ vẫn kiểm soát cả hai viện quốc hội. Nếu muốn, họ có thể bỏ phiếu nâng trần nợ trong thời gian đó, cho phép chính phủ Biden đi vay thêm, cho tới năm 2024.

Nhưng đảng Dân Chủ đã không làm như vậy. Có lẽ họ tính toán rằng một cuộc khủng hoảng về trần nợ năm nay sẽ làm giảm uy tín của các đại biểu Cộng Hòa, có lợi cho đảng Dân Chủ trong mùa bầu cử năm 2024! Ông Biden đang bắt đầu đi thăm các đơn vị bầu cử đã bầu cho đại biểu quốc hội Cộng Hòa năm ngoái, để than phiền về trần nợ!

Năm 2011, Nghị sĩ Mitch McConnell, Cộng Hòa, Kentucky, đã đề nghị quốc hội hãy trao cho vị tổng thống thẩm quyền nâng trần nợ. Quốc hội chỉ có thể bác bỏ quyết định đó với 2 phần ba số phiếu. Đề nghị này chắc sẽ được các nghị sĩ hâm nóng lại trong thời gian tới!

NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 11.05.2023)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.