Phiên tòa mở từ 8 giờ 30 sáng. Nhưng do vấn đề an ninh từ vòng ngoài cùng, với việc giải quyết người nhà (anh trai) của bà Phạm Đoan Trang là người theo bác Bùi Thiện Căn (mẹ Trang) để vào tòa như người chăm sóc sức khỏe, nên thực tế phải gần 9 giờ phiên tòa mới đủ các luật sư để bắt đầu phần thủ tục.
Cả phiên tòa sơ thẩm, chỉ có một mình bà Trang là người bị cáo buộc hiện diện. Những người tham gia tố tụng còn lại như người chứng kiến, giám định viên, điều tra viên, phiên dịch viên cũng như bất kỳ thành phần tố tụng nào khác đều vắng mặt.
Trong suốt quá trình tố tụng, tôi luôn nhắc lại đề nghị, trong sự cần thiết của một phiên tòa mà tôi cho rằng cần đảm bảo công bằng về mặt tối thiểu, rằng, những người tham gia tố tụng mà chúng tôi đã đưa ra trong văn bản trước một tháng và cách một tuần trước ngày xử là rất quan trọng. Nhưng chủ tọa nói, sẽ triệu tập khi xét thấy cần thiết, và phiên tòa vẫn tiếp tục.
Các quan điểm biện hộ bảo vệ bà Trang được tôi tóm gọn vào ba vấn đề chính:
1. Vấn đề bảo vệ các nguyên tắc cơ bản nhưng là nền tảng không thể xâm phạm vào, gồm nguyên tắc xét xử công bằng và nguyên tắc tranh luận.
2. Về mặt nội dung: hai vấn đề gồm - cấu thành (hành vi) và chứng cứ trực tiếp) - đưa đến một vấn đề pháp lý mấu chốt và duy nhất là các kết luận giám định.
Kết luận giám định vi phạm nghiêm trọng các khía cạnh sau:
(i-1) Không có thẩm quyền; và
(i-2) Địa phương hóa việc kết tội - trao quyền kết tội cho các Sở Thông tin và truyền thông địa phương thực hiện kết luận về tội phạm; và
(i-3) Nhầm lẫn về mục đích và chức năng giám định - giám định mức độ làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, nhầm lẫn với giám định để khẳng định kết tội (kết luận hành vi khách quan phạm vào điều luật nào của BLHS); và
(i-4) Không dựa trên bất cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn nào hay dựa trên cơ sở nào của luật pháp, cộng với (i-1), (i-2), tạo ra hệ quả là chỉ một nhóm vài người có thể dùng ý chí chủ quan của mình kết tội tuỳ tiện về tư tưởng hay quan điểm của người khác.
3. Về chứng cứ:
(a-1) Dữ liệu điện tử thu giữ ngày 22/09/2016 không đúng quy trình và không đảm bảo tính nguyên vẹn của chứng cứ; không còn chứng cứ gốc.
(a-2) 04 tài liệu văn bản (03 bản bằng tiếng Anh, và 01 bản bằng tiếng Việt) thu giữ ngày 16/11/2021 thể hiện nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng mà sẽ được phân tích bổ sung tại mục (4), với sự xung đột nghiêm trọng về các chứng cứ dưới dạng lời khai và bản ghi hình. Chỉ có chữ ký trên trang đầu tiên, còn không được xác định rằng những trang sau là của bà Trang (có kết luận giám định chữ ký được cho là của bị cáo, nhưng giám định cho kết quả không đủ cơ sở). Không xác định được nguồn chứng cứ nên không thể dùng làm căn cứ buộc tội, và cần giám định lại để xem có yếu tố giả mạo chữ ký trên các tài liệu này không.
(a-3) Người chứng kiến Tr.X.Thành không có mặt tại buổi làm việc (được chứng minh qua đối chứng bản khai và bản ghi hình được tường minh tiếp dưới đây). Trên các tài liệu lại có dấu giáp lai của Cục An ninh nội địa (BCA), như vậy, các tài liệu này xuất phát như thế nào và được thu giữ ra sao, không thể xác định được.
4. Những lời chứng gian dối:
(b-1) Người chứng kiến Tr.X.Thành không có mặt tại buổi làm việc, và chỉ xuất hiện vào thời điểm cuối cùng khi buổi làm việc kết thúc, nhưng lại đã khai chứng kiến toàn bộ buổi làm việc (suốt 80 phút của hai bản ghi không xuất hiện người chứng kiến).
(b-2) Người chứng kiến nói bà Trang đồng ý cho ký xác nhận trên các tờ tài liệu còn lại của cả 03 tài liệu thu giữ ngày 16/11/2017, song, bản ghi hình tên 000812 (dài 42 phút) cho thấy bà Trang không đồng ý cho người chứng kiến ký lên các tài liệu này (trong khi lúc này người chứng kiến chưa xuất hiện) - lời khai lúc 23 phút 50 giây của đoạn ghi hình thứ nhất.
(b-3) Mâu thuẫn nghiêm trọng về thời điểm xác lập bản khai và bản ghi hình ngày 16/11/2017, thể hiện ở hai đối chứng được tôi bóc tách từ bản ghi như sau:
+ Bản khai giấy ngày 16/11/2017 cho biết giờ bắt đầu làm việc là 14 giờ và kết thúc lúc 15 giờ 15. Tuy nhiên, khi xem kỹ 02 bản ghi hình (mỗi bản dài khoảng 40 phút), tôi đã trích ảnh mà các bản ảnh này có chiếc đồng hồ đeo tay của nữ cán bộ ghi biên bản, thì thời gian hiển thị trên đó, tại 3 mốc được chọn, cụ thể:
Với bản ghi đầu tiên (tên 00812)
* Tại lúc 1 phút 48 giây, đồng hồ đeo tay của nữ cán bộ chỉ 16 giờ; và
* Tại lúc 39 phút 03 giây, đồng hồ chỉ khoảng 16 giờ 30; và
Với bản ghi thứ hai (tên 00813)
* Tại lúc 15 phút 10 giây, đồng hồ chỉ khoảng 17 giờ kém 10.
Như vậy, thời gian sai biệt giữa bản khai giấy và bản ghi hình là khoảng 02 tiếng, một khoảng rất lớn. Và do đó, cả hai tài liệu này đều không có cơ sở và độ xác thực, nên không thể dùng làm chứng cứ.
Bằng vào chừng ấy sự gian dối trong lời khai, càng cho thấy cần thiết không thể trì hoãn việc triệu tập những người mà tôi đã nêu ra. Hơn thế, còn phải xem xét tới trách nhiệm hình sự của những lời khai gian dối, bởi không ai có thể kết tội người khác dựa vào những bằng chứng không trung thực. Và bởi lẽ công bằng cho tất cả chúng ta chứ không phải chỉ đối với một mình bà Trang, nền tư pháp cần phải vận hành dựa trên những phẩm chất tốt đẹp, không thể kết tội theo cách mà “đổ đầy vào đó các khoảng trống của bằng chứng buộc tội”.
Với mong muốn được nhắc như một nguyên tắc khi bắt đầu lời biện hộ, mỗi một phiên tòa ngày hôm nay phải làm sao để có ngày mai tốt hơn, và tại phiên tòa chỉ có sự thật hợp pháp chứ không có sự thật như ta thấy hay ta muốn. Đề nghị rằng, Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc về việc tuyên bà Phạm Đoan Trang vô tội, đồng thời trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa này.
LSLÊ VĂN LUÂN 14.12.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.