Dư âm, ồn ào, nghi hoặc của vụ Tân Hoàng Minh đấu trúng 2,45 tỉ/m2 đất ở Thủ Thiêm có lẽ còn kéo dài cho đến khi họ nộp đủ 24.500 tỉ cho ngân sách!
Nhưng sau vụ này thì Thủ Thiêm lại nổi sóng, sau bao lận đận lênh đênh của vùng đất cho đến lúc này dữ nhiều hơn lành. Và ít ai còn nhớ trước dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì tỉ phú Nguyễn Tấn Đời thời chế độ cũ cũng có dự án tương tự đã bị... chết yểu!
Biết bao người cả dân lẫn quan liên quan đến dự án 25 năm qua chưa hoàn thành đã chịu đắng cay, mất mát. Dân thì mất nhà, đền bù không đáng, oan khuất ai oán, quan kẻ mất chức, tên bị kỷ luật và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Vùng đất gọi là vàng với kim cương này dữ hay lành? Tôi chưa biết rồi sẽ ra sao với những chủ nhân bỏ ra hàng chục ngàn tỉ nhưng đây là câu chuyện khá thú vị, chìm nổi buồn vui về đại gia đầu tiên thực hiện dư án này:
Đầu những năm 1960, ông chủ của Ngân hàng Tín Nghĩa - Vua ngân hàng Việt Nam Cộng Hòa, là một trong vài người giàu nhất Việt Nam đề ra dự án "Mỗi người dân một mái nhà". Và khu đầu tiên ông tính đến là Thủ Thiêm với quy mô 500ha!
Dự án nhân văn của Vua Ngân hàng nhanh chóng được ủng hộ nhưng rồi những cuộc đảo chính, thay đổi triền miên của Việt Nam Cộng Hòa đã khiến nó mãi mãi trên giấy! Đến năm 1971 Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bắt giam ông với những lý do không rõ ràng và được đồn đoán là ông cung cấp tài chính cho các lực lượng, phe phái, tướng lĩnh chống tổng thống Thiệu. Mãi đến 29-4-1975, sau khi ông Thiệu ra nước ngoài, ông mới được phóng thích.
Được tự do nhưng mọi quyền hành đều mất hết, tài sản bị tịch thu, Nguyễn Tấn Đời trắng tay. Ông lang thang về nhà tìm vợ nhưng không gặp. Vợ ông đã sang Canada sum họp cùng con cái. Chạy vạy khắp nơi, cuối cùng ông cũng mượn được một số tiền để tìm đường ra ngoại quốc. Nhưng tất cả số tiền ấy bị những kẻ tổ chức vượt biên lừa gạt lấy sạch, ông bị trôi dạt đến Song Kla, Thái Lan.
Tại đây, vì biết ông là một nhân vật quan trọng, chính quyền Thái Lan ra lệnh trục xuất ông về Việt Nam. Ông xin liên lạc với gia đình tại Canada và được chấp thuận. Sau đó ông được con trai bảo lãnh sang Canada với sự can thiệp của Luật sư Harry Blank - Phó Chủ tịch Quốc hội Canada. Lệnh trục xuất Nguyễn Tấn Đời về nước được hủy bỏ.
Tại Canada, lịch sử đã lặp lại. Không chút vốn liếng, ông năn nỉ đứa con gái bán chiếc vòng cẩm thạch để ông làm vốn kinh doanh nhỏ để kiếm sống qua ngày. Một lần dạo phố, ông vô tình gặp chủ một công ty người Nhật. Đó là ông Sato, một người bạn làm ăn với ông khi còn ở Sài Gòn. Biết được hoàn cảnh khó khăn của Nguyễn Tấn Đời, ông Sato đã đứng ra giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để mở một nhà hàng Kobe tại Canada. Từ một nhà hàng, dần dần Nguyễn Tấn Đời phát triển thành một hệ thống, thành công ngoài sự mong đợi.
Sau thành công của hệ thống nhà hàng Kobe tại Canada, năm 1980 Nguyễn Tấn Đời đầu tư mở thêm hàng loạt chi nhánh tại tại Mỹ như Washington DC, Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawai, Florida… Tên tuổi Nguyễn Tấn Đời một lần nữa lại nổi như cồn
Trở thành tỉ phú nơi đất khách, Nguyễn Tấn Đời dự định về Việt Nam xin phép kinh doanh các ngành nghề trước kia như mở ngân hàng, xây cao ốc, mở xí nghiệp sản xuất… với một tham vọng rất lớn là sẽ trở lại “ngôi vua” thời trước. Nhưng mọi kế hoạch đang tính toán dở dang thì ông lâm bệnh và từ trần vào ngày 6-7-1995 tại Orlando, Florida (Mỹ)!
Giờ đây ngoài những dự án nhà ở và vài cái chung cư, Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn còn đầy cỏ hoang và đất trống sau 25 năm triển khai! Chưa biết số phận những người đã và đang làm ra Thủ Thiêm như hôm nay sẽ thế nào?
HÀPHAN 16.12.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.