Ở Việt Nam hiện nay, chọc ngoáy mũi đang là một nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người. Nhưng nghiên cứu khoa học [1] chỉ ra một cách làm khác nhẹ nhàng hơn: dùng nước miếng.
Chúng ta biết rằng phương pháp chuẩn 'vàng' để chẩn đoán covid là xét nghiệm PCR, dựa trên chu kỳ khuếch đại (Cycle Threshold, Ct). Mẫu xét nghiệm thường lấy từ mũi hay cổ họng. Chẳng hiểu sao ở Việt Nam chủ yếu lấy mẫu từ mũi.
Lấy mẫu từ mũi có nghĩa là dùng một cái que chọc vào mũi để lấy đủ dung lượng. Người lấy mẫu phải được huấn luyện, và dù đã qua huấn luyện, cách làm này tương đối xâm phạm và gây khó chịu cho rất nhiều người. Một số người rất sợ lấy mẫu bằng cách ngoáy mũi vì họ cho rằng dễ bị tổn thuơng.
Một cách làm khác là lấy mẫu nước miếng (không cần dùng que). Nước miếng hàm chứa nCov rất nhiều. Nhiều nghiên cứu từ năm ngoái (Ý, Tàu, Hồng Kong) cho thấy nCov hiện diện trong nước miếng từ 87-100%. Lấy mẫu nước miếng thì dễ hơn, không cần huấn luyện, và nhẹ nhàng hơn so với chọc vào mũi. Có thể xem cách làm mô tả trên YouTube [2].
Câu hỏi đặt ra là giữa mẫu nước miếng và mẫu lấy từ mũi, cái này cho ra kết quả chính xác hơn. Chính xác ở đây hiểu theo nghĩa là lấy PCR làm chuẩn vàng. Các nhà khoa học bên Singapore mới công bố một nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi đó. Để các bạn hiểu kết quả (vì họ trình bày khá phức tạp), tôi tóm tắt nghiên cứu như sau. Họ làm nghiên cứu trên 337 mẫu (khá lớn); trong đó, 188 là có triệu chứng và 149 là không có triệu chứng covid. Họ so sánh độ chính xác (nói vậy cho dễ hiểu) 3 loại mẫu xét nghiệm covid:
• Mẫu A: ngoáy mũi do nhân viên y tế làm
• Mẫu B: nước miếng
• Mẫu C: tự ngoáy mũi
Xét nghiệm bằng PCR trên mẫu A cho ra 150 kết quả dương tính. Trong số này, 139 (93%) mẫu B cũng cho ra kết quả dương tính, so với 106 (71%) kết quả dương tính từ mẫu C. Như vậy, xét nghiệm trên nước miếng có độ nhạy cao hơn xét nghiệm trên mẫu tự lấy từ mũi.
Tác giả còn phân tích chi tiết hơn như sau. Trong số 63 mẫu A có ngưỡng Ct < 30, mẫu B cho ra 62 (98.4%) kết quả dương tính, còn mẫu C cho ra 57 (90.5%) kết quả dương tính. Một lần nữa, mẫu từ nước miếng có độ nhạy cao hơn mẫu tự lấy từ mũi.
Đọc bài báo này [1] tôi mới biết là câu hỏi [mẫu từ mũi và nước miếng cái này chính xác hơn] đã được nghiên cứu khá nhiều trong quá khứ. Một số nghiên cứu thì cho rằng mẫu từ mũi cho ra kết quả chính xác hơn, nhưng một số nghiên cứu khác thì kết luận rằng mẫu nước miếng chính xác hơn.
Vấn đề là chúng ta phải đánh giá bằng chứng khoa học. Các nghiên cứu trước đây thường có số tình nguyện viên rất thấp (thường là vài chục người, hay cao hơn là chừng 100), nên kết quả có nhiều bất định. Còn nghiên cứu của nhóm Singapore thì số cỡ mẫu lớn (hơn 300), nên đó là một ưu điểm. Nghiên cứu ở Singapore còn dùng cả công nghệ NGS để đánh giá kết quả xét nghiệm, và đây là một ưu điểm lớn mà các nghiên cứu trước không có. Ngoài ra, họ còn so sánh hai xét nghiệm trong mỗi mẫu để cho thấy quả thật xét nghiệm trên nước miếng là đáng tin cậy. Dựa vào những đánh giá đó, tôi nghĩ chứng cớ từ nghiên cứu Singapore là khá thuyết phục.
Vậy thì Việt Nam nên làm gì? Tôi nghĩ các nhà chức trách nên: (a) triển khai dùng mẫu nước miếng làm xét nghiệm chung; (b) chỉ lấy mẫu từ mũi ở những người có triệu chứng mà thôi; và (c) làm nghiên cứu so sánh như nhóm Singapore để có chứng cớ cho người Việt. Ngoài ra, nên bỏ đi chuyện phân chia vùng xanh - vàng - đỏ, vì nó chẳng có ý nghĩa gì cả mà chỉ đày đọa và kỳ thị người dân.
GS NGUYỄNVĂN TUẤN 27.09.2021
[1] https://www.nature.com/articles/s41598-021-82787-z
[2] https://www.youtube.com/watch?v=4jGrJUbjBBs (từ phút 1:25)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.