jeudi 3 février 2022

Cuba dùng thực phẩm giá Nhà nước để nhử người dân đói khổ, né biểu tình


Đăng ngày:

 

Alberto, một nhạc công đại vĩ cầm (contrebasse) thất nghiệp do đại dịch than thở, người dân bây giờ phải xếp hàng, xô xát nhau vì một mẩu thịt gà « mậu dịch », giá cả thị trường tăng đến chóng mặt. Sổ mua hàng phân phối không đủ cho nhu cầu, nhưng ít ai còn sức để chống đối, sau các cuộc biểu tình quy mô ngày 11/07/2021 (được mệnh danh là sự kiện « 11 J »), cuộc tuần hành công dân hụt ngày 15/11/2021 (« 15 N ») và nạn trấn áp sau đó.

Mua báo Đảng thay cho giấy vệ sinh !

Chính quyền cách mạng Cuba đã được 63 tuổi và có vẻ trường thọ. Sự thiếu vắng báo chí độc lập và internet khiến những xáo động được che khuất. Theo tổ chức Observatorio Cubano de Conflictos, đã có hơn 3.000 vụ nổi dậy ở đảo quốc trong năm 2021 – một con số khó thể kiểm chứng – nhưng dù sao, những ý định chống đối chế độ đều thất bại. Một đợt bắt bớ các nhà ly khai đã diễn ra từ 2003, và những tháng gần đây an ninh bắt giữ, hàng ngàn người. Human Rights Watch (HRW) tố cáo chính quyền tống giam hoặc quản thúc các nghệ sĩ, ngọn cờ đầu trong các cuộc biểu tình ngày 11/07, còn chủ tịch Miguel Diaz-Canel nói rằng « không có tù nhân chính trị tại Cuba ».

Gần đây chế độ dùng mánh khóe phân phối lương thực để bóp nghẹt những hoạt động phản đối, trong tình hình mọi thứ đều hiếm hoi. Hôm 15/11/2021, ngày mà đối lập kêu gọi xuống đường, chính quyền mở bán thực phẩm giá rẻ, dân La Habana lo tranh thủ mua để dành nên ít ai tham gia. Vào dịp Noel, trên 800 tấn thực phẩm giá cung cấp được tung ra, nhờ có sự giúp đỡ của Nga, Nicaragua và Bolivia, còn Mêhicô cho tàu buôn chở đến.

Nhưng chiến lược này có vẻ thiếu bền vững. Người vợ của nghệ sĩ Alberto nói trên cho biết : « Thực phẩm không phải là thứ duy nhất, chúng tôi thiếu thốn tất cả mọi mặt hàng. Tôi đặt mua tờ báo đảng Granma để thay cho giấy vệ sinh dùng hàng ngày. Đặt báo mỗi tháng chỉ mất có 30 peso, giấy vệ sinh đắt tiền hơn nhiều, lại khó mua được ». Cuba nhập khẩu 80% thực phẩm, và dự trữ ngoại hối của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đang ở mức thấp nhất.


Zero Covid làm nhân tài chạy khỏi Hồng Kông

Nhìn sang châu Á, Le Figaro nhận thấy chính sách « zero Covid » làm hại cho uy tín của Hồng Kông. Giới tài chính lo ngại những người tài sẽ bỏ đi vì các biện pháp khắt khe cóp theo kiểu Trung Quốc. Một ví dụ : từ 21 đến 28/01, khoảng 2.700 cư dân tòa nhà Yat Kwai House bị phong tỏa, chính quyền thực hiện 14.518 cuộc xét nghiệm Covid để tìm ra 139 ca dương tính.

Đặc khu 7,5 triệu dân từ đầu đại dịch cho đến nay chỉ có 13.626 ca nhiễm và 213 tử vong vì Covid, nhưng chính quyền cố ngăn chận Omicron lây lan. Tất cả những hành khách vào Hồng Kông đều bị cách ly 21 ngày tại khách sạn, các chuyến bay đến từ 8 nước trong đó có Pháp bị cấm. Theo một báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu, Hồng Kông có thể chỉ mở cửa từ 2024, ảnh hưởng nặng nề đến các nhân viên ngoại quốc. Theo Financial Times, năm 2021 Hồng Kông đã mất đi số cư dân kỷ lục là 87.000 người, tức 1,2 % dân số. Lần đầu tiên từ 180 năm qua, cựu thuộc địa Anh có thể mở cửa cho Hoa lục, thay vì phần còn lại của thế giới.


Ukraina : Putin khai thác sự bất lực của châu Âu, sự do dự của Mỹ

Hồ sơ Ukraina vẫn luôn nóng bỏng, bên cạnh những chủ đề thời sự trong nước của báo chí Paris hôm nay : nhập cư, vấn đề nhà ở, bầu cử tổng thống Pháp. Chuyên gia Benjamin Haddad, thuộc Atlantic Council ở Washington nhận xét trên Le Monde « Putin muốn làm nổi rõ sự bất lực của châu Âu và sự do dự của Mỹ ».

Theo ông, chính là châu Âu mà Vladimir Putin muốn tấn công, thông qua Ukraina. Tổng thống Nga thừa biết là cánh cửa NATO hiện đang đóng lại với Ukraina và Gruzia. Hội nghị thượng đỉnh ở Bucarest năm 2008 chỉ công nhận hai nước này có thể trở nên thành viên, nhưng không đưa ra thời hạn và cũng chẳng có một tiến trình nào. Cũng không phải là NATO, mà việc thương lượng một hiệp ước tự do mậu dịch với Liên hiệp Châu Âu (EU) đã dẫn đến phong trào ủng hộ châu Âu ở Maidan năm 2014, lật dổ tổng thống thân Nga Viktor Ianoukovitch, sau đó Matxcơva bèn dùng đến vũ lực.

Việc chiếm Crimée và đỡ đầu phe ly khai thân Nga ở Donbass đã đánh thức ý muốn hướng về NATO của công chúng Ukraina, chứ không phải ngược lại. Một đất nước mà 92 % dân chúng đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập khỏi Liên bang Xô viết năm 1991, nay lại bị ngăn trở một cách thô bạo sự tự do chọn lựa vận mệnh của mình.


Đối thoại với Nga, nhưng phải trên thế mạnh

Lợi dụng Mỹ đổi hướng ưu tiên chiến lược sang châu Á, đánh hơi thấy điểm yếu sau vụ rút quân khỏi Afghanistan, Putin muốn vẽ lại cấu trúc an ninh châu Âu sau chiến tranh lạnh. Ông ta cũng vi phạm những cam kết của Nga trong khuôn khổ hiệp ước Helsinki năm 1975 về tôn trọng biên giới, và bản ghi nhớ Budapest năm 1994, bảo đảm chủ quyền Ukraina để đổi lấy việc Kiev từ bỏ vũ khí nguyên tử.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với một cánh tả có ảnh hưởng lớn trong đảng Dân Chủ, chủ trương không can thiệp, và cánh hữu thân Trump cũng vậy. Biden bác hẳn khả năng dùng đến vũ lực, và như vậy tự làm mất đi thế mạnh khi đàm phán. Châu Âu và Hoa Kỳ đồng ý sẽ mạnh tay trừng phạt Nga với thông điệp: nếu xâm lăng Ukraina, Matxcơva sẽ phải trả một cái giá thật đắt; tuy nhiên Pháp và Đức không muốn từ bỏ giải pháp ngoại giao.

Có nên đối thoại với Nga không ? Chuyên gia Haddad cho rằng rất nên, nhưng cần củng cố tương quan lực lượng: đầu tư ồ ạt vào quốc phòng - có thể vay nợ nếu cần, giảm lệ thuộc Nga thông qua phát triển nguyên tử lực hay các đối tác mới về khí đốt. Trong khi Đức do dự, Pháp có thể đóng vai trò trụ cột, và quan hệ sâu sắc với Hy Lạp trong những năm gần đây là kiểu mẫu. Khi gởi chiến hạm đến để giúp Hy Lạp bảo vệ biên giới biển ở Địa Trung Hải trước sự đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ tháng 8/2020, Emmanuel Macron đã chứng tỏ một châu Âu cứng rắn, và Paris cũng muốn đưa quân sang Rumani. Có thể đã đến lúc Pháp dứt khoát trong những bất đồng chiến lược với Berlin, thôi thúc những vấn đề từ Nord Stream 2 đến chi tiêu quân sự, vì thông qua hồ sơ Ukraina, tương lai châu Âu đang bị đe dọa.


Ukraina, cuộc xung đột mang tầm vóc nguyên tử Mỹ-Nga-Trung

Nhà nghiên cứu Mélanie Rosselet cho rằng cuộc xung đột Ukraina còn mang tầm vóc nguyên tử, trong sự cạnh tranh chiến lược giữa Washington, Matxcơva và Bắc Kinh. Tác giả nhấn mạnh, Vladimir Putin vi phạm trắng trợn thỏa thuận Budapest ký với Nga, Hoa Kỳ và Anh, theo đó Ukraina từ bỏ vũ khí nguyên tử, đổi lấy việc Matxcơva cam kết tôn trọng chủ quyền. Nga còn dùng tư cách cường quốc nguyên tử để đe dọa mọi chống đối trước việc áp đặt chuyện đã rồi. Khi chiếm Crimée năm 1994, Nga cho bắn thử hỏa tiễn đạn đạo địa-địa và địa-không, vi phạm không phận và hải phận châu Âu với các lực lượng trang bị nguyên tử, triển khai hỏa tiễn Iskander ở Kaliningrad... Chiến lược răn đe kiểu này cũng được Bắc Triều Tiên áp dụng.

Trung Quốc chăm chú theo dõi diễn biến Ukraina để rút kinh nghiệm cho kịch bản Đài Loan. Hoa Kỳ phải đối mặt với hai đối thủ đều là cường quốc nguyên tử, không thể giải quyết với kẻ này mà không đụng chạm đến kẻ khác. Liệu Hoa Kỳ, bận rộn ở Thái Bình Dương, có bị động trước sự tấn công của Nga vào châu Âu, với bóng ma nguyên tử phía sau, thậm chí nhân đôi nếu Iran ra tay ở vùng Vịnh? Đó là chân dung tình trạng đa cực nguyên tử, mà tâm chấn được di chuyển về châu Á xung quanh quan hệ Mỹ-Trung. Một sự bùng phát ở châu Á sẽ tác động đến châu Âu. Ai sẽ canh giữ ngôi nhà châu lục nếu người châu Âu không chuẩn bị? Khó khăn của Mỹ trong việc hiệu chỉnh tam giác răn đe, đối phó cùng lúc với hai đối thủ Nga và Trung Quốc sẽ còn kéo dài nhiều năm.

Nhà nghiên cứu quá cố Thérèse Delpech cách đây 25 năm đã dự báo về tình hình vô trật tự về vũ khí nguyên tử. Xu hướng phi hạt nhân hóa tại các quốc gia dân chủ, với hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử (hiệu lực từ tháng 1/2021) có nguy cơ làm tương quan lực lượng nghiêng về phía những thế lực độc tài. Các chế độ toàn trị không hề có khái niệm đạo đức, và tầm quan trọng của vũ khí nguyên tử chưa hề giảm sút sau chiến tranh lạnh. Bà Delpech nói thẳng, răn đe nguyên tử là cần thiết trong bối cảnh chiến lược xấu đi, để có thể đối thoại trong thế mạnh, mở ra cho đối thủ cơ hội xuống thang. Tuy không phải là tất cả, nhưng không có răn đe nguyên tử, sẽ dễ dàng bị địch thủ đe dọa, bắt bí, và lệ thuộc nặng nề vào các đồng minh có loại vũ khí tối thượng này.


Ba Lan : « Đức nạp đạn cho khẩu súng để Putin dùng đe dọa cả châu Âu »

Cũng liên quan đến Ukraina, thông tín viên Le Figaro cho biết chi tiết về việc Ba Lan và các nước Baltic cung cấp vũ khí cho Kiev.

Từ hai tuần qua, Litva và Latvia đã giao các giàn hỏa tiễn địa-không và Estonia đưa sang Ukraina hỏa tiễn chống tăng. Litva cũng tặng thêm kính ngắm hồng ngoại cho quân đội Ukraina, trị giá trên 300.000 euro. Nhà chính trị học Linas Kojala, Trung tâm nghiên cứu Đông Âu nhấn mạnh, Ukraina chiến đấu không chỉ để tự vệ mà còn bảo vệ phần còn lại của châu Âu. Từ sau cuộc cách mạng màu cam năm 2004 và nhất là sau khi Crimée bị chiếm, Litva chăm sóc những người lính Ukraina bị thương và gởi cố vấn quân sự sang giúp Kiev. Vào đầu tuần này, một phái đoàn chính phủ Litva đến Ukraina và lưu lại một tháng, tìm hiểu những nhu cầu của nước này để thích ứng. Litva cũng sẵn sàng kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh của châu Âu chống tin tặc.

Ba Lan, quốc gia có 535 kilomet đường biên với Ukraina và có 1 triệu kiều dân Ukraina sinh sống, rốt cuộc đến 31/01 đã loan báo sẽ viện trợ Ukraina hàng ngàn quả pháo cùng với đạn dược, hỏa tiễn phòng không Grom, súng cối, máy bay không người lái và các loại vũ khí thám báo khác. Lần đầu tiên sang thăm nước láng giềng kể từ khi nhậm chức năm 2017, thủ tướng Mateusz Morawiecki khẳng định « Một Ukraina có chủ quyền, một Nhà nước Ukraina dân chủ là có lợi cho toàn thể châu Âu ». An toàn năng lượng cũng được đề cập đến, Ba Lan có thể cung cấp khí đốt, và ông Morawiecki chỉ trích với dự án Nord Stream 2, Đức đã « nạp đạn cho Putin, và với khẩu súng này ông ta bắt chẹt cả châu Âu ».


Thổ Nhĩ Kỳ khó thể « đi dây »

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách duy trì sự thăng bằng giữa Kiev và Matxcơva, giữa phương Tây và Nga. Một mặt là những cam kết với NATO, mặt khác là lợi ích của việc hợp tác với Nga. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đề nghị Matxcơva từ bỏ những yêu sách đơn phương về NATO, cho rằng xâm lăng Ukraina là phi lý. Đồng thời kêu gọi NATO lắng nghe Nga và từ chối tham gia trừng phạt.

Nhà phân tích Sinan Ulgen ở Istanbul nhận xét, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đối thoại vì sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu chiến tranh xảy ra giữa Ukraina và Nga. Sẽ không thể có vùng xám hay trung lập. Thổ Nhĩ Kỳ chịu áp lực của NATO để trừng phạt Matxcơva, đồng thời phải chọn lựa giữa Nga và Ukraina : hoặc ngưng bán drone cho Kiev và bị coi là ủng hộ Matxcơva, hoặc tiếp tục bán và bị Nga cho là đồng minh của Kiev.

Theo giáo sư Serhat Guvenç, Erdogan không muốn rơi vào thế lưỡng nan sẽ ảnh hưởng đến kinh tế. Chống lại Nga sẽ bất lợi cho hàng ngàn quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ tại bắc Syria và hàng triệu thường dân Idleb, nhưng cũng khó từ chối những yêu cầu của NATO và Hoa Kỳ, chẳng hạn tăng hiện diện quân sự ở Hắc Hải. Nhìn chung, Ukraina bị xâm lược sẽ làm đảo lộn thăng bằng địa chính trị ở Hắc Hải có lợi cho Nga, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hài lòng với nguyên trạng. Erdogan khó thể giữ được vai trò độc lập.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.