Có thể nói không quá rằng, doanh nghiệp và người dân bây giờ như những con lừa đã bị dịch bệnh chất đủ thứ tải nặng lên lưng, chỉ cần thêm "chiếc áo" xét nghiệm bắt buộc nữa thôi, vắt lên là quỵ ngã.
Ấy vậy mà, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bộ Y tế sẽ sớm dừng cơn nghiện xét nghiệm.
Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm, như một cuộc lùng bắt ma không hồi kết.
Cùng với nó là hàng trăm tỉ, ngàn tỉ chi phí đổ ra. (Số tiền đó để mua thêm máy móc, thiết bị điều trị, để nâng cao đãi ngộ cho lực lượng y tế tuyến đầu thì tốt biết mấy.)
Cùng với nó là những tiếng kêu than ai oán của người dân, doanh nghiệp.
Và đáng sợ hơn, cùng với nó có thể là những cái lắc đầu, ngoảnh mặt, là các đơn hàng bỏ đi, là các nhà đầu tư bỏ đi, là các đối tác nước ngoài bỏ đi.
Những cải cách, mở cửa, những ưu đãi thuế, những xúc tiến đầu tư, những hiệp định thương mại tự do vân vân và vân vân, tất cả có thể sẽ trở nên vô nghĩa trong một sớm một chiều.
Nhưng, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Chưa bao giờ, người ta thấy các bộ phận của nền kinh tế lại gắn bó mật thiết với nhau đến như thế.
Chưa bao giờ người ta có thể thấy, một chính sách y tế sai lầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế đến mức như vậy.
Có thể tôi sai, vậy thì các vị cứ tiếp tục xét nghiệm đi.
Cho đến ngày ,10/9, phản hồi ý kiến "xét nghiệm toàn dân là lãng phí", trên báo Lao Động, Bộ trưởngY tế Nguyễn Thanh Long vẫn khăng khăng dẫn kinh nghiệm của Trung Quốc: "xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng".
Chẳng nhẽ, ông Bộ trưởng Y tế không biết, Trung Quốc là một trong số ít nước vẫn duy trì "chính sách zero-Covid"?
Chẳng nhẽ ông Bộ trưởng Y tế không biết, từ ngày 29/8, trong cuộc họp trực tuyến với đại diện 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành đang giãn cách xã hội, Thủ tướng đã nêu rõ tinh thần "sống chung với dịch"?
NGUYỄN ĐẮC KIÊN 20.09.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.