Người ta thường chỉ bị thôi miên để mất đi tài sản, chứ không ai bị thôi miên mà nhận được cả đống tiền.
Rõ ràng không có kẻ ngốc nào không hiểu được rằng, chỉ kẻ có chức vị và quyền hành mới bị thôi miên ngược để được dúi tài sản vào tận túi của mình. Cũng như những kẻ mua bằng giả toàn là những kẻ có uy tín cả, mà tôi gọi là uy tín của kẻ cướp, của tội phạm.
Sự đùa bỡn (đổ cho việc bị thôi miên) trước nhân dân từ những kẻ đương chức đương quyền khi bị phát hiện, chỉ cho thấy bọn họ không coi nhân dân và luật pháp ra gì. Bởi họ có thể nói những điều mà một kẻ tâm thần phân liệt cũng không ai nói điên khùng như thế.
Và nếu đọc tường thuật vụ án này thì “nạn nhân” có chức vụ đã có dấu hiệu phạm tội về chức vụ (nhận hối lộ hoặc lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản hoặc tội danh cụ thể khi điều tra). Nếu ở quốc gia khác, trước tiên là dân chúng phẫn nộ, và sau đó kẻ có chức vụ phải từ chức để chờ hầu tra theo thủ tục hình sự là điều tất yếu.
Không hiểu sao, các bị cáo lại bị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản, trong khi họ khai rõ đã gửi USB cho cơ quan điều tra làm chứng cứ về việc “đưa quà” cho hai nạn nhân có quyền hành? Các bị cáo kêu oan tại tòa và khai bị đánh đập, bức cung tại giai đoạn điều tra, song kiểm sát viên cho trình chiếu các đoạn ghi hình những buổi hỏi cung và nói rằng không có tình trạng đánh đập, bức cung.
Cần nhớ rằng, cơ chế ghi hình khi hỏi cung chỉ là một giải pháp kỹ thuật và trong phạm vi hẹp. Bản thân nó không chứng minh được gì đáng kể ngoài những thứ (trong khoảng thời gian ngắn ngủi) nó ghi lại, trong một khung cảnh mà cơ chế giám sát trực tiếp và bảo toàn chứng cứ cũng như chu trình giam giữ nghi can chưa được giải quyết (đã nhiều đề xuất phải giao cho Bộ Tư pháp quản lý việc giam giữ bị can, bị cáo thay vì cho Bộ Công an như hiện nay).
Có một thông tin đáng chú ý nữa trong vụ án này, phó bí thư thường trực thị xã mà rất mau chóng trong ít ngày đã có thể chuẩn bị được một số tiền khổng lồ, 10 tỉ đồng, để đáp ứng cho các bị cáo.
Trong một số vụ án rình rang khác vừa xét xử thời gian qua, những quan chức luôn sẵn sàng khắc phục hàng chục (có khi tới cả gần trăm) tỉ đồng để giảm nhẹ hình phạt cho mình. Điều đó cho thấy tài sản của họ luôn là một khối mơ ước so với đông đảo người dân thường trong xã hội hiện thời.
Trong vụ án bộ xét nghiệm thần tốc của Việt Á, có bao nhiêu kẻ “bị thôi miên” để phù phép cho chúng được sử dụng một cách đại trà ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước?
LÊVĂN LUÂN 27.12.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.