Ông Zelensky có thể thúc đẩy Putin cầu hòa bằng cách đe dọa sẽ đánh chiếm lại bán đảo Crimea, coi như mục tiêu cuối cùng của cuộc tổng phản công. Quân Ukraine sẽ nức lòng chiến đấu. Quân Nga tinh thần càng ngày càng sa sút; có ông chủ đạo quân Wagner làm chứng.
Đạo quân Wagner không chiếm được Bakhmut vào ngày 9 tháng 5 để mừng Lễ Chiến Thắng ở Matskva, như Vladimir Putin mong đợi. Yevgeny Prigozhin đổ tội vì quân Nga đã bỏ chạy: Lữ đoàn 72 bỏ trốn, để cho quân Ukraine chiếm trọn “một giải đất dài 2 km rộng 500 mét, khiến 500 lính của tôi bị chết,” chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner giải thích.
Nhưng Prigozhin bào chữa cho binh sĩ Nga: “Lỗi không phải là vì lính. … Lính bỏ chạy khi thấy mình chết vô ích vì cấp chỉ huy ngu dốt... Vấn đề là những người điều khiển.” Prigozhin nhắc đến câu tục ngữ, “Cá thối, thối từ cái đầu!”
Cái đầu đây là ông Putin. Prigozhin không ngần ngại nói thẳng: “Quân Ukraine giết lính của chúng ta, trong khi một ‘ông nội’ vẫn nghĩ rằng tất cả mọi chuyện đều tốt đẹp!” “Ông Nội” là một biệt hiệu dân Nga gọi để chế giễu Putin.
Quả thật, Ông Nội Putin không biết cách điều khiển cuộc chiến tranh chính ông đã gây ra từ 15 tháng nay. Riêng một chuyện Prigozhin công khai chửi bộ quốc phòng và các tướng lãnh Nga đã là một điều bất thường. Không thể chấp nhận để các tướng lãnh bị chửi bới trong khi mấy trăm ngàn quân đang chiến đấu!
Một nước đang lâm chiến không thể cho phép người ngoài trông thấy nội bộ mình chia rẽ như thế. Người điều khiển cuộc chiến phải cấm, phải trừng phạt nếu có ai vi phạm. Prigozhin phơi bày tình trạng chia rẽ, hầu như hàng ngày, ngay từ khi bắt đầu đem lính Wagner từ Syria tới Ukraine. Putin vẫn im lặng. Không lên tiếng bênh vực các tướng lãnh của mình, không phản đối, không ngăn cản thói huênh hoang thích khoe mình của “Ông Đầu Bếp.” Đó là một danh hiệu của Prigozhin từ khi, nhờ làm bạn với Putin, trúng thầu cung cấp thức ăn cho điện Kremlin.
Vladimir Putin muốn tái lập đế quốc Nga thời Xô Viết để cạnh tranh với Cộng sản Trung Quốc. Một nước Nga đã mất tất cả các nước chư hầu ở Đông Âu và Trung Á, nếu không còn Ukraine, Belarus, Georgia, Moldova nữa, thì không thể đương cự kế hoạch bành trướng của Trung Cộng. Putin đánh Ukraine viện lý do ngăn cản không cho nước này vào khối NATO; nhưng thực ra mối lo chính là nếu Ukraine độc lập, dân chủ hóa và phồn thịnh thì dân Nga cũng muốn được như vậy. Họ sẽ không chấp nhận chế độ chuyên quyền của một cựu sĩ quan KGB nữa.
Putin thất bại trước hết vì không học Binh thư Tôn Tử: Biết mình, biết người, trăm trận, trăm thắng. Putin hoàn toàn không biết sức mạnh của nước Ukraine; và tưởng lầm về sức mạnh của quân Nga.
Khi tấn công, Putin tính sẽ chiếm được thủ đô Kyiv rất nhanh, lật đổ chính phủ Ukraine, lập một chế độ bù nhìn. Vì ông ta dựa trên tin tức tình báo hoàn toàn sai lạc về khả năng của quân đội và tinh thần đề kháng của dân Ukraine. Họ sống trong ảo tưởng, nghĩ rằng nhiều nhân viên tình báo Ukraine do KGB huấn luyện, rất dễ đóng vai gián điệp nằm vùng! Có sĩ quan tình báo Nga đã điện thoại, bảo tay chân chuẩn bị căn nhà họ thuê sẵn ở Kyiv, mua sẵn các đồ ăn cho họ, chờ quân Nga tiến chiếm. Nhưng ngay các người Ukraine được Nga huấn luyện cũng không muốn quay súng bắn lại đồng bào của họ. Điều này, cựu sĩ quan KGB Putin không thể nghĩ tới.
Ông ta tưởng rằng đánh Ukraine sẽ dễ dàng như khi đánh Georgia và cắt đứt một phần nước này; như khi chiếm bán đảo Crimea. Khi Putin đưa hàng trăm ngàn binh lính cùng vũ khí tập trung ở biên giới trong nhiều tháng trời, chính phủ Mỹ đã gửi giám đốc CIA đi báo động các nước Âu châu; nhưng không ai ủng hộ. Putin hoàn toàn không tiên đoán được phản ứng của các thành viên khối NATO: Khi thấy Ukraine bị xâm lăng, tất cả lo sợ, phải đoàn kết bảo vệ Ukraine và chấp nhận cho Mỹ đứng cái phối hợp.
Khi bắt đầu thấm đòn trước sức chiến đấu của quân Ukraine, thấy quân Nga có thể thảm bại, Putin dùng chiến thuật mới: Đe dọa dùng vũ khí nguyên tử. Lại thêm một tính toán sai lầm nữa.
Nga có một kho vũ khí hạch tâm lớn không khác gì Mỹ. Putin ra lệnh các kho chứa bom hạch tâm chuẩn bị, thao dượt, có vẻ sẵn sàng đem ra dùng. Ông ta nghĩ chỉ cần dọa “sẽ dùng tất cả những vũ khí đang có” là đủ khiến khối NATO sợ và chính phủ Ukraine sẽ chịu thua. Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược.
Đòn đe dọa dùng bom nguyên tử dựa trên một giả thiết, rằng không cần đem bom ra dùng, chỉ dọa dẫm cũng công hiệu. Nhưng Putin không rút kinh nghiệm lịch sử: Nước Pháp có bom nguyên tử nhưng vẫn phải rút khỏi Algeria. Đế quốc Anh tan rã dù có vũ khí nguyên tử. Liên Xô có bom nguyên tử nhưng chịu thua ở Afghanistan; cũng như nước Mỹ sau này.
Chính phủ và dân Ukraine biết như vậy, họ không sợ hãi, tiếp tục kháng cự.
Các nước NATO tỏ ra tin, hoặc giả bộ tin vào lời đe dọa của Putin. Các chính khách Mỹ, Pháp, Đức nói đến đường “giới hạn đỏ” (red line) không nên vượt qua. Họ nói không muốn Putin có lý do dùng đến “bom nguyên tử chiến thuật.”
Mối lo về “giới hạn đỏ” rất mơ hồ nhưng cũng khiến việc viện trợ vũ khí cho Ukraine phải dò dẫm từng bước, không biết lúc nào vượt qua lằn ranh giới. Lúc đầu, Mỹ gửi cho Ukraine loại tên lửa chống chiến xa Javelin. Không thấy Putin dùng bom nguyên tử. Gửi thêm hỏa tiễn Stinger bắn máy bay. Vẫn an toàn. Gửi thêm các đại pháo 155 ly, cũng không sao cả. Tiếp tục tặng Ukraine những giàn HIMARS bắn tầm xa đến sát biên giới Nga. Rồi đến hỏa tiễn Patriot, mới bắn hạ một hỏa tiễn liên lục địa của Nga, lần đầu tiên trong lịch sử. Đến bây giờ, mọi người biết rằng Putin chỉ “tháu cáy!”
Trong thời gian 15 tháng Putin tháu cáy vô hiệu quả, quân đội Nga thất trận liên tiếp. Cuộc bao vây thủ đô Kyiv bất thành. Ukraine đuổi quân Nga về phía biên giới, chiếm lại các thành phố lớn Kharkiv và Kherson. Sau những lần thất trận đó, không thấy Putin dọa dùng bom nguyên tử nữa. Lý do rất dễ hiểu.
Khi một nước đang lâm chiến phải đem bom nguyên tử ra đánh, tức là nước đó công nhận mình sẽ thua trận nếu chỉ dùng các thứ vũ khí bình thường! Hiển nhiên cả nước mất thể diện. Cả một quân đội hùng hậu sẽ không làm cho nước nào sợ nữa. Không những thế, các nước chung quanh sẽ lo phòng bị! Ai chưa có bom nguyên tử phải chế tạo ngay; ai đã có rồi phải sản xuất nhiều hơn. Khi đó, Nga sẽ không dọa ai bằng bom nguyên tử nữa! Ông Putin chắc chắn không muốn đưa tới hậu quả đó.
Ngoài ra, nếu dùng bom nguyên tử, Putin sẽ làm Tập Cận Bình mất mặt. Trong 12 điểm “hòa giải” của Bình, có nói rõ không được dùng vũ khí nguyên tử. Nếu bị Trung Cộng và Ấn Độ bỏ rơi, kinh tế Nga sẽ sụp đổ sớm hơn sau khi đã bị các nước phương Tây cấm vận.
Cách tốt nhất khiến Putin phải cầu hòa, là quân đội Ukraine chiến thắng trên mặt trận. Bây giờ quân Ukraine đang chuẩn bị; chỉ còn chờ các vũ khí mới được viện trợ đưa tới chiến trường là sẽ tổng phản công. Tổng thống Volodymyr Zelensky tỏ ra là một người biết lãnh đạo cuộc chiến. Ông được dân chúng và quân đội kính trọng. Các tướng lãnh của ông có kỷ luật, giữ đúng bổn phận, ông có thể cách chức một vị tướng về tội tham nhũng, không ai dám phản đối.
Ông Zelensky có thể thúc đẩy Putin cầu hòa bằng cách đe dọa sẽ đánh chiếm lại bán đảo Crimea, coi như mục tiêu cuối cùng của cuộc tổng phản công. Quân Ukraine sẽ nức lòng chiến đấu. Quân Nga tinh thần càng ngày càng sa sút; có ông chủ đạo quân Wagner làm chứng.
Yevgeny Prigozhin mới nói rằng ông Putin có thể “tuyên bố chiến thắng” bất cứ lúc nào, rồi ngưng chiến. Khi đánh Ukraine, Putin nói mục đích là ngăn chặn khối NATO. Bây giờ Putin có thể tuyên bố đã thành công, quân đội NATO không thể đánh nước Nga nữa!
Có lẽ Vladimir Putin nên theo lời khuyên của Ông Đầu Bếp Prigozhin, một nhà kinh doanh, tính toán lời lỗ rất thực tế.
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 14.05.2023)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.