mercredi 15 septembre 2021

Lưu Trọng Văn - Thêm một nữ dũng tướng xé rào cứu dân

 

Vì sao Củ Chi không ai chết vì dịch?

Phương pháp "không coi F0 là người bệnh", đưa thuốc Đông y vào sử dụng từ rất sớm đã giúp Củ Chi điều trị khỏi nhiều ca bệnh rất nhanh, và đặc biệt không có trường hợp chết.

Nhiều quan ngài tây y nắm vị trí cao ngành y tế không chấp nhận sức mạnh của Đông y. Họ hầu như không hiểu gì về Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông cùng giá trị của Y học cổ truyền.

Họ không hiểu rằng đông và tây là hai cấp độ khác nhau. Ở đó Đông y phải đi trước vì các bài thuốc Đông y từ thảo dược và các phương pháp Dân gian rất hiệu quả cho phòng và dập bệnh tức thời khi bệnh vừa nhiễm thể nhẹ.

Đông y là bức thành, lá chắn quyết định để dịch bệnh không trở nặng vì tạo đề kháng phòng dịch và ngăn dịch ngay khi vừa phát. Toàn bộ việc "toang" không kiểm soát được dịch dẫn đến quá tải rồi hỗn loạn ở Sài Gòn và các tỉnh xung quanh là do có vật cản của ai đó trong ngành y tế và lãnh đạo chính quyền đã không quan tâm tới bức tường thành, lá chắn này.

Không ai phủ nhận vai trò rất quan trọng của y học phương tây khi chữa bệnh, đặc biệt khi bệnh trở nặng. Lúc bệnh trở nặng thì tác dụng các bài thuốc Đông y không còn tác dụng kịp thời nữa. Để cho bệnh nhân từ nhẹ trở nặng thì dù Tây y vào cuộc quyết liệt, tính mạng bệnh nhân vẫn bị đe doạ. Vì vậy nhiều người đã chết tức tưởi.

Phải nói thẳng những kẻ có trách nhiệm thờ ơ, ngăn cản đưa các phương pháp phòng chống dịch theo y học cổ truyền - tinh hoa của Dân tộc - là những tội đồ lịch sử. Lịch sử rồi sẽ phán xét chúng.

Tuy vậy có một số nơi không chấp nhận để Dân chết đã xé rào cứu Dân. Gã đã đưa tấm gương xé rào của Lê Thị Hờ Rin, bí thư quận 6. Còn đây một dũng tướng xé rào nữa đó là Phạm Thị Thanh Hiền, 42 tuổi, chủ tịch huyện Củ Chi. Thanh Hiền cũng như Hờ Rin có chung một lời nguyện: “khi thấy việc hiệu quả cứu Dân mà không dám làm thì mang tội với Dân”.

Cách xé rào của nữ chủ tịch Củ Chi thế này đây: "Nguyên tắc của huyện khi chăm sóc F0 là “không coi F0 là người bệnh”. Do đó, huyện rất coi trọng yếu tố tinh thần của F0.

Về thể chất, ngoài đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, huyện phân công giáo viên hàng ngày pha nước chanh - sả cho F0 uống, cấp thuốc, vitamin C, xuyên tâm liên và một số dược liệu. Huyện phát muối cho F0 rồi hướng dẫn pha để súc rửa mũi, họng nhằm giảm sự sinh sôi, nảy nở của virus trong cơ thể của F0.

Để tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho F0, huyện cho họ sinh hoạt theo một “đồng hồ sinh học”. Tình nguyện viên mỗi sáng đều mở nhạc, ra nhảy cùng F0, hướng dẫn họ tập thể dục, phơi nắng. Tối thì tổ chức đi dạo, một thời điểm chỉ cho 3-4 phòng cùng ra ngoài, đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang.

Về mặt tinh thần, huyện chuyển hệ thống loa để mở cho F0 nghe những bản nhạc sôi động, kích thích sự yêu đời, tinh thần sảng khoái. Mỗi ngày đều tuyên truyền F0 sáng nên dậy vào mấy giờ, tập thể dục, phơi nắng thế nào, ăn ngủ điều độ ra sao.

Thuốc xuyên tâm liên được huyện đưa vào sử dụng từ giữa tháng 7, từ khi dùng thuốc này, bệnh nhân xuất viện rất nhanh và tỉ lệ trở nặng thấp. Ví dụ trước đây, F0 phải mất 14-20 ngày mới âm tính, sau khi uống thuốc, thời gian giảm chỉ còn 7 ngày, có trường hợp 3 ngày đã sạch virus.

(Ở đây gã xin chen ngang: hiệu quả của dây da cóc (Ký- ninh) còn hơn tâm liên. Thực nghiệm nhiều nơi đã chứng minh khi chớm dịch uống dây da cóc này chỉ một hoặc hai ngày sau là dứt).

Có F0 vào khu thu dung rồi thì không muốn đi đâu nữa. Tỉ lệ F0 chuyển nặng của huyện rất thấp, cuối tháng 8, tỉ lệ này chỉ khoảng 1%. Sau đó, do một khu dưỡng lão ở Bình Mỹ nhiễm bệnh nên tỉ lệ chuyển nặng tăng lên, khoảng 3,5%. Huyện chưa có trường hợp nào tử vong tại khu dân cư, khu cách ly, bệnh viện dã chiến”.

Thật tự hào Củ Chi khi không có một ai chết vì dịch. Trong khi đó tại các nơi không dám xé rào tìm mọi cách cứu Dân thì hàng ngày có hàng chục người chết đau thương.

Sài Gòn hơn 1.500 trẻ phải mồ côi vì cha mẹ chết vì dịch.

Đau đớn biết chừng nào!

Những gì Củ Chi đã chứng minh chưa đủ cho các địa phương khác mở mắt hay sao?

Gã đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính hãy mời Phạm Thị Thanh Hiền và Lê Thị Hờ Rin, hai nữ dũng tướng anh hùng chống dịch đi các vùng dịch phổ biến kinh nghiệm chống dịch của mình.

Chúng ta có cách đàng hoàng sống chung với covid 19 khi chúng ta có những con người dũng mãnh, vì Dân như Hờ Rin, như Thanh Hiền. Còn bọn khua môi, múa mép, bọn vô cảm, vô trách nhiệm, bọn đang lợi dụng nỗi đau của Dân đục khoét ngân khố, thì phải sớm trừng trị chúng.

LƯUTRỌNG VĂN 15.09.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.