Bởi vì chiều đã chan ngập thung lũng dưới kia và vẫn đang không ngừng dâng lên cho tới chừng nào núi với bóng tối là một, nên có chút ảo giác đám bụi mà những chiếc xe tải bỏ lại là sương. Chỉ khác, chúng dày và thô bạo hơn, như có thể làm xước da một đứa trẻ.
Ngó bụi lợp lên tấm bạt che quán, và bôi mờ những đường nét cỗi cằn tựa nếp đá trên gương mặt của đôi người đàn bà ngồi neo quán bên đường, tôi nổi quạu đã lên cổng trời rồi mà vẫn bụi.
Về miền biên lần thứ ba trong bảy năm, đã lường trước dời đổi, nhưng cũng bị nhiều cơn chóng mặt. Ở chỗ tưởng như chỉ bước nữa là đến trời, cao ngàn thước so với mặt nước biển, thị trấn biên vẫn mịt khói thịt nướng, nhạc sàn. Mấy anh trai bản lên xuống dốc mở loa ngoài điện thoại oang oang hồn lỡ sa vào đôi mắt em, tay trắng cùng nhau dệt mộng vàng, chúng ta không thuộc về nhau. Mấy chị bán đặc sản miền biên đã biết xéo xắt với hàng xóm, “mật ong chỗ mình là thật, bên kia toàn nước đường thôi”.
Thì mình đâu có muốn người ta nghèo, hiền, tội tội hoài, nghĩ vậy nên dặn lòng hãy mừng đi hãy hài lòng. Nên lấy bụi trút buồn, vì nhìn quanh chỉ mỗi nó là không có quyền vô tội.
- Ôi ngày xưa không có đâu, từ lắm người xuôi lên, bụi mới nhiều.
Chị bán khoai nướng nói, giọng của người núi nói thứ tiếng mượn đỡ nghe lờ lợ, nhẹ bẫng gần như không trọng âm, san phẳng cái vực thẳm giữa bằng - trắc. Nhưng câu nói gây cơn cơn dư chấn trong tôi, thấy không chối được, bụi ở đây có phần mình mang tới.
Xứ sở thời chưa bụi, chỉ có những đôi chân trần lầm lũi đi bộ từ núi này qua núi khác, nương nọ rẫy kia, bấm ngón trên đá tai mèo. Cùng với con người, gõ móng đường mòn là ngựa và trâu bò, bầy đàn cũng chẳng thể dấy lên cơn bụi nào có thể làm đục gió, lem ố hoa cỏ bên đường. Con nít giỡn chơi ném vào nhau thứ đất đá mịn được tẩm sương, tinh khiết vậy không đành gọi bụi.
Rồi những cỗ máy văn minh khạc khói leo đèo mang lên biên những thứ không phải là không gây tranh cãi. Một tấm áo kiểu người xuôi ấm qua mùa đông nhưng chính nó làm gái bản nhợt màu đi. Xe máy giúp trai bản qua núi dễ như chơi thì cũng dễ như chơi đưa cậu ta lao xuống vực. Con đường nhựa giúp dân bản bớt chồn chân, thì chợ tình của họ cũng bị những người lạ xông tới rình mò.
Lần thứ ba trong bảy năm, thứ nhiều lên ở miền biên không chỉ bụi, thứ bụi vô vị của những con đường đang làm đoạn này nhưng rách mặt ở đoạn kia, bụi của những chiếc xe chở vật liệu xây dựng rơi vãi, của hỗn hợp trào ngược từ dạ dày du khách. Trẻ con nhiều lên, la lũ bỏ nhà ra đường vẫy tay xin kẹo, có đứa còn táo tợn xông ra giật mấy ổ bánh mì khách treo bên xe máy khi họ giảm tốc qua một khúc quanh. Hàng quán nhiều lên, nhiều lưỡi dao lận trong cơm canh đạm bạc. Trong bản lốm đốm những ngôi nhà cất theo kiểu miền xuôi, mái lợp tôn xám tường rào bê tông xám. Hết thảy chúng cũng là thứ bụi gây xốn mắt.
Bụi ấy không phải người xuôi mang lên, thì còn ai vô đây?
Nghĩ vậy nên có chút bẽ bàng, mua thêm củ khoai. Ngày sắp cạn rồi nên chị chủ quán không thêm than vào bếp, gió bị nhiễm lạnh từ khe núi nào đó, xo ro thổi qua. Chỗ tôi ngồi là một cái quán nhỏ của một chị dựng lên che mưa nắng. Quán chỉ có nước đóng chai, và bếp lửa nướng ít củ khoai, trái bắp, mái lợp tạm bợ bằng tấm bạt nhựa, không che hết bóng bà già bán củi ngồi bên.
Từ tôi ghé vào, ừ à chỉ có chị này trở khoai trên bếp bằng đôi bàn tay cháy xém. Bà già bán củi suốt cả buổi không mở miệng, ngồi im như tạc từ đá núi, lại bị phủ thêm một lớp bụi đường, nhìn khó đoán người hay tượng. Củi mà bà mang lên đỉnh đèo này ngồi bán cũng là thứ củi tiều tụy, như bà. Ngó chừng đã mục bở, có đốt lên cũng chỉ cho ra thứ lửa không lưỡi, lom đom khói mù.
Nghe kể ngày nào bà già cũng lên đây, cũng chừng ấy củi, không nhiều hơn hay ít hơn. Đôi khi cứ ngồi vậy mà ngủ thiếp đi, chị chủ quán phải đưa tay vào mũi bà, coi còn thở hay ngưng từ đời thuở nào rồi.
Nhìn bó củi thấy có gì đó ngây thơ, bởi đỉnh đèo chỉ có những du khách hớt hãi ghé lại chụp hình với cái phông thung lũng gợn khói rồi đi, đôi khi mua chai nước, củ khoai bám bụi cho vui, ai đâu mua củi. Nhưng hàng mấy chục năm nay, bà già sáng nào cũng kiếm bằng được bó củi rồi cõng lên đèo, chiều tha về bản. Đáy gùi có vắt cơm qua bữa trưa.
- Ở chỗ này hồi bắn nhau A Lềnh của bà bị pháo rơi, cả người gom lại không được nửa gùi.
Chị chủ quán nói, tay cầm que khỏa lớp tro lên những đốm than còn nhói. Vẫn cái giọng nhẹ không. Bà già như chẳng biết người ta đang nói về mình, giữ thế ngồi bất động, cả mắt cũng chẳng chớp, nhìn vời vợi ra chỗ khúc quanh, nơi con đường biến mất và những chiếc xe hiện ra, theo cách vô cùng đột ngột.
Mớ bụi mù của chiếc xe khách vừa ngang qua giờ lẫn với sương khó mà phân biệt được. Một du khách thiếu thời gian và thừa hời hợt, giây phút đó nghĩ trong bụi có hạt nào từ bao da thịt bị thất lạc năm xưa, mà bà già điềm nhiên tưới tắm trong chúng. Tự hỏi sao mình lại lấy bụi ra trút hờn, quên có lần giọng ông già Lê đặc lại, khi kể về một nữ dân quân đã bị đám người tràn sang từ bên kia biên giới chà xát dưới xích sắt xe tăng, cho tới khi chị tan ra, thấm hết vào sỏi đá.
Không biết bụi A Lềnh, chị dân quân vô danh và những người đã ngã xuống miền phên dậu này đã theo mưa trôi vào khe đá nuôi bắp ra trái và lúa trổ bông, hay vẫn còn lang thang trên đường, như một cách chống lại sự lãng quên.
Ít nhất, bụi cũng làm người ta cay mắt.
NGUYỄN NGỌC TƯ 17.02.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.