mercredi 29 septembre 2021

Huỳnh Ngọc Chênh - Hoan hô báo Tuổi Trẻ đã đề cập đến nhân quyền


Về vụ việc xâm phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở Bình Dương, trong các bài viết của tui hầu như không dám mang vấn đề nhân quyền ra để nói. Trong nhiều bài viết khác gần đây của tuy cũng thế, luôn tránh nói đến nhân quyền.

Để nói lý lẽ, để tranh luận, tui luôn viện dẫn đến pháp luật. Nhiều người đã chế giễu tui, lại tin vào pháp luật này sao.

Tui không e sợ gì về việc công khai đấu tranh cho nhân quyền, nhưng tui biết sẽ làm nhiều người e sợ khi đề cập đến nhân quyền. Những bài viết của tui có nhắc đến nhân quyền đều có lượng tương tác khá thấp so với các bài viết khác.

Trong vụ việc Bình Dương viết bênh vực cho người phụ nữ yếu thế mà tui đưa vấn đề nhân quyền vào sẽ có khi gây hại cho cô ấy. Do vậy, tui rất hoan nghênh báo Tuổi Trẻ và vị luật sư đã đặt vấn đề vi phạm quyền làm người ra ở đây.

Thật ra hiến pháp và pháp luật của Việt Nam hiện nay rất tiến bộ, hầu hết các điều khoản đều đặt trên cơ sở bảo vệ nhân quyền. Sự tiến bộ này không phải tự giác nhà cầm quyền Việt Nam đưa vào, mà vì phải hội nhập vào các tổ chức quốc tế nên phải cam kết sửa đổi Hiến pháp theo chiều hướng tiến bộ phù hợp với thế giới văn minh.

Quyền làm người có mặt trong hầu hết các điều khoản của luật pháp Việt Nam như trong bộ luật hình sự hay tố tụng hình sự nêu ra: quyền im lặng, giới hạn thời gian tạm giữ điều tra, nghi can ra tòa không mặc áo tù, quyền tham gia của luật sư khi hỏi cung ...

Hiến pháp thì quy định rất rõ về các quyền phổ quát của con người: quyền biểu tình, quyền báo chí, quyền biểu đạt, quyền lập hội, quyền ứng cử ...

Nhưng vì những quyền to lớn ấy gây ra sự lo sợ cho nhà cầm quyền độc đảng nên họ đã không cho thực hiện, và tệ hại hơn là lơ đi việc nhắc đến nhân quyền trong xã hội. Truyền thông không nhắc đến nhân quyền, giáo dục không dạy về nhân quyền, cán bộ công chức không được học về nhân quyền. Và bất kỳ người dân nào nói đến nhân quyền, đòi hỏi nhân quyền hay đấu tranh cho nhân quyền đều có thể đi tù. Hàng trăm người dân đã và đang bị đi tù - gọi là tù nhân lương tâm - đều là những người liên quan đến đấu tranh nhân quyền.

Nhưng thật ra quyền làm người, ngoài những vấn đề "lớn" ấy còn những vấn đề "nhỏ" và bức thiết khác, như: quyền được sống, quyền tự do đi lại, quyền được tự do mưu sinh, quyền không bị nhục hình, quyền không cho phép kẻ khác gây đau đớn cơ thể, quyền không cho kẻ khác xúc phạm danh dự và nhân phẩm, quyền bảo vệ riêng tư, quyền bí mật thư tín, quyền bất khả xâm phạm chỗ ở ...

Vì quá e sợ nhân quyền nên vô hình trung nhà cầm quyền cũng lơ là luôn việc tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu biết về những quyền bức thiết như đã nêu trên.

Lẽ ra cán bộ, công chức, nhân viên công lực phải được dạy ngay từ đầu về các quyền làm người cơ bản này để họ không vi phạm khi hành xử với dân.

Lẽ ra chương trình giáo dục phải đưa kiến thức về nhân quyền này dạy dỗ cho học sinh ngay từ cấp mẫu giáo, và năm học nào cũng đưa vào theo mức độ cao dần lên. Tui nhớ chương trình giáo dục của một nước ở Châu Phi đã dạy cho trẻ con mẫu giáo biết quyền không bị làm đau, nghĩa là không được quyền cắn, nhéo, đánh bạn,  biết quyền được phát biểu, nghĩa là khi bạn nói thì không được quấy rối gây cản trở...

Trong luật pháp đã có nội dung nhân quyền, nhưng học các điều khoản về luật pháp thì khó khăn và rắc rối cho người không có chuyên môn. Thay vào đó thì nên cho mọi người học về nhân quyền. Ví dụ nói về các quyền được nói, quyền được sống, quyền bảo vệ riêng tư, quyền bảo vệ tài sản, quyền bảo vệ chỗ ở, quyền không bị làm đau đớn thể xác... thì  dễ nhớ hơn là phải học về điều mấy khoản mấy trong các bộ luật. Mà một khi biết tôn trọng nhân quyền thì tự khắc sẽ không hành xử vi phạm pháp luật.

Phải chi ông chủ tịch phường, các nhân viên công an, cảnh sát cơ động ở Bình Dương được dạy dỗ chút đỉnh về nhân quyền lúc còn đi học hoặc ngay trước khi được tuyển vào làm việc, thì đã không có chuyện xâm phạm gia cư bất hợp pháp, bắt người trái pháp luật và hành xử bạo động trước mặt trẻ con (là xâm phạm quyền trẻ em).

Rất tiếc hệ thống này đã xem nhân quyền là thế lực thù địch nên đã xảy ra biết bao nhiêu điều khốn cùng cho người dân từ trước đến nay.

PS: Điều rất khôi hài là khi tui viết xong bài này post lên thì báo Tuổi Trẻ đã bị buộc gỡ bỏ bài báo rồi. Và đây là bằng chứng cho thấy nhà cầm quyền rất e sợ “quyền làm người”.

HUỲNHNGỌC CHÊNH 29.09.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.