vendredi 18 février 2022

Chử Đức Hoài - Ký ức Vị Xuyên

 

Mình là Hoài, người Đông Anh, học tổ 14 lớp D, sau đi Ngoại-Sản. Gần đây mình đọc không sót câu chuyện nào của các bạn cùng khóa, viết về thời sinh viên vất vả mà vui, về những năm tháng tỏa đi muôn nơi làm việc, về những ấn tượng sâu sắc của tình bạn.

Đặc biệt là về những tháng ngày hoa lửa của những anh bộ đội khóa mình, của các bạn ở các mặt trận biên giới phía Bắc, chiến trường Tây-Nam, nước bạn Lào…Đúng là đời người bác sĩ quân y trên chốt còn nhiều điều không kể hết được!

Vừa thi tốt nghiệp xong, khóa 1978-1984 Đại học Y khoa Hà Nội có 40 bác sĩ vào quân đội. Sau ba tháng học khóa sĩ quan dự bị Học viện Quân y, chúng mình được phong quân hàm thiếu úy-bác sĩ, trực thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng.

Tháng 10/1984 bốn người trong số đó được điều động về Quân khu 2, phục vụ ở chiến trường Vị Xuyên, Hà Tuyên (nay là Hà Giang):

- Đinh Xuân Long (tổ 9, lớp C) về Tiểu đoàn quân y D24 thuộc Sư đoàn 356.

- Chử Đức Hoài (tổ 14, lớp D) về Sư đoàn 313.

- Phạm Đình Hoan (tổ 13, lớp D) về Sư đoàn 314.

- Đỗ Quang Thế (tổ 4, lớp A) về Trung đoàn đặc công 821.

Cuộc đời bốn năm đeo ba lô, khoác áo áo lính lên chốt của chúng mình bắt đầu từ cuối năm 1984.

Đến mùa xuân năm 1985, Quân đội Việt Nam quyết giành lại từng phần đất biên cương mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép. Lần đầu tiên ra đời hành nghề với tư cách bác sĩ cũng là lần đầu tiên ra mặt trận, Hoài không có thời gian "tập sự" mà phải chính thức “đứng mũi chịu sào” luôn.

Cuộc chiến vô cùng khốc liệt, những cao điểm đã đi vào lịch sử chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược với cái tên “cối xay thịt”, “ngày giỗ trận”, "lò vôi thế kỷ" như 1100, 772, 685, bình độ 300, 400, hang Làng Pinh, hang Làng Lò, hang Dơi, suối Cụt… Tiếng đạn pháo các loại bên ta, bên địch nổ đùng đoàng, chát chúa, cả đêm lẫn ngày. Việt Nam thì Ca-chiu-sa, pháo 105 ly, 165 ly, 37 ly, súng cối các loại. Trung Quốc thì hàng trăm, hàng nghìn khẩu pháo nòng cỡ 130 ly trở lên.

Lính Trung Quốc bắn vào điểm cao 685 suốt ngày đêm, đạn pháo biến núi đá thành vôi bột. Sau những trận pháo, đỉnh núi đá này mất khoảng một mét, anh em vận tải đi gùi đạn, nước và lương thực lên chốt mà vôi bột cao đến gần đầu gối.

Những cuộc giao tranh đẫm máu. Địch quyết chiếm, ta quyết giữ. Có những nơi như điểm cao 685 ta và địch giành giật nhau tới 41 lần, đồi Cô Ích tới 45 lần, ở Bốn Hầm tới 38 lần. Thương binh dồn về đông, đủ các loại chiến thương.

Hầm phẫu đặt trong hang giữa lòng núi đá, Hoài mổ thương binh suốt, nhiều khi phải làm luôn cả phần gây mê và hồi sức. Có vào thực tế chiến trường mới thấy những kiến thức được học ở Trường Y Hà Nội thật giá trị, giúp được nhiều cho các đồng nghiệp ở Học viện Quân y. Lên mặt trận, thời gian đầu thấy ánh sáng lóe lên còn nằm rạp xuống tránh mảnh đạn. Về sau chai lì dần, cứ cầm dao đứng mổ, kệ nó, súng đạn phải tránh mình. Có lúc đang mổ, đạn pháo bắn vèo qua đầu, chỉ thấp xuống chút thôi là... không còn gì để nói nữa.

Có ca mổ giờ nhớ lại vẫn thấy kỳ lạ: Hôm đó trời mưa, một chiến sĩ trẻ bị pháo tiện đứt lìa hai bàn chân, được anh em tải thương võng về gần đến trạm phẫu thì gặp pháo chùm bắn sang. Giữa sự sống và cái chết, thương binh ấy quên cả đau đớn, theo phản xạ bật dậy chạy trên đôi chân cụt rồi ngã xuống, hai anh tải thương phải vực dậy lao vào hang tránh pháo! Đội phẫu sau đó phải rửa sạch sỏi-bùn-đất lọt cả vào xương ống chân mới có thể tiến hành mổ cắt cụt. Điều kiện vệ sinh sơ sài thời chiến cộng với một ít thuốc men, vậy mà thương binh đó vẫn hồi phục nhanh chóng. Đúng là sức trẻ và bản năng sinh tồn khiến con người vượt lên tất cả để giành sự sống.

Một chiến sĩ khác bị giập nát hai tay, bốn ngày sau mới về đến được hầm phẫu. Lúc mình nhận thương binh, vệ sinh mãi mà không hết giòi ở trong vết thương.

Cậu Thịnh – y sĩ phụ mổ cho Hoài, đang đêm một mình, vai vác cái chân của thương binh, tay cầm xẻng đem đi chôn. Hoài cử một vệ binh đi theo rọi đèn để đào hố mà cậu khoát tay bảo không cần.

Nhiều khi mổ cắt chi trên mà chỉ gây tê, thương binh phải ngồi trên ghế vì không chờ được bàn mổ.

Nhiều khi mổ dưới ánh đèn không đủ sáng.

Nhiều khi đội phẫu chia nhau chợp mắt ngủ chỉ hai tiếng đồng hồ rồi lại mổ tiếp.

Ngày nào cũng có người chết và thương vong. Một số y, bác sĩ trung đoàn khi ra suối làm vệ sinh dụng cụ và đồ mổ cũng bị pháo bắn, người cụt chân, người vỡ hàm… phải chuyển về tuyến sau.

Hoài mổ cho những thương binh bên bác sĩ Đỗ Quang Thế chuyển sang.

Lên hang Làng Lò, Hoài gặp được bác sĩ Lập (Lập “cháy”, tổ 16, lớp D) từ quân khu khác tăng cường cho mặt trận.

Hoài cũng biết tin tức về trận chiến ở ngã ba Thanh Thủy: sư đoàn 356 của bác sĩ Đinh Xuân Long ém quân ở điểm cao 468, đợi lệnh tấn công chiếm lại điểm cao 685 và 772. Do kế hoạch của ta bị lộ, Tàu dùng nhiều loại hỏa lực bắn trùm lên đội hình sư đoàn. Quân ta tổn thất nặng nề, khoảng 680 người hy sinh chưa kể số bị thương. Rất mừng là anh Long còn sống.

Tiếc rằng khi ở đơn vị cũng như khi có dịp về thị xã Hà Giang, Hoài không nghĩ gì đến chụp ảnh nên giờ đây chẳng có một tấm hình kỷ niệm.

Sau đó Hoài lên Ban Quân y, chỉ huy toàn tuyến quân y, kể cả nhiệm vụ tổng hợp các số liệu báo về để 6 giờ sáng ngồi đọc giao ban với Bộ chỉ huy sư đoàn, nhờ vậy mà nắm tình hình mặt trận bao quát hơn.

Những chiến sĩ đặc công trung đoàn 81 (của quân khu nhưng phối thuộc đánh Vị Xuyên nên nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của sư đoàn mình) luồn sâu vào đất địch bị bắt làm tù binh. Bọn nó đưa các cô gái người Việt gốc Hoa ở Thủy Nguyên, Hải Phòng (đã về Trung Quốc trong vụ “nạn kiều” năm 1979) mặc áo đỏ, lên làm lính thông tin trên chốt. Các cô này dùng loại bộ đàm 15kw, gọi sang bên ta để ta chứng kiến cảnh chúng trói tù binh lại, quấn chăn, châm lửa thiêu sống anh em mình. Bộ đội Việt Nam nhìn qua ống nhòm thấy hết hình ảnh dã man đó, lòng quặn đau nhưng ý chí quyết tâm đánh giặc càng dâng cao.

Có trận chúng chết hơn ngàn quân, phải giơ cờ trắng xin ta ngưng bắn để bò sang trận địa lấy xác lính về, nhưng cụ chỉ huy căm thù quá nên vẫn cho bắn tiếp. Đến nỗi, cụ phó chỉ huy đứng cạnh phải lệnh cho quân ta ngừng bắn.

(Cụ Trì phó tham mưu trưởng sư đoàn, cho liên lạc cắt lốp xe làm thành bộ quân cờ. Cụ có hai cuốn dạy cờ thế. Hồi ở Campuchia cụ đánh cờ một mình suốt đêm. Có lúc quân địch đánh đến nơi cụ vẫn ung dung đánh cờ, thì ra chính lúc đó là lúc cụ tập trung đưa ra một quyết định sinh tử).

Đau lòng nhất là đợt chuyến quân lên Hà Tuyên bằng xe cơ giới, xe bật đèn pha trên con đường độc đạo, bị pháo tọa độ địch bắn sang như mưa, chặn đầu chặn đuôi. Chỉ một đêm mà chúng ta thương vong 2.000 quân, đến nỗi thiếu tướng Hoàng Đan - tư lệnh mặt trận Lạng Sơn và rồi làm tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, phải nói với cấp chỉ huy của trận đó: “Các anh đánh thế này thì mẹ Việt Nam anh hùng đẻ không kịp đâu”.

Có lần, Hoài nhận báo cáo: một xã có 23 thanh niên lên đường tòng quân, được phân vào cùng một đơn vị. Chỉ sau một trận đã hy sinh 21 người! Hoài phải đề nghị các cấp chỉ huy báo tử làm nhiều đợt để lễ truy điệu ở địa phương đỡ tang tóc, và sau nên chia quân một xã ra nhiều đơn vị để báo tử đỡ xót xa.

Có những đợt địch dội pháo nửa tháng liên tục để quân ta không tiếp tế được. Trung đoàn vận tải C25 cứ 10 người vận tải thì chết 3, chưa kể bị thương. Ngày nào anh em cũng gùi thức ăn, đạn dược, nước lên chốt. Lính vận tải chết nhiều hơn lính chiến, vì ít ra lính chiến đấu lúc không giao tranh còn được ở trong hầm hoặc nấp trong các khe đá.

Năm 1986, mưa to suốt mấy ngày, thị xã Hà Giang ngập sâu hơn một mét. Mưa to gây ra trận sụp hầm, lở đất tại các hầm trên chốt chiến đấu, chết hàng chục sĩ quan và chiến sĩ, có những người bị trôi ra sông Lô mất tích. Cả một xe tải 5 tấn gạo đi lên chốt, một bên là vách núi, một bên là bờ sông bị lở đất trôi mất hút xuống dòng nước...

Có những nơi mình chỉ cách nó chục mét, hang bên kia chúng chiếm, hang bên này mình giữ, nhìn thấy cả đầu ruồi nòng súng của nhau.

Từ năm 1984-1989, Trung Quốc dốc toàn lực đánh dọc biên giới Hà Giang. Trung Quốc có 10 đại quân khu mà đã điều 8/10 đại quân khu đánh Vị Xuyên và Minh Tân, dồn toàn bộ quân và hỏa lực nhằm tiêu diệt quân ta. Chỉ khoảng mấy chục cây số đường biên giới mà Việt Nam hy sinh hơn 4.000 người phần lớn trên dưới 20 tuổi và hàng ngàn người bị thương, trong đó hơn 2.000 liệt sĩ chưa lấy được hài cốt nhưng Tàu chết và thiệt hại hơn nhiều.

Cuối năm 1988, Hoài ra quân, theo diện "xuất ngũ trở về địa phương", gần như bị bỏ rơi, bị đối xử đầy bất công. Mãi mới xin được về công tác ở Hà Nội nhưng nghĩ lại còn nhiều anh em còn thiệt thòi hơn chúng mình. Cả bốn bác sĩ cùng đi Vị Xuyên đợt ấy đều sống sót trở về.☘️

Chiến tranh biên giới qua đi, Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước nhưng vấn đề chủ quyền biên cương và biển đảo vẫn nhức nhối.

Trở lại thăm Vị Xuyên, đơn vị cũ của Hoài đã chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế. Các anh em kể: dù mùa Đông hay mùa Hè, anh nuôi nấu chín cơm là chẳng mấy chốc cơm hóa thành mẻ; đêm đêm nằm ngủ giường cứ như bị ai dốc lên. Đúng là tuổi trẻ mất sớm “linh” lắm. Sau khi dựng đài hương chiến sĩ thì hiện tượng này mới giảm.

Năm 2005, năm mươi sĩ quan của sư đoàn trong đó có Hoài, được chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời vào Phủ chủ tịch gặp mặt, chụp ảnh, tặng tiền cho mọi người. Ông Lạc - nguyên quyền sư trưởng, tham mưu phó Quân khu 2 hiện là trưởng ban liên lạc sư đoàn 313 đề nghị đưa nghĩa trang Vị Xuyên thành Nghĩa trang quốc gia. Cụ Sang hứa và đúng hai tháng sau cụ lên thăm nghĩa trang, rồi về báo cáo Quốc hội công nhận nghĩa trang Vị Xuyên là nghĩa trang cấp quốc gia và xin kinh phí. Nghĩa trang khoảng 2.800 liệt sĩ, một ngôi mộ tập thể, hàng trăm mộ liệt sĩ chưa biết tên, chôn kín hết, sẽ phải mở rộng thêm nữa mới đủ.

Năm 2017 chị Nguyễn Kim Ngân mời đại biểu các cựu chiến binh vào tòa nhà Quốc hội gặp mặt. Anh Đỗ Bá Tỵ phó chủ tịch Quốc hội thay mặt Quốc hội mời chiêu đãi. Vì từng là lính trung đoàn ngày đó, anh xúc động nói: “Hôm nay được gặp toàn các thủ trưởng cũ của tôi”. Quả thực, hội trường hôm đó có 7 vị tướng và các cựu chiến binh đã kinh qua nhiều trận mạc.

Chiều 31/6/2017 dâng hương ở đài liệt sĩ Vị Xuyên từ 4 giờ đến 6 giờ (kể cả thời gian ANTV phỏng vấn và quay video) để chuẩn bị 1/7 làm lễ cầu siêu. Đến 7 giờ tối thì bốt điện của thành phố Hà Giang bị nổ làm ba công nhân trực trạm điện thương vong, toàn thành phố chìm trong bóng tối. Đến 10 giờ rưỡi đêm mới khắc phục được, điều chưa từng xảy ra tại Hà Giang.

Hoài đi dự hội lính do các tỉnh mời suốt, lên Hà Giang liên tục. Gặp gỡ những nhân chứng sống, những người đã tham gia cầm súng bảo vệ biên giới Việt Nam trước lũ giặc bành trướng; ôn lại những ca khúc, bài thơ, thước phim, tấm ảnh, câu chuyện… về tinh thần bất khuất của dân tộc ta những năm tháng đó.

Đúng là Ký ức Vị Xuyên không thể nào quên.

Xin tặng lại các anh chị và các bạn những vần thơ tưởng nhớ:

NHỮNG BÔNG HOA KHÔNG CẦN CHỈ THỊ 

(Tác giả Lê Đức Dục)

Mặc ai cấm rằng không được nhắc

"bạn vàng" Trung Hoa từng thảm sát dân mình.

Nhưng làm sao cấm hoa đào hoa mận

nở rưng rưng rụng xuống những mộ phần?

Kệ báo chí cứ phập phồng chờ đợi:

Nói hay im? Ngồi nghe ngóng công văn.

Những bông hoa không cần chỉ thị

cứ ra Giêng, rụng thắm đất anh nằm…

Hãy yên nghỉ, các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã ngã xuống để giữ từng tấc đất của tổ tiên! Lịch sử và lớp người đi sau sẽ không quên!

Hà Nội 8/2021

Bác sĩ CHỬ ĐỨC HOÀI kể, Bác sĩ Nguyễn Lan Hải ghi lại

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.